Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York hôm 7/1 - Ảnh: Getty/CNBC.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/1) cho dù dữ liệu thống kê cho thấy lạm phát ở nước này cao nhất kể từ năm 1982. Giá dầu cũng tăng và lập đỉnh mới của 2 tháng, mặc cho mối lo về biến chủng Omicron. Giá tiền ảo giữ đà hồi phục.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,11%, chốt ở 36.290,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,28%, đạt 4.726,35 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,23%, đạt 15.188,39 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ chỉ thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 12 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,5% so với tháng trước. Theo Dow Jones, các chuyên gia kinh tế dự báo mức tăng 7% so với năm trước và 0,4% so với tháng trước.
Kể từ tháng 6/1982 đến nay, chưa khi nào con số lạm phát so với cùng kỳ năm trước ở Mỹ lại cao đến như vậy. Tuy nhiên, thị trường vẫn đi lên sau khi báo cáo được công bố.
“Giá cổ phiếu đã tránh được một cú sốc từ mức lạm phát cao lịch sử. Tuy nhiên, những con số đó đã nằm trong tầm dự báo và hoàn toàn không phải là một chuyện gì nghiêm trọng trong ngày hôm nay”, chuyên gia Ryan Detrick của LPL Financial nhận định. “Điều khiến thị trường hưng phấn là mùa báo cáo kết quả kinh doanh đang đến gần. Chúng tôi dự báo một mùa báo cáo rực rỡ nữa từ các doanh nghiệp Mỹ. Đây là cơ hội để nhà đầu tư thôi chú ý quá nhiều đến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và chính sách của họ, mà thay vào đó đào sâu hơn để xem nền kinh tế đang thực sự vận hành như thế nào”.
Một dữ liệu quan trọng khác về tình hình lạm phát ở Mỹ là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) sẽ được công bố vào ngày thứ Năm. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2021 sẽ chính thức khởi động vào ngày thứ Sáu, bằng loạt báo cáo đến từ các ngân hàng lớn.
“Thị trường chứng khoán vẫn có thể biến động trong ngắn hạn nếu báo cáo PPI bất lợi. Nhưng mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp bắt đầu rồi và xét tới sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế trong quý 4, các doanh nghiệp có thể đưa ra những con số lợi nhuận chắc chắn, từ đó giúp xoa dịu mối lo về lạm phát và sự thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed”, chiến lược gia Jim Paulsen của Leuthold Group phát biểu.
Từ đầu tuần, S&P 500 và Nasdaq đã tăng tương ứng 1,1% và 1,7%, trong khi Dow Jones tăng nhẹ.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 2 tại New York tăng 1,42 USD/thùng, tương đương tăng gần 1,8%, chốt ở 82,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,95 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, đạt 84,67 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu này đều đạt mức giá đóng cửa cao nhất kể từ hôm 9/11 – theo dữ liệu của FactSet.
Dù biến chủng Omicron của Covid-19 tiếp tục lây lan trên toàn cầu với tốc độ chóng mặt, giới đầu tư vẫn tin rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới năm nay sẽ vượt nguồn cung.
“Giá dầu tiếp tục lập đỉnh mới trong năm nay, đến phiên này lên cao nhất từ tháng 11 trong năm ngoái. Tâm lý lạc quan về giá dầu ở thời điểm hiện tại dựa trên sự kết hợp của các yếu tố nền tảng cung-cầu và những yếu tố vĩ mô hơn liên quan đến triển vọng tăng trưởng kinh tế”, nhà phân tích Robbie Fraser của Schneider Electric nhận định.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự thắt chặt của nguồn cung, số liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố ngày 12/1 cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này giảm 4,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 7/1, còn 413,3 triệu thùng. Đây là mức dầu tồn kho thương mại (không bao gồm dự trữ dầu lửa chiến lược – SPR) thấp nhất của Mỹ kể từ năm 2018.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin duy trì đà tăng nhẹ thiết lập từ đầu tuần. Lúc gần 8h sáng nay (13/1) theo giờ Việt Nam tăng khoảng 2,7% so với cách đó 24 tiếng, đứng ở 43.846,99 USD. Hôm thứ Hai, có lúc giá Bitcoin giảm dưới 40.000 USD, thấp nhất 9 tháng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-my-tang-bat-chap-lam-phat-cao-nhat-40-nam-gia-dau-va-bitcoin-cung-di-len-a102304.html