Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022.
Trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật trên.
Ông Thanh cho biết, vào các ngày 6/1/2022 và ngày 10/1/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật, tổng hợp có 273 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại Tổ và 31 ý kiến phát biểu, 9 ý kiến tranh luận tại Hội trường. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và có báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đầy đủ gửi đại biểu Quốc hội.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị phân cấp thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A cần được thực hiện theo lộ trình, trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả việc phân cấp các dự án nhóm B và C theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), một số ý kiến cho rằng liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công và Luật PPP có quy định tại Điều 62 Luật Đất đai về dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà phải thu hồi đất thì thẩm quyền thu hồi đất thuộc Thủ tướng Chính phủ; nay phân cấp quyết định chủ trương đầu tư cho HĐND cấp tỉnh đối với dự án nhóm B và nhóm C mà không sửa đổi Luật Đất đai, phân cấp thẩm quyền thu hồi đất thì quá trình triển khai thực tế sẽ vướng mắc.
Giải đáp ý kiến này, ông Thanh dẫn báo cáo số 150/BC-KHĐT-PC ngày 8/1/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (gửi kèm theo Báo cáo số 14/BC-CP) đã có giải trình rõ.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi hành, tránh trường hợp phát sinh vướng mắc sau khi thực hiện phân cấp, phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói,
Ở nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, về bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ, sản phẩm an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV Luật Đầu tư, một số ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết về quản lý sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng. Trong khi một số ý kiến khác không nhất trí và đề nghị nghiên cứu kỹ để trình tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).
Với ý kiến này, ông Thanh cho biết Báo cáo số 14/BC-CP của Chính phủ đã làm rõ yêu cầu thực tiễn cấp bách cần sớm bổ sung ngành, nghề nêu trên vào Luật Đầu tư.
"Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung ngành, nghề 'kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng' vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, bảo đảm đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật này, tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư, không trùng lặp, chồng chéo với ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, tránh tạo rào cản, vướng mắc trong thực tế và bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, có 2 loại ý kiến. Một là đề nghị cân nhắc thận trọng việc bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại vì cho rằng nội dung này chưa được Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng, có thể dẫn đến làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Hai là tán thành sự cần thiết sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở như Chính phủ trình để tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai.
Ông Than nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng trước mắt chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở để làm rõ và phân định các hình thức sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật Nhà ở hiện hành quy định, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Quyết định "không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại" vì vấn đề này cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn và chưa đạt được sự đồng thuận cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ, thận trọng; trường hợp cần thiết, Chính phủ xây dựng Đề án thí điểm áp dụng hình thức sử dụng đất không phải là đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, sớm báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời, tiến hành tổng kết để xem xét việc luật hóa khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi) và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, Có ý kiến đề nghị rà soát, xem xét lại quy định này vì nếu quy định như tại dự thảo Luật thì rủi ro khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế không thành công, gây lãng phí về các công việc đã triển khai. Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định, quy định đầy đủ, chặt chẽ, khả thi những vấn đề mang tính nguyên tắc.
Ở nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, ban hành Nghị định bảo đảm chặt chẽ, khả thi, bảo đảm đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật.
Về sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, một số ý kiến cho rằng nếu chỉ sửa 1 điều thì không xử lý dứt điểm được những vướng mắc trong truyền tải điện, đề nghị rà soát các quy định khác có liên quan.
Ông Thanh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến này, ngoài khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực về chính sách phát triển điện lực, trước mắt cần sửa đổi, bổ sung Điều 40 về quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị rà soát toàn bộ Luật Điện lực để xem xét đẩy nhanh việc sửa đổi toàn diện, bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật vì Luật Điện lực có nhiều nội dung cần sửa đổi như cơ cấu ngành điện, năng lượng tái tạo, truyền tải điện, điện gió ngoài khơi…
Với ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này để nghiên cứu, khẩn trương trình Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) theo đúng Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Cũng liên quan tới việc sửa đổi Luật này, một số ý kiến cho rằng Luật Điện lực đã có quy định chung về quyền, nghĩa vụ của đơn vị hoạt động truyền tải điện (Điều 40). Tuy nhiên, nếu cho phép khu vực tư nhân tham gia trong hoạt động truyền tải điện, cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định trong Luật Điện lực hiện hành, đặc biệt là bổ sung quy định về “quyền đấu nối”.
Ông Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến và sửa đổi Điều 40 như trong dự thảo Luật. Đồng thời, chủ đầu tư lưới điện truyền tải chỉ được từ chối yêu cầu đấu nối của tổ chức, cá nhân khác đối với lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng trong trường hợp không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không đúng quy hoạch… “theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương”. Điều này hiện nay cũng được quy định rõ tại Thông tư số 25/2016/TT-BCT quy định về hệ thống truyền tải điện.
Liên quan tới việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp, về đối tượng xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, một số ý kiến nhất trí với quy định tại dự thảo Luật để tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn sắp xếp doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Ý kiến khác đề nghị quy định rõ doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cân nhắc mở rộng phạm vi bao gồm cả công ty con của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh 100% vốn nhà nước.
Giải trình, tiếp thu ý kiến, ông Thanh cho biết, Báo cáo số 14/BC-CP của Chính phủ đã làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn của quy định. Việc xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh là vấn đề quan trọng, cần có quy định hết sức chặt chẽ, tránh dàn trải về đối tượng được hưởng ưu đãi đặc thù dành cho doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.
"Trên cơ sở quy định của Luật, đề nghị Chính phủ quy định rõ điều kiện xác định doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; thực hiện nghiêm trách nhiệm chỉ đạo các Bộ, ngành định kỳ rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận, công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo đảm chặt chẽ, không để lợi dụng các quy định này, đồng thời, bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, lành mạnh cho tất cả các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế thực hiện hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói
Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không nên giảm thuế suất thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện chạy pin trong thời điểm này và nội dung đề xuất này không thuộc phạm vi vướng mắc, khó khăn, cần tháo gỡ. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng việc ưu đãi thuế thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với dòng xe điện chạy pin sẽ không công bằng đối với các hãng xe trong ngành ô tô.
Với các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định để góp phần bảo vệ môi trường và đón đầu xu thế chung của ngành công nghiệp ô tô, khi ngành ô tô điện chạy pin của Việt Nam và các quốc gia ASEAN có xuất phát điểm gần như tương tự nhau.
"Việc triển khai chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư sớm hơn các nước trong khu vực sẽ tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất xe ô tô điện chạy pin sử dụng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hiện nay trong nước đã có doanh nghiệp đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư sản xuất xe ô tô điện chạy pin", ông Thanh chỉ ra.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Tờ trình và Báo cáo đánh giá tác động chưa thực sự thuyết phục, chưa đánh giá tác động của pin thải loại đối với môi trường. Ông Thanh cho biết tại Hồ sơ dự án Luật kèm theo Tờ trình của Chính phủ đã bổ sung các thông tin cụ thể, chi tiết về đáng giá tác động đến môi trường đối với pin thải loại và phương án xử lý cụ thể, bảo đảm xử lý tái chế cơ bản đối với các linh kiện của pin.
"Đồng thời, xét về tổng thể tác động tích cực và tiêu cực khi sử dụng xe ô tô điện chạy pin thì loại xe ô tô này vừa thân thiện với môi trường vừa phù hợp với thực tế ứng dụng", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ.
Liên quan tới nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự, về thủ tục ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản (Điều 57), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung quy định về hồ sơ ủy thác thi hành án tại khoản 1 Điều 57 để bảo đảm đồng bộ và áp dụng thống nhất; làm rõ thời hạn “tạm dừng việc xử lý tài sản”, quy định cụ thể thủ tục xử lý tài sản sau khi không còn lý do “tạm dừng”; quy định chi tiết việc ủy thác xử lý tài sản; rà soát kỹ cả về nội dung và kỹ thuật nhằm bảo đảm tính thống nhất và đáp ứng yêu cầu áp dụng ngay của Luật.
Tiếp thu, giải trình ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến và bổ sung, chỉnh lý các nội quy định cụ thể tại các điều 55, 56 và 57 dự thảo Luật.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/quoc-hoi-thong-qua-du-an-mot-luat-sua-9-luat-a105859.html