LienVietPostBank linh hoạt giải pháp hỗ trợ khách hàng mùa

Trao đổi với DĐDN, ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch LienVietPostBank cho biết Ngân hàng áp dụng linh hoạt nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng phù hợp theo chủ trương của Chính phủ, NHNN.

huynh-ngoc-huy-1642477916.jpeg
Ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)

Mới đây, NHNN có Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 07/09/2021 với nhiều cơ chế đột phá, tạo hành lang pháp lý để tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng. Vậy thời gian qua, LienVietPostbank đã những chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp theo định hướng của NHNN ra sao, thưa ông?

Với tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN là rất cần thiết và kịp thời, tạo hành lang pháp lý cho các TCTD triển khai áp dụng các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng, giúp cho khách hàng giảm áp lực về mặt tài chính để tập trung phục hồi việc sản xuất, kinh doanh.

Về phía LienVietPostBank, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Ngân hàng luôn chủ động trong việc trao đổi, cập nhật thông tin thường xuyên với Khách hàng để nắm bắt về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và xây dựng các phương án hỗ trợ Khách hàng phù hợp.

Trên cơ sở xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn, các chính sách về biện pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại bởi dịch Covid-19: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện miễn giảm lãi, hạ lãi suất đối với các doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh, cho vay mới…

Vậy cụ thể, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị thiệt hại về tài chính bởi đại dịch COVID-19, Ngân hàng đã có những chính sách ra sao để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, “nuôi dưỡng” khách hàng trong tương lai, thưa ông?

LienVietPostBank hiện đang triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất dành cho các Khách hàng Doanh nghiệp với mức lãi suất chỉ từ 6-7.5%/năm.

Đối với các Khách hàng Doanh nghiệp đang vay vốn tại LienVietPostBank chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, Ngân hàng có chính sách đồng hành, hỗ trợ giảm lãi suất, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện tại. Chương trình giảm lãi suất của Ngân hàng áp dụng đối với cả các khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Song song với các chương trình giảm lãi suất cho các Khách hàng, Ngân hàng còn triển khai các chính sách miễn giảm phí chuyển tiền để hỗ trợ Doanh nghiệp tiết giảm chi phí, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh để phát triển bền vững sau đại dịch.

So với đầu năm và với cùng kỳ các năm trước đây thì hiện nay tăng trưởng tín dụng của LienVietPostbank có chênh lệch nhiều không, thưa ông?

Hoạt động tín dụng của LienVietPostBank định hướng phát triển vào phân khúc khách hàng bán lẻ đến tận các huyện, thị nhờ khai thác thế mạnh mạng lưới rộng khắp các tỉnh/thành, trong đó chú trọng việc mang dịch vụ tài chính vi mô đến với người dân ở vùng sâu, vùng xa, tập trung phát triển các lĩnh vực ưu tiên. Định hướng này được thực hiện xuyên suốt nhiều năm qua đã mang lại kết quả kinh doanh tốt ngay cả khi dịch bệnh bùng phát từ năm 2020 và tiếp tục phát huy hiệu quả trong những tháng đầu năm 2021 vừa qua.

Do vậy, tăng trưởng tín dụng của LPB đến nay vẫn cao hơn mặt bằng chung của hệ thống. Với nguồn lực sẵn có của mình, LPB sẽ tiếp tục có những chính sách đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối năm sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn. LPB luôn tuân thủ các chỉ đạo của NHNN về hoạt động tín dụng và tỷ lệ tăng trưởng đảm bảo trong hạn mức được NHNN cho phép.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính - ngân hàng thì từ động thái của NHNN, việc giải ngân vốn tín dụng của các TCTD cần hết sức cân nhắc vì nợ xấu của ngành ngân hàng dự kiến tăng trong thời gian tới, hơn nữa, triển vọng hồi phục kinh tế chưa rõ nét trong ngắn hạn. Ông nghĩ gì về nhận định này và LienVietPostBank đã có những định hướng chính sách ra sao để đảm bảo hạn mức an toàn tín dụng của mình?

Ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, với sự chủ động sát sao và linh hoạt trong việc triển khai các chính sách, biện pháp ứng phó trước đại dịch của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị xã hội dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát.

Đối với LienVietPostBank, ngay từ những giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, chúng tôi đã sớm có những kế hoạch chuẩn bị ứng phó với đại dịch: (i) Tốc độ tăng trưởng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; (ii) chính sách tín dụng được điều chỉnh theo hướng phân tán rủi ro; (iii) tăng cường làm việc trao đổi thông tin với khách hàng (iv) xây dựng các kịch bản ứng phó khủng hoảng.

Chính sách tín dụng của ngân hàng tiếp tục định hướng tăng cường phát triển tín dụng bán lẻ, nông nghiệp nông thôn hạn chế tăng trưởng vào các ngành nghề không ưu tiên của chính phủ để tận dụng lợi thế mạng lưới của Ngân hàng và phân tán rủi ro.

Đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Ngân hàng thực hiện áp dụng linh hoạt nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng phù hợp theo chủ trương của Chính phủ, NHNN đảm bảo kịp thời chia sẻ, hỗ trợ cho Khách hàng vượt qua khó khăn của dịch bệnh (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí…).

Bên cạnh đó nhận thức được rằng, cuộc chiến với dịch bệnh là cuộc chiến còn lâu dài và cần có sự chuẩn bị chủ động, Ngân hàng đồng thời triển khai nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao năng lực quản lý rủi ro của Ngân hàng: (i) Năm 2021, thực hiện tăng vốn điều lệ lên 15 nghìn tỷ đồng (ii) cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động (iii) tăng cường trích lập dự phòng

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lienvietpostbank-linh-hoat-giai-phap-ho-tro-khach-hang-mua-a103705.html