Biểu đồ giá trị đồng tiền điện tử Bitcoin tại một sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 7/1/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review, nhà báo chuyên về kinh tế Keren Maley nhận định một sự chia rẽ sâu sắc đã xuất hiện giữa các nhà đầu tư sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu bất ngờ sụt giảm nhiều nhất trong hơn một năm qua vào tuần trước.
Theo tác giả, một số người tin rằng tiền điện tử đang hoạt động như “những con chim hoàng yến trong mỏ than tài chính”, báo hiệu một mối nguy hiểm đang tới gần. Và họ cho rằng sự sụt giảm nghiêm trọng về giá trị của các loại tiền điện tử, vốn đã “xóa sổ” hơn 1.000 tỷ USD ra khỏi giá trị thị trường tổng hợp, là một lời cảnh báo ảm đạm cho các thị trường cổ phiếu toàn cầu.
Đồng Bitcoin, được giao dịch quanh ngưỡng 35.000 USD chiều ngày 16/1, hiện đã rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 7/2021. Như vậy, so với mức đỉnh 67.582,6 USD vào tháng 11/2021, giá trị của đồng tiền này đã giảm một nửa.
Một số nhà đầu tư lạc quan nhận định sự sụt giảm nhanh chóng về giá trị của đồng bitcoin và một số loại tiền điện tử khác là dấu hiệu báo trước về “nỗi đau” có thể xảy ra đối với các loại tài sản khác, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ, vốn đã phát triển hết sức mạnh mẽ trong thời gian qua.
Hiện tại, chỉ số tổng hợp Nasdaq đang trong vùng điều chỉnh, giảm 14% so với mức đỉnh của tháng 11/2021.
Tuần trước, nhà đầu tư “lão luyện” Jerremy Grantham đã lên tiếng cảnh báo rằng nước Mỹ hiện đang ở giữa siêu bong bóng tài chính thứ tư trong vòng 100 năm trở lại đây.
Ông Grantham lưu ý: “Đặc điểm cuối cùng của một siêu bong bóng là sự thu hẹp liên tục của thị trường, các cổ phiếu đầu cơ hoạt động kém hiệu quả, nhiều loại trong số đó sẽ bị sụt giá, khi thị trường các cổ phiếu blue-chip (cổ phiếu của các công ty lớn có mức vốn hóa và uy tín hàng đầu thị trường) tăng. Điều này đã từng xảy ra vào năm 1929 và 2000 và có vẻ như đang lặp lại vào thời điểm hiện nay”.
Mối tương quan giữa tiền điện tử và cổ phiếu công nghệ
Theo ông Grantham, lý do chính đáng giải thích cho hiệu ứng này là các chuyên gia có kinh nghiệm, những người biết rằng thị trường đang bị đánh giá quá cao một cách nguy hiểm – nhưng cảm thấy vì lý do thương mại nên họ phải tiếp tục tham gia – ít nhất đã muốn thoát khỏi thị trường với các cổ phiếu an toàn hơn.
Ông nói: “Đó là lý do vì sao vào cuối đợt bong bóng lớn, dường như những nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm bắt đầu tấn công những người đầu cơ và dễ bị tổn thương trước tiên. Họ hướng sự hoạt động của thị trường theo cách của họ, đôi khi khá chậm, đến các cổ phiếu blue-chip”.
Một số nhà đầu tư khác chỉ ra rằng có thể có một yếu tố khác giải thích cho mối tương quan ngày càng tăng giữa hiệu suất của tiền điện tử và cổ phiếu công nghệ. Các nhà đầu tư phân tích sự phổ biến ngày càng tăng của các loại tiền điện tử có nghĩa là ngày càng có nhiều nhà đầu tư nắm giữ những loại tài sản này trong danh mục đầu tư của họ.
Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là các nhà đầu tư có thể bị cám dỗ để bán bớt tài sản tiền điện tử của họ khi cổ phiếu công nghệ sụt giảm và họ phải đối mặt với áp lực từ các nhà môi giới yêu cầu đưa thêm tiền mặt vào nhằm trang trải cho các khoản lỗ có thể xảy ra trong những giao dịch được thực hiện bằng tiền đi vay.
Nhưng không phải tất cả các nhà đầu tư đều bị thuyết phục rằng giá cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu sẽ chịu sự sụt giảm tàn khốc giống như tiền điện tử. Thay vào đó, họ lập luận rằng hai sự kiện lớn của tuần này sẽ có ý nghĩa then chốt trong việc quyết định số phận của thị trường vào những tháng tới.
Đầu tiên đó là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các quan chức cấp cao của Fed, giờ đây đã công khai thừa nhận rằng nước Mỹ đang gặp vấn đề về lạm phát. Tại cuộc họp vào tháng 12/2021, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ quyết định giảm quy mô kích thích tiền tệ nhanh hơn so với dự kiến bằng cách chấm dứt việc mua trái phiếu vào tháng Ba tới.
Nhiều nhà bình luận kỳ vọng Fed sẽ tiến xa hơn nữa tại cuộc họp tuần này và kết thúc chương trình mua trái phiếu vào tháng Hai thay vì chờ đến tháng Ba.
Điều đó có thể dọn đường cho Fed bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng Ba (thị trường tài chính đang mong đợi Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất ba và có thể bốn lần trong năm nay).
Hiện tại, thị trường kỳ hạn tương lai đã được định giá đầy đủ, phản ánh mức lãi suất cơ bản sẽ tăng 25 điểm vào tháng Ba.
Thách thức của Fed
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay khiến Fed phải đối mặt với một hành động cân bằng khó khăn, đó là liệu cơ quan này có thể tìm ra cách thắt chặt chính sách tiền tệ và chống lạm phát mà không gây ra biến động trên thị trường tài chính?
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Thách thức của Fed sẽ càng trở nên trầm trọng hơn bởi sự lo lắng ngày càng tăng về lạm phát của Mỹ, vốn đã đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn chuẩn 10 năm lên mức cao 1,88% vào tuần trước, trước khi giảm xuống 1,76%.
Lợi suất cao hơn đối với các tài sản siêu an toàn, như trái phiếu Chính phủ Mỹ, có nghĩa là các nhà đầu tư có ít động lực hơn để trả giá cao hơn cho các công ty công nghệ, được kỳ vọng sẽ mang lại thu nhập cao trong tương lai xa.
Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ cũng có thể giảm xuống một chút, nếu Fed thành công trong việc thuyết phục được các nhà đầu tư rằng họ đang hành động kịp thời để chế ngự áp lực lạm phát. Mặc dù vậy, rủi ro là các thị trường bắt đầu lo sợ rằng Fed sẽ sử dụng đồng thời nhiều chiến thuật quá mạnh mẽ để dập tắt áp lực tăng giá.
Hơn nữa, một số nhà phân tích cho rằng các cổ phiếu công nghệ có thể dễ bị ảnh hưởng bởi một đợt điều chỉnh lớn, khi Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác tiến tới kiểm soát việc mua trái phiếu của họ. Giá của các cổ phiếu công nghệ lớn như Meta Platforms (tên thường gọi trước đây là Facebook), Amazon, Apple và Alphabet (công ty mẹ của Google) đã tăng vọt cùng với sự tăng trưởng về quy mô bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Kết quả là giá cổ phiếu của những công ty này có thể sẽ phải chịu áp lực khi Fed không chỉ kết thúc hành động mua trái phiếu mà còn bắt đầu vạch ra kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán gần 9.000 tỷ USD của mình thông qua việc cho phép trái phiếu đáo hạn mà không cần thay thế chúng.
Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng thời gian nữa Fed mới bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán của mình. Một số nhà đầu tư hy vọng rằng các cổ phiếu công nghệ của Mỹ như Microsoft, Apple và Tesla đều sẽ đến hạn công bố báo cáo tài chính trong tuần này và sẽ nhận được sự thúc đẩy lạc quan nhờ doanh thu quý IV/2021 mạnh hơn dự kiến.
Những “gã khổng lồ” công nghệ lớn của Mỹ là những đối tượng hưởng lợi lớn từ đại dịch khi các công ty và cá nhân chuyển hướng hoạt động sang trực tuyến. Với việc cả ở nơi làm việc và trường học đều sử dụng công nghệ thực tế ảo, người dân đã chi tiêu nhiều hơn cho các thiết bị công nghệ như máy tính bảng iPad và máy tính Mac, trong khi các công ty tăng cường đầu tư vào việc nâng cấp phần mềm của họ.
Hơn thế nữa, các “gã khổng lồ” công nghệ đã nâng cao thu nhập bằng cách cắt giảm chi tiêu cho các danh mục như du lịch và giải trí, đồng thời đầu tư vào những lĩnh vực có thể giúp củng cố sự thống trị thị trường của họ. Kết quả là giá cổ phiếu của các công ty như Microsoft, Apple và Amazon đã tăng vọt trong hai năm qua.
Mặc dù vậy, sự nhiệt tình của các nhà đầu tư đối với những “gã khổng lồ” công nghệ gần như bất khả chiến bại đã bắt đầu có sự “chậm nhịp” trong năm nay, khi lợi suất trái phiếu tăng lên, buộc các nhà đầu tư phải áp dụng mức chiết khấu cao hơn cho dòng tiền trong tương lai của họ.
Tuy nhiên, rất có thể các nhà đầu tư sẽ tìm lại được sự nhiệt tình nếu những “gã khổng lồ” này công bố doanh thu và thu nhập cao hơn dự kiến trong quý IV/2021. Một kết quả tài chính cuối quý ấn tượng sẽ giúp trấn an các nhà đầu tư đang lo lắng và bảo vệ nhóm cổ phiếu công nghệ thoát khỏi sự đe dọa của việc tăng lợi suất trái phiếu./.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tien-dien-tu-lao-doc-se-gay-tac-dong-tieu-cuc-toi-cac-co-phieu-cong-nghe-a106450.html