Lập chốt, 'động viên' người dân không về quê ăn Tết là không phù hợp, trái chỉ đạo của Chính phủ

Việc các địa phương thiết lập chốt kiểm soát, ra các 'tâm thư' động viên người dân hạn chế về quê dịp Tết Nguyên đán là không phù hợp, trái với chỉ đạo của Chính phủ.

Nhiều địa phương có cách hiểu "lạ"

Ngày 30/12/2021, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Thanh Hóa vừa có thư ngỏ với nội dung khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thực sự cần thiết, chung tay cùng thành phố phòng chống dịch.

Theo nội dung thư ngỏ, hiện nay tình hình dịch COVID-19 ở TP. Thanh Hóa đang diễn biến khó lường, số lượng ca nhiễm trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng với nhiều ổ dịch phức tạp. Tính từ ngày 14/10 đến 30/12/2021, TP. Thanh Hóa đã ghi nhận 619 ca dương tính, trong đó có những ngày thành phố ghi nhận 44 ca F0.

Thư ngỏ của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Thanh Hóa.

Cũng trong ngày 30/12/2021, ông Nguyễn Lợi Đức, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống - tỉnh Thanh Hóa, đã thay mặt Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống ký ban hành thư ngỏ về việc cùng chung tay với các cấp ủy, chính quyền huyện Nông Cống thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Theo nội dung thư ngỏ, trước tình hình trên, với phương châm "Bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân là trên hết, trước hết", Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Nông Cống kêu gọi các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tích cực vận động và thông báo cho con em, người thân trong gia đình đang sinh sống, học tập, công tác xa quê biết được tình hình phức tạp của dịch bệnh tại địa phương và tạm thời không trở về quê nếu không thực sự cần thiết, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Văn bản đính chính của lãnh đạo xã Chiềng Yên chiều 4/1.(Ảnh: Dân trí).

Cũng trong ngày 30/12/2021, UBND xã Chiềng Yên - huyện Vân Hồ - tỉnh Sơn La đã ra văn bản số 74/UBND về việc đôn đốc lao động có nhu cầu trở về địa phương trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần năm 2022. Nội dung số 2 trong văn bản nêu rõ: "Lên kế hoạch cho các hộ gia đình có người thân đi lao động, đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, lao động tự do ngoài tỉnh có nhu cầu trở về địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, phải chủ động về trước ngày 10/1/2022 (tức ngày 8 tháng Chạp) để đảm bảo cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế". Ngay sau đó lãnh đạo xã Chiềng Yên đã ra văn bản đính chính.

Trả lời báo chí, ông Lê Anh Xuân (bí thư Thành ủy Thanh Hóa) khẳng định việc Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố có thư ngỏ đến người dân là khuyến cáo, vận động người dân đi làm ăn xa không về quê dịp Tết Nhâm Dần nếu không thật sự cần thiết. Thành phố Thanh Hóa không cấm người dân đi lại, thăm người thân và gia đình vào bất cứ dịp nào chứ không riêng gì dịp Tết Nguyên đán, mong người dân khi trở về quê chấp hành tốt, đầy đủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19 để đón Tết an toàn, vui vẻ.

Không phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ

ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu quan điểm, việc một số địa phương ở phía Bắc có đưa ra khuyến cáo việc người dân hạn chế di chuyển, hạn chế về quê ăn Tết cổ truyền xuất phát từ việc các địa phương lo sợ gây ảnh hưởng, khó khăn trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Theo vị ĐBQH này: "Đây là phương án bất khả thi, thường không ai mong muốn điều này".

Ông cho rằng, năm nay người lao động được nghỉ Tết cổ truyền tận 9 ngày nên việc về quê là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp, nhất là miền Bắc đang mùa lạnh nên dịch dự báo sẽ phức tạp hơn. Việc một số địa phương đưa ra khuyến khích, động viên bà con hạn chế về quê là một "giải pháp" hạn chế lây nhiễm dịch bệnh.

"Nhưng đây chỉ là khuyến khích thôi, nếu bà con vẫn có nhu cầu về quê ăn Tết thì chính quyền, địa phương cũng không được cản trở và tạo mọi điều kiện để người dân đón Tết được trọn vẹn", ông Phạm Văn Hòa thông tin.

Người dân về quê ăn Tết. Ảnh minh họa.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Đại đức Thích Trí Thịnh (Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN tỉnh Hòa Bình) cho rằng: Tùy từng địa phương chứ không phải địa phương nào cũng đưa ra khuyến cáo, các địa phương chỉ khuyến khích, khuyến cáo chứ không cấm.

Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, việc khuyến cáo này nhằm đảm bảo an toàn cho địa phương cũng như người dân trong dịp Tết đó là cần nâng cao ý thức. Tuy nhiên, Đại đức Thích Trí Thịnh nhấn mạnh rằng: "Thời điểm này các địa phương đã "phủ vaccine"; việc người dân về quê không đơn thuần chỉ ăn Tết mà còn thăm thú người dân, giải quyết công việc…".

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nêu quan điểm, hiện nay chúng ta đã có một số kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; diện bao phủ vaccine nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch.

Từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích của các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của các địa phương và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Chính phủ đã ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" kèm theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, do đó việc các tỉnh thành thiết lập các chốt hay ra "tâm thư" động viên người dân hạn chế về quê trong dịch Tết nguyên đán là không phù hợp, trái với chỉ đạo của Chính phủ.

Tránh "ngăn sông, cấm chợ"

PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ, khi không "zero COVID"; lượng vaccine được tiêm nhiều; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 và Quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thì chấp nhận số ca mắc COVID-19 tăng nhiều.

Đặc biệt, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, khi chúng ta "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" thì có 3 vấn đề cần chú ý, đó là: Hiện nay không thực hiện giãn cách diện rộng; Chấp nhận có F0 cộng đồng, kiểm soát rủi ro vì đã "phủ vaccine"; và nước ta đã trải qua 4 đợt dịch nên đã có kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.

Từ đó, chuyên gia cho rằng các tỉnh, thành phố và địa phương cần thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 128, tránh "ngăn sông cấm chợ". Ngoài ra, một số địa phương vận động hay ra quy định "làm khó" người dân về quê dịp Tết cổ truyền sẽ tạo ra tiền lệ không hay.

Chuyên gia cũng nêu ra thực tế, thời gian qua Chính phủ, Bộ Y tế đã "thổi còi" một số địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về. Về việc này, TS. Trần Đắc Phu nhận định: "Việc cách ly, xét nghiệm Bộ Y tế đã có quy định cụ thể. Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh. Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn".

Hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc mỗi ngày cao, vì thế PGS.TS Trần Đắc Phu đưa khuyến cáo: Người dân về quê ăn Tết không nên lơ là, chủ quan mà cần tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lap-chot-dong-vien-nguoi-dan-khong-ve-que-an-tet-la-khong-phu-hop-trai-chi-dao-cua-chinh-phu-a100888.html