Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục biến động tiêu cực trong tuần giao dịch từ 17-21/1. VN-Index chốt phiên giao dịch cuối tuần (21/1) ở mức 1.472,89 điểm, tương ứng giảm 23,13 điểm (-1,55%) so với phiên cuối tuần trước. HNX-Index giảm 49,02 điểm (-10,5%) xuống 417,84 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 2,54 điểm (-2,26%) xuống 109,68 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục đi xuống. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 28.740 tỷ đồng/phiên, giảm 28% so với tuần trước. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 25.750 tỷ đồng/phiên, giảm 31,8%.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch tích cực trở lại sau 3 tuần "xả hàng", trong khi đó, cả khối ngoại lẫn tổ chức trong nước đều bán ròng mạnh.
Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước chấm dứt chuỗi 3 tuần bán ròng liên tiếp ở sàn HoSE và mua ròng trở lại 5.885 tỷ đồng ở tuần từ 17-21/1. Dù vậy, nếu chỉ xét về khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng khiêm tốn với 872 tỷ đồng.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất mã MSN với giá trị lên đến 4.715 tỷ đồng và chủ yếu thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Bên cạnh đó, DIG tiếp tục là cổ phiếu "ưa thích" của nhà đầu tư cá nhân khi được mua ròng 538 tỷ đồng. HPG và NVL được mua ròng lần lượt 433 tỷ đồng và 269 tỷ đồng. Trong khi đó, MWG bị bán ròng mạnh nhất với 169 tỷ đồng. VNM và VIX bị bán ròng lần lượt 151 tỷ đồng và 132 tỷ đồng.
Bên cạnh nhà đầu tư cá nhân trong nước, khối tự doanh công ty chứng khoán (CTCK) vẫn giữ được sự tích cực khi mua ròng tuần thứ 4 liên tiếp với giá trị giảm 8,7% so với tuần trước và đạt 156 tỷ đồng.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tự doanh lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
VCB được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất với giá trị 99 tỷ đồng. MBB và MWG đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 95 tỷ đồng và 89 tỷ đồng. Trong khi đó, MSN bị bán ròng mạnh nhất với 202 tỷ đồng. KOS đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng mạnh của dòng vốn này với 111 tỷ đồng.
Trái ngược với hai dòng vốn trên, tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) bán ròng trở lại 1.067 tỷ đồng, trong đó, dòng vốn này bán ròng 1.123 tỷ đồng thông qua phương thức khớp lệnh.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
DIG bị tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) bán ròng mạnh nhất với 539 tỷ đồng. HPG đứng sau với giá trị bán ròng là 230 tỷ đồng. HNG và APH đều bị bán ròng trên 200 tỷ đồng. Chiều ngược lại, MSN được mua ròng mạnh nhất với 184 tỷ đồng. VIX cũng được mua ròng 160 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng đột biến 4.974 tỷ đồng ở sàn HoSE. Tuy nhiên, nếu chỉ tính khớp lệnh, khối ngoại bán ròng chỉ 216 tỷ đồng.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
MSN đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HoSE với giá trị 4.698 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ yếu giao dịch cổ phiếu MSN được khối ngoại thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Nếu chỉ tính khớp lệnh, MSN được mua ròng 105 tỷ đồng. HPG và NVL cũng là hai cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh với lần lượt 214 tỷ đồng và 205 tỷ đồng. Trong khi đó, VNM được mua ròng mạnh nhất với 151 tỷ đồng. DXG và VHM được mua ròng lần lượt 104 tỷ đồng và 100 tỷ đồng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ca-nhan-trong-nuoc-giao-dich-tich-cuc-tro-lai-mua-rong-dot-bien-5885-ty-dong-trong-tuan-17-211-a105390.html