Trụ sở Tập đoàn FLC tại Hà Nội. |
Kết phiên giao dịch cuối tuần (14/1/2022), cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC (Mã chứng khoán FLC) tiếp tục bị bán tháo và giá rớt hết biên độ xuống sàn còn 16.100 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp và là phiên nằm sàn thứ 3 của FLC sau khi Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết “bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu.
Theo quan sát, trong một tuần qua, thị giá của FLC đã giảm 6.450 đồng/cổ phiếu, với việc doanh nghiệp này có 709.997.807 cổ phiếu đang lưu hành thì vốn hóa thị trường đã bị thổi bay trên 4.579 tỷ đồng.
Thống kê giao dịch của cổ phiếu FLC trong 1 tuần qua. (Nguồn: finance.vietstock) |
“Người anh em” của FLC là CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) cùng chịu chung cảnh ngộ “nằm sàn”. ROS giảm kịch biên độ phiên thứ 5 liên tiếp về 11.250 đồng/cổ phiếu với dư bán tới hơn 88 triệu cổ phiếu. Vốn hóa thị trường giảm 2.696 tỷ đồng trong vòng 1 tuần.
Không chỉ có FLC, ROS, các công ty khác trong hệ sinh thái của ông Trịnh Văn Quyết đều đua nhau lao dốc, gồm: CTCP Chứng khoán BOS (Mã: ART) giảm sàn 4 phiên liên tiếp, vốn hóa trong vòng 1 tuần giảm hơn 6.687 tỷ đồng; CTCP Nông dược HAI (Mã: HAI) cũng giảm kịch biên độ 4 phiên liên tục, vốn hóa giảm hơn 4.512 tỷ đồng;
4 phiên giảm kịch biên độ đã khiến vốn hóa thị trường của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD) bay hơi hơn 4.234 tỷ đồng. CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (Mã: KLF) cũng giảm hơn 5.621 tỷ đồng.
Như vây, trong tuần giao dịch vừa qua, cộng lại vốn hóa thị trường của các cổ phiếu “họ” FLC nêu trên đã bị thôi bay tới trên 28.000 tỷ đồng.
Trước đó, vào tối 11/1, Bộ Tài chính đã ra quyết định về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC). Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa là kể từ ngày 11/1, thời hạn phong tỏa sẽ kéo dài cho đến khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thay thế.
Cũng trong ngày 11/1, HOSE đã có thông báo chính thức về việc sẽ thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết, do không không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Trước đó, ông Quyết đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch dự kiến theo mệnh giá là 1.750 tỷ đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ 10/1 đến 17/1. Mục đích giao dịch là cơ cấu tài sản. Phương thức giao dịch thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì ông Trịnh Văn Quyết giao dịch mà không báo cáo, không công bố thông tin theo quy định.
Thị trường chung, VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần (14/1/2022) sát ngưỡng tham chiếu với thanh khoản thấp. Đúng như kịch bản đã được một số công ty chứng khoán dự báo, phiên hôm nay là 1 phiên hồi kĩ thuật của nhóm cổ phiếu bất động sản trong bối cảnh dòng ngân hàng tạm "nghỉ ngơi" sau một tuần chống đỡ thị trường. Tuy nhiên, không phải mã nào cũng giữ được sắc xanh đến cuối phiên giao dịch. Nhìn chung, thị trường chứng khoán tuần này đã chứng kiến sự ảm đạm của nhiều mã cổ phiếu đầu cơ, đặc biệt là nhóm bất động sản midcap và penny, tuy nhiên, phiên cuối tuần cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực hơn, từ đó để ngỏ kỳ vọng vào 2 tuần giao dịch cuối cùng của năm. |
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-phieu-ho-flc-trai-qua-mot-tuan-bao-to-von-hoa-bi-thoi-bay-hon-28000-ty-dong-a102755.html