Nhiều cổ phiếu chứng khoán giảm rất mạnh sáng nay.
Áp lực bán tháo mạnh mẽ ở nhiều cổ phiếu đầu cơ vẫn chưa dứt dù số mã giảm kịch biên độ trên cả 3 sàn đã co lại đáng kể. Nhóm bất động sản và nhóm cổ phiếu FLC vẫn chưa được “trục vớt”.
Tình trạng bán tháo ở cổ phiếu bất động sản không có gì mới, nhưng bất ngờ sáng nay là nhiều mã nhóm chứng khoán giảm cực mạnh. Nhóm này đang bị điều chỉnh lại kỳ vọng, nhất là khi gắn với hoạt động margin ở nhiều cổ phiếu đầu cơ nóng thời gian qua.
CTS và WSS là hai mã nhóm chứng khoán đang giảm hết biên độ. ART đã được vét giá sàn khá sớm nhưng vẫn còn giằng co, giá vẫn giảm 8,93%. Số giảm trên 7% trong nhóm chứng khoán là VIG, SHS, CSI, MBS, SBS.
Khá bất ngờ là nhiều cổ phiếu dẫn dắt của nhóm đang rơi khá sâu. VCI giảm tới 5,64% và từ đầu tháng 1 tới giờ đã bốc hơi 19,5% giá trị. Tính từ đỉnh cuối tháng 11, cổ phiếu này giảm 26,1%. SSI cũng đang rơi 5,54%, điều chỉnh khoảng 11,2% trong tháng 1 và rơi từ đỉnh 34 phiên trước khoảng 17,71%. HCM đang giảm 4,32%, giảm 12,3% từ đầu tháng và điều chỉnh khoảng 18% kể từ đỉnh...
Tuy nhiên các blue-chips nhóm chứng khoán ít nhất cũng thu hút được lực cầu bắt đáy với mức chiết khấu rất lớn từ đỉnh. SSI hiện đang thanh khoản nhất thị trường với 17,73 triệu cổ trị giá 834,3 tỷ đồng giá trị. VND đứng thứ 4 thị trường với 710,5 tỷ đồng. VCI cũng lọt Top 10 thanh khoản thị trường với 249,3 tỷ đồng.
Tăng tốt nhất thị trường sáng nay là nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí. Ngân hàng cũng đang có 12/27 mã giảm giá ở cả 3 sàn, nhưng blue-chips giảm rất ít: VPB giảm 0,14%, TPB giảm 1,31% là 2 mã duy nhất.
VCB đang tăng 5,28% và BID tăng 4,63% là hai trụ mạnh nhất của VN-Index. VCB kể từ sau phiên chia tách hôm 22/12 đến nay tích lũy và lên dần. Biên độ trong 18 phiên này đã tăng khoảng 14,2% giá trị. BID sau phiên vượt đỉnh lịch sử 13/1 vừa qua cũng bứt phá ngoạn mục. Kể từ đầu tháng 1/2022 giá đã tăng 24,8% giá trị.
Dầu khí nổi nhất là các mã nhỏ như PVD tăng 5,41%, PVS tăng 3,23%, OIL tăng 8,2%, PTV tăng 6,82%, PSH tăng 2,5%... Tuy vậy chỉ có GAS và PLX là có thể giao dịch với khối lượng lớn và hai mã này cũng có tác động nhiều hơn tới chỉ số. GAS tăng 2,37%, PLX tăng 1,45%, đều thuộc Top 5 các mã kéo VN-Index sáng nay.
Chỉ số VN30-Index kết thúc phiên sáng giảm 0,29% so với tham chiếu, độ rộng ghi nhận 11 mã tăng/19 mã giảm. Độ phân hóa là hơi yếu, nhưng ít nhất rổ blue-chips này cũng mạnh vượt trội so với các nhóm khác: Midcap đang bốc hơi 1,89% với 14 mã tăng/52 mã giảm; Smallcap giảm 2,51% với 40 mã tăng/133 mã giảm.
Mặt khác, VN30 vẫn đang hút tiền khá tốt. HoSE sáng nay tăng thanh khoản 11% so với sáng phiên trước, nhưng VN30 tăng gần 71%, đạt 5.570 tỷ đồng. Rổ này cũng chiếm 37,4% tổng giá trị khớp sàn HoSE. Midcap đã tụt xuống vị trí thứ hai với 5.163 tỷ đồng.
Vn-Index vẫn đang được blue-chips giữ nhịp, giảm không nhiều.
Với 19 cổ phiếu còn đang giảm sàn ở HoSE, áp lực bán tháo đang co lại ở nhóm cổ phiếu tổn thương nhất thay vì lan rộng hơn. Các mã thuộc họ FLC vẫn bị bán sàn khá nhiều: FLC là 53,67 triệu cổ, ROS là 84,35 triệu cổ, KLF hơn 17 triệu cổ; AMD gần 20,63 triệu cổ; HAI gần 15,24 triệu cổ... Ngoài ra FCM, QCG, NBB, DIG, C32, FCN, CII, DRH, LDG vẫn đang giảm sàn dưới áp lực lớn.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay mua ròng 89,1 tỷ đồng và không có mã nào nổi bật. Phía bán ròng có VND với 33,7 tỷ, GEX gần 29,3 tỷ là nhiều nhất. Phía mua có HPG hơn 32 tỷ, VCB khoảng 30 tỷ, KBC 28 tỷ, DXG 25 tỷ, VNM hơn 24 tỷ đồng...
Thị trường sáng nay tiếp tục duy trì trạng thái đi ngang ở VN-Index lẫn VN30-Index do các blue-chips còn giữ nhịp tốt. Ngân hàng và dầu khí nổi bật trong khi số giảm chỉ có vài mã lớn như GVR, MSN giảm hơn 1%. Do vậy khi nhìn từ góc độ VN-Index, thị trường vẫn đang tích lũy bình thường, nhưng mức độ tổn thưởng ở cổ phiếu đầu cơ rất lớn.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-phieu-chung-khoan-bat-ngo-bi-ban-thao-ngan-hang-dau-khi-tiep-tuc-do-chi-so-a103410.html