Quan điểm diều hâu của Fed có thể làm thay đổi lộ trình chính sách của các nền kinh tế châu Á

Những bình luận mang tính diều hâu từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell sẽ gây áp lực buộc các nền kinh tế châu Á phải tăng tốc thắt chặt chính sách tiền tệ ngay cả trong bối cảnh lạm phát được kiềm chế và triển vọng phục hồi sau đại dịch vẫn chưa quá rõ ràng.

 

Trong toàn khu vực, những nỗ lực nhằm phục hồi kinh tế chính trong khi cân bằng tiền tệ và tăng giá sẽ bị thách thức bởi sự biến động từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới. Thị trường châu Á đã chứng kiến một đợt bán tháo lớn vào ngày 27/1 với cổ phiếu, tiền tệ và trái phiếu đều giảm giá.

Hôm thứ Tư (26/1), Indonesia đã áp dụng một giọng điệu diều hâu hơn khi cho biết rằng sẽ sẵn sàng thực hiện sớm các động thái để kiềm chế sự biến động của đồng rupiah và lợi suất trái phiếu.

Hôm thứ Ba (25/1), Singapore cũng đã gây sốc cho các thị trường với một đợt thắt chặt chính sách tiền tệ bất ngờ và dự kiến sẽ nhiều hơn vào tháng 4. Chính quyền đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) cũng cho biết hôm 27/1 rằng, họ đang theo dõi diễn biến thị trường và sẽ duy trì sự ổn định.

Theo các nhà phân tích tại Oxford Economics, Ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ cần thắt chặt chính sách tiền tệ hơn và có khả năng Malaysia và Philippines sẽ đưa ra kế hoạch tăng lãi suất trong tương lai. Ít nhất 7 ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ có các quyết định chính sách vào tháng tới.

Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi sẽ dễ chịu tổn thương nhất vì các nhà hoạch định chính sách có thể cần phải ngăn chặn dòng tiền rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài và bảo vệ đồng nội tệ mà không làm cản trở sự phục hồi kinh tế.

Chua Hak Bin, nhà kinh tế cấp cao tại Maybank Kim Eng Research Pte cho biết: “Fed là ngân hàng trung ương hàng đầu trên toàn cầu và lập trường diều hâu hơn sẽ gây áp lực buộc các ngân hàng trung ương của thị trường mới nổi phải đẩy nhanh quá trình bình thường hóa của chính họ”.

Tại Hàn Quốc, ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất 3 lần kể từ mùa Hè năm ngoái. Thứ trưởng Bộ Tài chính Lee Eog-weon cho biết hôm 27/1 rằng, họ sẽ theo dõi chặt chẽ cách thị trường tài chính phản ứng với Fed và chính phủ sẽ thực hiện các bước để ổn định thị trường trước tiên.

Trong khi đó, Trung Quốc đi ngược lại khi ngân hàng trung ương nước này đang nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại khi lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đang gắn bó với một cách tiếp cận ôn hòa vì lạm phát thấp cho phép các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng.

Theo dự báo từ các nhà kinh tế tại Nomura Holdings, áp lực lạm phát vẫn được coi là vừa phải ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương so với phần còn lại của thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng trong khu vực được dự đoán sẽ tăng 2,9% trong năm nay, so với mức 5,3% ở Mỹ và 3,9% ở khu vực đồng euro.

Ngay cả với lạm phát tương đối ổn định ở phần lớn châu Á, chính sách của ngân hàng trung ương sẽ cần phải thích nghi với Fed. Những nền kinh tế phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài và đang cải thiện thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.

Nhà kinh tế Priyanka Kishore của Oxford Economics cho biết, ổn định tiền tệ sẽ là mối quan tâm chính.

“Do áp lực lạm phát bên ngoài đã và đang diễn ra, các ngân hàng trung ương sẽ lưu ý không gây thêm áp lực lạm phát thông qua đồng tiền đang suy yếu, ngay cả khi họ không nhắm mục tiêu rõ ràng đến sự ổn định ngoại hối”, bà cho biết.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/quan-diem-dieu-hau-cua-fed-co-the-lam-thay-doi-lo-trinh-chinh-sach-cua-cac-nen-kinh-te-chau-a-a106734.html