Dòng tiền đổ về cổ phiếu ngân hàng những ngày đầu năm 2022

Riêng trong phiên ngày 25/1, có tới 24/27 mã ngân hàng đang niêm yết tăng giá...

Ghi nhận trong phiên giao dịch hôm nay (25/1), càng về cuối giờ chiều, thị trường càng hồi phục mạnh mẽ. Góp phần vào diễn biến này phải kể đến nỗ lực của nhóm ngân hàng khi dòng tiền đang ồ ạt chảy vào.

Cụ thể, trong toàn bộ 27 ngân hàng đang niêm yết, chỉ có duy nhất 2 mã giảm giá nhẹ, 1 mã giữ tham chiếu, còn lại tất cả đều bật tăng. Nổi bật nhất là NVB của NCB; LPB của LienVietPostBank và TPB của TPBank đều có mức tăng trên 5%.

Ngoài ra, nhóm tăng trên 4% gồm có BID của BIDV; VPB của VPBank; PGB của PGBank; MSB; STB của Sacombank.

Các cổ phiếu có thanh khoản tốt khác như CTG của VietinBank, SHB của Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội, TCB của Techcombank, OCB của Ngân hàng Phương Đông, VCB của Vietcombank, EIB của Eximbank, HDB của HDBank, VIB của Ngân hàng Quốc tế cũng tăng trên 3%. Riêng NAB của NamABank tăng nhẹ nhất với 0,52%.

Diễn biến cổ phiếu nhóm ngân hàng trong phiên ngày 25/1

Đáng chú ý, không chỉ trong phiên giao dịch hôm nay dòng tiền mới dồn về nhóm ngân hàng mà xu hướng trên đã xuất hiện từ những ngày đầu năm 2022. Nếu tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu BID đã tăng 32%; VCB tăng 21%; MBB tăng 12,8%; CTG tăng 9,1%...

Tại một buổi tọa đàm gần đây, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư quỹ Dragon Capital nhìn nhận, trong giai đoạn nửa cuối năm 2021, hiệu quả đầu tư của ngành ngân hàng tương đối thấp do những quan ngại về vấn đề nợ xấu.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, góc nhìn về nợ xấu của các nhà đầu tư đang có điểm không đúng. Bởi lẽ, tỷ lệ nợ xấu bao phủ của Việt Nam đã tăng rất mạnh, năm 2017 tỷ lệ này là 75% thì đến năm 2021 đã tăng lên 130%, xếp thứ 3 toàn khu vực.

Hơn nữa, ngành ngân hàng đã có sự chuẩn bị cho câu chuyện nợ xấu. Thể hiện rõ nhất, trong giai đoạn 2015 - 2018, doanh nghiệp có 100 đồng tài sản thế chấp thì chỉ có thể vay được 70 đồng. Từ năm 2019 trở đi, ngành ngân hàng bắt đầu thận trọng hơn, khi đó 100 đồng tài sản chỉ có thể vay được 58 đồng. Điều này cho thấy chất lượng tài sản thế chấp đã tăng lên rất nhiều, thậm chí phần lớn là bất động sản.

“Thực tế chỉ ra thị trường bất động sản vẫn đang ổn định, giá bất động sản còn đang tăng rất mạnh. Trong bối cảnh đó làm sao nợ xấu của ngân hàng tăng nhiều được”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, chu kỳ ngành tăng giá của ngành ngân hàng xảy ra khi tăng trưởng tín dụng vượt 15%, thông tin cơ bản về mặt định giá bao gồm lợi nhuận liên tục tăng tốc và tốc độ tăng trưởng trung bình ngành trên 30%. Ngược lại, khi tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 10%, lợi nhuận tăng trưởng thấp và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dưới 20% thì ngành ngân hàng đã bước vào chu kỳ giá giảm.

Và theo phân tích của vị chuyên gia này, năm 2022 hội tụ đầy đủ các yếu tố tích cực cho nhóm ngành ngân hàng, bao gồm khả năng tăng trưởng tín dụng trên 15%, nợ xấu có khả năng sẽ giảm rất mạnh, lợi nhuận dược dự báo tăng trưởng vượt mức 30%, kèm theo các thông tin hỗ trợ như bán vốn chiến lược, lợi nhuận đột biến, một số ngân hàng có ý định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.

"Mức định giá của ngành ngân hàng hiện tại vô cùng hấp dẫn, rẻ hơn 25% so với mức bình quân 3 năm với tỷ lệ P/B 1,6 lần và tỷ lệ P/E 8,7 lần. Dựa vào những yếu tố trên, tôi cho rằng ngành ngân hàng là ngành nhà đầu tư không nên bỏ qua trong năm 2022", ông Tuấn nhận định.

Chung quan điểm, trong báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MBS cũng đưa ra khuyến nghị, nhà đầu tư có thể tiếp tục mua gom đối với nhóm blue-chip, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi nhóm cổ phiếu đã có thời gian tích lũy hơn 6 tháng vừa qua. Khả năng nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm thêm sẽ thấp hơn so với triển vọng về lại đỉnh cũ hồi tháng 6 năm 2021.

“Hiện tại, nhóm ngân hàng quốc doanh đã vượt đỉnh năm 2021, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân đang trong quá trình test đỉnh kể từ đầu năm cho tới nay. BID, MBB là hai trong số những cổ phiếu ngân hàng đã thu hút dòng tiền trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Một số cổ phiếu ngân hàng khác như OCB, CTG có thể sẽ dẫn sóng sau vài phiên nữa”, nhóm nghiên cứu tại MBS nêu quan điểm.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dong-tien-do-ve-co-phieu-ngan-hang-nhung-ngay-dau-nam-2022-a105975.html