Chốt phiên, VN-Index phục hồi và tăng hơn 18 điểm, đưa chỉ số lên 1.510,51 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm gần 8 điểm kéo chỉ số xuống còn 473,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 1.390,84 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị thanh khoản hơn 42.906 ngàn tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán là lực đỡ cho thị trường trong phiên chiều ngày 12/1. Ảnh chụp màn hình
Chiều nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt trong rổ VN-Index 30 đã giúp thị trường tăng mạnh. Thậm chí, có nhiều mã cổ phiếu lên sắc tím như BID, TPB, STB…. Nhìn chung, toàn thị trường có 30 mã tím và 316 mã tăng, 664 mã đứng giá, và 556 mã giảm giá.
Đánh giá về sự điều chỉnh liên tục của thị trường trong hai ngày vừa qua, ông Lê Vương Hùng - Giám đốc Bộ phận Môi giới Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho biết: Thị trường chứng khoán 2 ngày liên tục có sự trồi sụt và rớt nhanh không kịp trở tay, nhiều nhà đầu tư chứng khoán còn non trẻ hay còn gọi là nhà đầu tư F0, đã có nhiều phen “đau tim”. Bởi khi lượng tiền đổ vào chứng khoán, phần lớn các nhà đầu tư mới không có kinh nghiệm phân tích thường đi theo số đông và không quan tâm giá trị của cổ phiếu ra sao. Theo đó, khi những cổ phiếu đã tăng “nóng” trong thời gian vừa qua phần lớn đều giảm điểm.
Theo chuyên gia chứng khoán Lê Vương Hùng, thực tế các cổ phiếu này trước đây có độ thanh khoản nhỏ nên không tác động nhiều đến thị trường. Tuy nhiên, sau thời gian được các nhà đầu tư mới đổ tiền đầu tư, giá trị các cổ phiếu này tăng gấp nhiều lần dẫn đến tăng nóng trong thời gian qua, kéo theo thanh khoản cũng tăng gấp hơn 10 lần. Chính vì vậy, khi những mã cổ phiếu này giảm mạnh đã tác động không ít đến thị trường.
Ngoài ra, việc thị trường tăng trưởng trong thời gian gần đây cũng một phần các nhà đầu tư kỳ vọng vào chính sách kích thích kinh tế - xã hội của Chính phủ. Mới đây, Quốc hội đã thông qua 300 ngàn tỷ để phục hồi nền kinh tế. Mặc dù gói hỗ trợ này thấp hơn so với đề xuất trước đó 800 ngàn tỷ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, mức hỗ trợ này là hợp lý.
Nhiều nhà đầu tư cũng cho biết, gói hỗ trợ này tuy không nhiều nhưng cho thấy Chính phủ đã có sự tính toán kỹ lưỡng nhằm tránh sự lạm phát tăng nhanh trong năm 2022. Với mức hỗ trợ 300 ngàn tỷ, lạm phát sẽ được kiểm soát tốt, theo đó nền kinh tế sẽ phát triển vì lãi suất sẽ không tăng. Khi lãi suất không tăng, doanh nghiệp sẽ được lợi được vay gói vay ưu đãi để tái sản xuất kinh doanh, kích thích thị trường kinh tế hồi phục tốt.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia chứng khoán Lê Vương Hùng, khi lãi suất không tăng, tiền tiết kiệm sẽ được chuyển sang chứng khoán. Nếu tính mức lãi suất trung bình 6 tháng, người gửi tiết kiệm chỉ có lãi từ 4 -6%; nhưng nếu đầu tư vào chứng khoán, mức lợi nhuận thấp nhất từ 10 – 20%/năm. Đó cũng là lí do vì sao trong năm qua, rất nhiều nguồn tiền mới đổ vào chứng khoán.
Nhiều công ty chứng khoán đặt kỳ vọng, đến năm 2025 có khoảng 8% dân số có tài khoản chứng khoán, với mức tiền đầu tư chỉ vài chục triệu đồng thì tương lai không xa, thị trường chứng khoán sẽ phát triển rất mạnh mẽ, những cổ phiếu giá trị sẽ đem lại sự an toàn và ổn định cho nhà đầu tư, những cổ phiếu tăng nóng sẽ đem sự rủi ro.
Bên cạnh những thông tin tích cực này, chiều tối ngày 11/1 thị trường cũng đón nhận nhiều thông tin không tích cực. Điển hình là vụ bán cổ phiếu chui FLC và vụ đấu giá đất của Tân Hoàng Minh… đã gây ảnh hưởng đến hàng loạt cổ phiếu bất động sản “nằm sàn” trong sáng ngày 12/1.
Theo các chuyên gia chứng khoán, đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư mới nhìn nhận và cơ cấu lại danh mục đầu tư, lựa chọn những cổ phiếu có giá trị, doanh nghiệp có uy tín, lãnh đạo tốt, tài chính tốt để tránh bị “mất trắng” tiền trong tương lai nếu đầu tư theo số đông.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vn-index-dao-chieu-tang-manh-nho-nhom-ngan-hang-va-chung-khoan-a102093.html