Tiếp bài: 'Gia Lâm - Hà Nội: Sai phạm trong thu hồi đất di tích quốc gia chùa Vàng?' Cần thanh tra thành phố vào cuộc

Trên số báo ra ngày 6/1, Báo Giáo dục và Thời đại đã đăng tải bài viết 'Gia Lâm - Hà Nội: Sai phạm trong thu hồi đất di tích quốc gia chùa Vàng?'.

Hiện trạng khu vực II di tích.

Bài viết này sẽ phân tích những bất cập trong công văn đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận QSD đất chùa Vàng của UBND huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Đi ngược ý chí của dân?

Trước khi có Công văn số 3370/UBND-TN&MT ngày 18/10/2021, UBND huyện Gia Lâm đã có công văn gửi Sở TN&MT Hà Nội để đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận QSD đất chùa Vàng. Đó là Công văn số 1201/UBND-TN&MT ngày 19/5/2021. Về nội dung, tương đối giống nội dung của Công văn số 3370/UBND-TN&MT. Và cũng cho rằng khu vực II là sân chơi của nhân dân. Lý do “diện tích này chùa Vàng chưa khi nào sử dụng”.

Thực tế, khi phóng viên về chùa Vàng, bà Thuận, vãi ở chùa từ nhỏ nói: “Hàng chục năm về trước, tôi ở nhà nhỏ bên khu vực II của di tích. Khu vực II này trước là kho của hợp tác xã. Sau năm 1995 quy hoạch khoanh vùng bảo vệ thì là đất chùa”.

Về lý do diện tích khu vực II di tích chùa Vàng “chưa khi nào sử dụng”, không lẽ bất cứ di tích nào có đất cũng phải xây ngay công trình? Bà Trần Thị Lịch - người dân thôn Vàng cho biết: “Tại Hội nghị nhân dân thôn Vàng chiều ngày 13/11/2016, do ông Nguyễn Bá Tạo - Chủ tịch xã Cổ Bi thời điểm đó chủ trì đã bàn về việc mở rộng khuôn viên chùa Vàng ra phần đất khu vực II. Đã có 105/115 người biểu quyết mở rộng xây dựng các công trình khác của chùa ra khu vực II khoảng 520m2. Phần còn lại sẽ sử dụng làm sân phục vụ lễ hội”.

Công văn số 3370/UBND-TN&MT của UBND huyện Gia Lâm chỉ ra “lỗi” của lãnh đạo xã Cổ Bi: “Quá trình lập hồ sơ, UBND xã Cổ Bi đã thiếu kiểm tra dẫn đến việc lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cho chùa Vàng không đúng hiện trạng sử dụng đất”.

Vậy lãnh đạo xã Cổ Bi đã xác nhận như thế nào? Trong Công văn số 181/UBND ngày 7/12/2018 do Chủ tịch xã Cổ Bi Nguyễn Bá Tạo ký gửi Sở TN&MT TP Hà Nội viết: “1.149,6 m2 là đất công do xã quản lý từ trước năm 1980 (thuộc vành đai xanh khu di tích). Năm 2016 Hội nghị quân dân chính thôn Vàng cùng các ban ngành của UBND xã Cổ Bi đã thống nhất quy hoạch mở rộng, cải tạo khuôn viên chùa Vàng; hiện trạng trên đất có một nhà kho có diện tích 23m2 còn lại là đất chưa có công trình xây dựng làm sân phục vụ lễ hội”.

Và tại sơ đồ thửa đất gửi Sở TN&MT TP Hà Nội, do Công ty CP đo đạc địa chính và công trình Gia Huy vẽ, ông Nguyễn Minh Sáng - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Bi ký, đã thể hiện rõ khu vực II dành 380m2 để làm sân phục vụ lễ hội. Điều này là đúng với Hội nghị quân dân chính và Hội nghị nhân dân thôn Vàng năm 2016. S

ơ đồ và Công văn số 181/UBND đều thể hiện đúng Bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích năm 1974 và Biên bản đề nghị xếp hạng di tích năm 1994 và Quyết định xếp hạng di tích số 65QĐ/BT ngày 16/1/1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin khi xếp khu vực nhà kho hợp tác xã vào khu vực II di tích.

Nhà bà Thuận ở.

Đất “sân chơi thể thao”?

Theo Công văn số 3370/UBND-TN&MT của UBND huyện Gia Lâm là tại mục 2 “Về hồ sơ địa chính” có liệt kê một loạt các thửa đất mà đình chùa Vàng sử dụng từ năm 1974 đến năm 1994. Trong đó không có thửa đất nào được đề cập là sân chơi thể thao.

Vậy đất “sân chơi thể thao” do UBND huyện tự ra quyết định? Và cho dù có là đất sân chơi thể thao hay kho hợp tác xã đi nữa thì sau khi khoanh vùng bảo vệ di tích năm 1974 và năm 1994, xếp hạng di tích năm 1995 rồi thì các loại đất đó đều thuộc về khu vực II của di tích.

Công văn số 3370/UBND-TN&MT là viện dẫn căn cứ theo Điều 106 Luật Đất đai 2013 để thu hồi. Tại Khoản 3 Điều 106 Luật Đất đai quy định: “Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai”.

Đối chiếu giữa quy định pháp luật không thấy Công văn số 3370/UBND-TN&MT thể hiện đã có “kết luận của thanh tra cùng cấp”. Thanh tra cùng cấp ở đây theo đúng thẩm quyền phải là Thanh tra TP Hà Nội.

Chưa có kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, trong Công văn số 3370/UBND-TN&MT cũng lại thể hiện Đại đức Thích Thanh Tâm - Trụ trì chùa Vàng không đồng ý thu hồi Giấy chứng nhận QSD đất chùa Vàng. Vậy căn cứ vào đâu để UBND huyện Gia Lâm đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận QSD đất chùa Vàng?

Đại đức Thích Quảng Thiện - Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Gia Lâm, TP Hà Nội cũng cho biết: “Khi tham gia giải quyết vấn đề ở chùa Vàng, Ban Trị sự Phật giáo huyện Gia Lâm cũng đã có ý kiến đề nghị lãnh đạo huyện Gia Lâm nên đồng ý giữ nguyên Giấy chứng nhận QSD đất di tích chùa Vàng. Còn việc phá tường, lấn đất người dân đã trót thì có thể để nguyên làm vỉa hè, phục vụ nhân dân. Nhưng không hiểu sao huyện lại rẽ ngang như thế”?

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần xử lý sai phạm xâm hại di tích chùa Vàng. Và UBND TP Hà Nội cũng nên đưa Thanh tra TP Nội vào cuộc xác minh và giải quyết dứt điểm vụ việc khiến nhiều người dân bức xúc ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm này.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tiep-bai-gia-lam-ha-noi-sai-pham-trong-thu-hoi-dat-di-tich-quoc-gia-chua-vang-can-thanh-tra-thanh-pho-vao-cuoc-a100595.html