Thanh long 'quay đầu': Nông dân, thương lái, nhà xe… mất tết!

Xe chở thanh long lên tới cửa khẩu thì Trung Quốc thông báo đóng cửa, quay về đi đường biển thì khi qua tới cảng phía Trung Quốc tiếp tục nằm chờ.

Sáng 6-1, sau một tháng năm ngày xếp hàng chầu chực thông quan ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) nhưng bất thành, anh Nguyễn Văn Thương (35 tuổi, tài xế chở thanh long) buộc phải quay đầu về tới Bình Định và căng bảng “giải cứu thanh long”.

Nằm gầm xe chờ thông khẩu

Ngày 29-12-2021, phía Trung Quốc (TQ) bất ngờ thông báo dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị đến ngày 26-1-2022. Sau thông báo này, hàng ngàn tài xế container vận chuyển thanh long qua cửa khẩu Hữu Nghị đang xếp hàng chờ thông quan… khóc ròng.

Theo tài xế Nguyễn Văn Thương, anh gom góp cộng với vay ngân hàng mua xe đầu kéo gần 2 tỉ đồng và mới chạy được ba chuyến thanh long thì kẹt cứng ở bãi Bảo Nguyên (Lạng Sơn) từ cuối tháng 11-2021 đến đầu năm 2022 mới quay đầu.

Bán thanh long dọc đường theo giá “giải cứu”. Ảnh PN

“Hơn một tháng nằm bãi, xe của tôi phải trả tiền bãi 400.000 đồng/ngày, đó là chưa kể phải mua dầu từng can chạy máy lạnh bảo quản thanh long hằng ngày, tiền ăn uống cho tài xế, phụ xe; ba ngày test COVID-19 một lần… trong khi tiền cước vận chuyển chỉ từ 80 triệu đến 115 triệu đồng/container” - anh Thương nói. Anh kể: Một can nước 20 lít ở bãi Bảo Nguyên 50.000 đồng; tắm rửa 20.000 đồng, đi vệ sinh 5.000 đồng… và hơn một tháng qua, anh và phụ xe chỉ dám mắc võng ngủ dưới gầm xe chứ không dám thuê nhà trọ vì quá đắt.

“Bây giờ chúng tôi, tất cả buộc phải quay đầu, buộc phải bán thanh long như “bán cà rem” dọc đường để gỡ gạc chút nào hay chút đó!” - anh Thương nói.

Do lượng xe quay đầu về ồ ạt, thanh long phải bán đổ bán tháo dọc đường. “Một thùng thanh long 20 kg may mắn lắm mới bán được 40.000-50.000 đồng, thậm chí chưa gỡ vốn được tiền bao bì bởi tiền thùng giấy, công đóng gói một thùng thanh long đã hơn 60.000 đồng” - bà Hương, chủ một vựa thanh long ở thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, nói như mếu.

Người trồng, thương lái… cùng khóc

Việc phía TQ dừng nhập khẩu thanh long qua các cửa khẩu khiến từ nông dân, thương lái, nhà xe đến tài xế, phụ xe và các dịch vụ liên quan như sản xuất bao bì, công nhân… đều gần như mất tết.

Ông Cao Hoàng Thiện, một nông dân có hàng chục ngàn trụ thanh long ở “thủ phủ” thanh long Hàm Thuận Nam, cho biết đến sáng 6-1, giá 1 kg thanh long chỉ còn 3.000 đồng trong khi giờ này năm ngoái là 25.000 đồng. Để canh tác thanh long mùa này, ngoài công chăm sóc, phân bón còn phải đầu tư tiền điện thắp sáng cho ra quả trái vụ nên người nông dân gần như mất trắng.

Đối với các doanh nghiệp (DN) thu mua thanh long đóng gói xuất khẩu sang TQ còn thiệt hại nặng nề hơn. Bình quân mỗi container 20 tấn, chứa 1.000-1.300 thùng khi quay đầu bị lỗ 500-650 triệu đồng/container thanh long ruột đỏ và mất khoảng 450 triệu đồng/container thanh long ruột trắng. Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng “thủ phủ” thanh long Hàm Thuận Nam tính đến sáng 6-1 có hơn 2.000 container thanh long phải quay đầu, coi như mất trắng, thiệt hại cả ngàn tỉ đồng.

“DN ít thì cũng 3-5 container, nhiều thì mất cả chục, thậm chí vài chục container trong đợt quay đầu này” - chủ một DN xuất khẩu thanh long giấu tên ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận cho biết.

Các DN xuất khẩu luôn yêu cầu các tài xế container khi quay đầu cố gắng dừng xe dọc đường, bán giúp được đồng nào hay đồng đó để gỡ vốn.

Tuy nhiên, theo tài xế Nguyễn Duy Trinh (39 tuổi, ngụ Quảng Nam), do container thanh long quay đầu hàng loạt, số lượng quá nhiều cộng với hàng đã nằm chờ bảo quản cả tháng nên kém chất lượng, khi bán giá “giải cứu”, cả container tiền tỉ chỉ bán được 16 triệu đồng, còn lại hư hỏng phải đổ bỏ.

Xoài hư hỏng toàn bộ do nằm chờ thông quan quá lâu. Ảnh PN

Quay đầu về cảng cũng không khá hơn

Theo anh Nguyễn Văn Chương, tài xế vận chuyển thanh long có hàng chục năm kinh nghiệm, khi phía TQ đóng biên, tiểu ngạch đã lỗ, còn chính ngạch cũng không khá hơn.

“Sau khi cửa khẩu Hữu Nghị ngưng nhập khẩu thanh long, nhiều DN xuất khẩu chính ngạch liền cho xe từ Lạng Sơn chạy về cảng Hải Phòng và phải chịu thêm chi phí khoảng 200 triệu đồng/container thanh long. Khi thanh long lên tàu cập cảng tại TQ vẫn phải nằm chờ thêm thời gian dài nữa để qua các thủ tục kiểm soát gắt gao. Thậm chí đã có nhiều container hàng phải đổ bỏ vì thời gian nằm chờ thông quan ở Lạng Sơn và các thủ tục nhiêu khê khác ở TQ khiến hàng hư hỏng toàn bộ và thiệt hại tăng thêm gấp đôi” - anh Chương cho biết.

Ngoài thanh long, các mặt hàng như xoài, dưa hấu, mít… còn thê thảm vì khó bảo quản và dễ hư hỏng hơn nếu sau một thời gian dài container đậu cắn đuôi nhau chờ thông quan rồi cuối cùng cũng phải… quay đầu.

Theo các tài xế, một container 30 tấn xoài trị giá 700-800 triệu đồng khi quay đầu về Hà Nội may mắn lắm mới bán gỡ gạc theo giá “giải cứu” gần 100 triệu đồng. Riêng mít dễ hư hỏng hơn, một container vận chuyển 3.000-4.000 trái, sau khi nằm chờ thông quan quay trở lại thì chỉ còn vài trăm trái ăn được. Còn đối với dưa hấu thì vô phương vì xe nằm bãi thì dưa rữa từ trong ruột rữa ra.

Thương nhau mùa… đổ bỏ

“Thanh long mùa này từ chết tới bị thương thôi anh ơi. Ai cũng lỗ nhưng phải chia sẻ, thương nhau, dìu nhau mà sống qua thời điểm tồi tệ này thôi” - tài xế Nguyễn Văn Thương tâm sự.

Được biết các tài xế container thanh long quay đầu sau khi “bán cà rem” gỡ gạc, hầu hết họ đều bớt 10-30 triệu đồng tiền cước vận chuyển cho các chủ vựa.

“Bình thường mình làm ăn có lãi thì tiền cước vẫn vậy, đâu có cho anh em tài xế, chủ xe thêm đồng nào nên mặc dù trong thời điểm đóng biên, lỗ trắng này cũng không dám mở miệng xin giảm tiền cước vận chuyển. Tuy nhiên, anh em đều tự nguyện giảm dù họ cũng lỗ rất nhiều nên quý cái tình buôn có bạn, bán có phường này lắm” - bà Hương, chủ một vựa thanh long ở thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, chia sẻ.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thanh-long-quay-dau-nong-dan-thuong-lai-nha-xe-mat-tet-a100534.html