Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến cho tuần giao dịch từ 17-21/1/2022
Kỳ vọng VN-Index hồi phục
(CTCK Sài Gòn - Hà Nội - SHS)
Thị trường đã có sự điều chỉnh trong tuần giao dịch vừa qua khi mà những tin tức tiêu cực liên quan đến nhóm bất động sản đã xuất hiện trên thị trường. Điều này đã gây ra áp lực bán mạnh trên nhóm này khiến nhiều mã rơi vào trạng thái giảm sàn và một số mã còn bị mất thanh khoản. Áp lực bán gia tăng trên toàn thị trường cho thấy có thể hoạt động call margin đã xuất hiện. Mức thanh khoản cao trong tuần qua đã cho thấy là bên bán đã chiếm ưu thế trong tuần qua nhưng cây nến rút chân trong biểu đồ tuần cũng thể hiện việc lực cầu bắt đáy tương đối tốt trong vùng hỗ trợ tạo bởi đường trung bình 20 ngày và 50 ngày đã giúp VN-Index không giảm sâu.
Bên cạnh đó, khối ngoại quay trở lại mua ròng với hơn 800 tỷ đồng cũng là một điểm tích cực. Với việc đánh mất ngưỡng 1.500 điểm thì rõ ràng là xu hướng của VN-Index đã bị suy yếu nhưng với việc vẫn kết tuần trên vùng hỗ trợ 1.480-1.495 điểm (MA20-50) thì vẫn có thể kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường trong tuần giao dịch tiếp theo 17/1-21/1.
Thanh khoản trong tuần tới có thể thấp hơn do một số nhà đầu tư có thể mang tâm lý “nghỉ Tết sớm” như những năm trước. Nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải đã gia tăng tỷ trọng lên mức cao khi tham gia bắt đáy trong phiên 12/1 có thể tiếp tục nắm giữ và đứng ngoài quan sát diễn biến thị trường.
Nhận định chứng khoán tuần từ 17-21/1/2022: Kỳ vọng VN-Index hồi phục |
VN-Index tìm điểm cân bằng để tiếp tục xu hướng tăng
(CTCK BIDV – BSC)
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (14/1), VN-Index giảm nhẹ 0,03 điểm còn 1.496,02 điểm, HNX-Index tăng 6,04 điểm (1,31%) lên 466,86 điểm, UPCOM-Index giảm 0,45 điểm (0,4%) xuống 112,22 điểm.
Kéo chỉ số tăng điểm phiên hôm nay gồm có: VCB (+1,81), VNM (+0,85), POW (+0,48), CTG (+0,37), VRE (+0,35)… Ngược lại, kéo chỉ số giảm điểm bao gồm: DIG (-0,90), NVL (-0,74), TCB (-0,67), HPG (-0,51), BCM (-0,50)…
Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 20.953 tỷ đồng, giảm 29% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 22.867 tỷ đồng. Biên độ dao động là 26 điểm. Thị trường có 174 mã tăng, 54 mã tham chiếu và 285 mã giảm. Giá trị mua ròng của khối ngoại: 770,53 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm FUEVFVND (120,69 tỷ), STB (118,12 tỷ), VNM (81,26 tỷ). Khối ngoại mua ròng trên sàn HNX với giá trị 11,19 tỷ đồng.
Theo BSC, VN-Index mở phiên mất 20 điểm do dư âm áp lực bán từ hôm qua vẫn còn, nhưng khi chỉ số chạm MA50, lực cầu đã tràn vào đỡ giúp VN-Index trở lại giao dịch quanh khu vực tham chiếu. Sang đến phiên chiều, VN-Index bùng tăng với sự hỗ trợ từ VN30, nhưng một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, chỉ số nhanh chóng bị bên bán áp đảo và lùi về tham chiếu cho tới hết phiên giao dịch. Đáng nói, thanh khoản là một điểm trừ lớn trong hôm nay khi có lẽ các nhà đầu tư đã mệt mỏi với diễn biến thót tim của thị trường. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 9/19 ngành tăng điểm. Tuy nhiên, khối ngoại là điểm sáng khi mua ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX, đặc biệt hôm nay là phiên mua ròng lớn nhất trong 1 tháng trở lại đây.
BSC nhận định, mặc dù đóng cửa tại ngưỡng MA20 nhưng với thanh khoản yếu, VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại ngưỡng MA50 một lần nữa trước khi đạt điểm cân bằng cung - cầu để tiếp tục xu hướng tăng giá của mình.
MA50 sẽ là ngưỡng hỗ trợ quan trọng
(CTCK MB - MBS)
Thị trường dần ổn định hơn sau những phiên biến động mạnh liên tiếp, trong đó nhóm bất động sản là tâm điểm khi nhiều mã đã thoát được giá sàn, thậm chí hồi phục tích cực. Tuy vậy, độ rộng thị trường phản ánh áp lực bán diễn ra trên diện rộng, trong đó nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn bị chốt lời mạnh.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index test thành công ngưỡng hỗ trợ mạnh tại đường MA50 ngày và trendline tăng dài hạn (tương đương vùng 1.470-1.480 điểm). Đây vẫn sẽ là hỗ trợ quan trọng nếu trạng thái điều chỉnh tiếp tục xuất hiện.
VN-Index đi ngang tích lũy
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Sau nhịp mở gap giảm điểm đầu phiên, VNIndex hồi phục giằng co và lấy lại phần lớn điểm số đã mất trong phiên.
Những phản ứng tích cực quanh vùng hỗ trợ gần 1485 cùng với sự tiết giảm của bên bán đã giúp chỉ số lấy lại trạng thái cân bằng hơn. Chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến đi ngang tích luỹ với biên độ thắt chặt dần trong những phiên tới trước khi xu hướng trở nên rõ ràng hơn.
KBSV khuyến nghị, trong nhịp đi ngang này, nhà đầu tư nên cân bằng lại tỷ trọng danh mục, chỉ mua đối với các mã cổ phiếu mục tiêu về lại vùng hỗ trợ mạnh.
Rủi ro thị trường vẫn còn hiện hữu
(CTCK Asean - Aseansc)
Thị trường cuối tuần (14/1) ghi nhận một phiên giảm điểm nhẹ trong bối cảnh thanh khoản giảm khá và thấp hơn trung bình 20 phiên. Trong đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh là trụ đỡ chính cho thị trường, trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục suy yếu. Điều này cho thấy tâm lý hiện tại của nhà đầu tư đang khá thận trọng, khi mà rủi ro thị trường vẫn còn hiện hữu. Do đó, chúng tôi duy trì quan điểm rằng những phiên hồi phục kỹ thuật được xem là cơ hội tốt để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục.
Dự báo trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.490 – 1.495 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.480 – 1.485 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhan-dinh-chung-khoan-tuan-tu-17-2112022-ky-vong-vn-index-hoi-phuc-a102937.html