Lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đang tiếp tục xác minh vụ việc Công ty CP Đầu tư Sâm Việt Nam thông tin đang sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh trồng tại xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) và Mường Hoong (huyện Đắk Glei).
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tuấn Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Sâm Việt Nam, cho biết những ngày qua, các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum đã nhiều lần gọi điện thoại cho ông đề nghị làm việc để làm rõ diện tích sâm Ngọc Linh do công ty đang sở hữu.
Theo ông Vũ, Công ty CP Đầu tư Sâm Việt Nam không sở hữu rừng mà chỉ hợp tác với người dân để trồng và sở hữu những cây dược liệu ở dưới tán rừng. Việc liên kết này không chỉ ở tỉnh Kon Tum mà còn cả ở tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, công ty thu mua lại sản phẩm sâm củ của người dân để làm sản phẩm của mình.
Trụ sở Công ty sâm Việt Nam ở số 740 Phạm Văn Đồng, TP Kon Tum TP
Đối với diện tích 10 ha sâm Ngọc Linh mà Công ty CP Đầu tư Sâm Việt Nam công bố đã trồng nhiều năm nay nhưng chính quyền các địa phương khẳng định không có diện tích này, ông Vũ nói đây là vấn đề tự do thương mại, bí mật của doanh nghiệp nên không thể cung cấp (?!). Công ty đã cung cấp 2 văn bản liên kết cho ông Võ Sỹ Chung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kon Tum, để chứng minh. "Định hướng của chúng tôi đôi khi có những hợp đồng phải ngầm ký với nhau, không thể tiết lộ. Có những cái cũng không cần phải qua chính quyền vì là giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp với người dân" - ông Vũ phân trần.
Ông Vũ khẳng định đã liên kết với "đâu đó khoảng 4-5 hộ dân" tại các địa phương ở tỉnh Kon Tum; còn ở tỉnh Quảng Nam thì rất nhiều. Nếu cơ quan chức năng có yêu cầu đi kiểm tra thì sẽ dẫn đi. Còn về thông tin xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho 500.000 cây sâm củ, ông Vũ cho biết đây là định hướng sau này, cho 5-10 năm tới.
Liên quan đến vụ việc này, ông A Ngao (thôn Mo Za, xã Ngọc Lây) - một trong 2 người được Công ty CP Đầu tư Sâm Việt Nam ký hợp đồng liên kết - cho biết vào năm 2020, ông có bán cho công ty số lượng 500 cây sâm Ngọc Linh với tổng số tiền 200 triệu đồng. Số cây này công ty đang gửi ông A Ngao trồng tại tiểu khu 226, xã Ngọc Lây. Năm 2021, số cây trên cho thu hoạch gần 1.000 hạt sâm và ông A Ngao tiếp tục gieo số hạt này tại vườn, trên diện tích khoảng 200 m2.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh. Những doanh nghiệp này có đầy đủ giấy tờ và đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum kiểm tra việc trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Ngoài ra, có hơn 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất trồng sâm Ngọc Linh. Trong số này không có doanh nghiệp nào có tên là Công ty CP Đầu tư Sâm Việt Nam.
Trước đó, tại buổi lễ khai trương, Công ty CP Đầu tư Sâm Việt Nam trưng bày nhiều sản phẩm có thành phần sâm Ngọc Linh, ông Lê Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum, thông tin: UBND tỉnh cũng đã có văn bản các cơ quan chức năng chỉ đạo làm rõ. Sau lễ khai trương, đoàn kiểm tra của cục cũng đã 2 lần tới trụ sở của doanh nghiệp này nhưng do nơi đây thường xuyên đóng cửa nên chưa thể kiểm tra được.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vu-muon-danh-quoc-bao-de-truc-loi-khong-can-thong-qua-chinh-quyen-a101967.html