Ảnh minh họa.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022 vừa công bố, Chứng khoán MBS đánh giá, tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ phục hồi trong năm 2022 và hoạt động thương mại toàn cầu được cải thiện sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Do đó, MBS dự phóng GDP của Việt Nam 2022 sẽ tăng mạnh trở lại ở mức 6-6,5% khi toàn bộ nên kinh tế trở lại trạng thái bình thường, việc mở cửa trở lại nền kinh tế diễn ra thuận lợi để cho phép các doanh nghiệp và nhà máy bắt kịp sản lượng bị mất và tỉ lệ tiêm chủng tăng theo kế hoạch.
Lạm phát trong năm 2021 dao động ở mức 1,84% nhờ chính sách tài khóa chủ động, kịp thời, chính sách tiền tệ linh hoạt, đồng bộ và công tác điều hành một số mặt hàng thiết yếu nhịp nhàng nên khả năng lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở mức thấp.
Năm 2022 lạm phát dự kiến tăng cao do tình trạng thiếu hàng hóa, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, trong khi nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh khi hoạt động kinh tế nối lại khiến nguồn cung chưa theo kịp nhu cầu dẫn đến lạm phát tăng.
Bên cạnh đó, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn bởi nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu điều hành vĩ mô hợp lý, đặc biệt là kiểm soát cung tiền ở mức vừa phải, CPI năm 2022 dù cao hơn năm nay nhưng vẫn có khả năng kiểm soát dưới 4%.
Dự kiến chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thực hiện giúp nới lỏng với mặt bằng lãi suất duy trì thấp như hiện tại để hỗ trợ nền kinh tế khi lạm phát vẫn đang ở mức thấp nên Việt Nam còn nhiều dư địa để kiềm chế lạm phát. Nhờ tái khởi động nền kinh tế từ tháng 10, tăng trưởng tín dụng đang được tăng tốc quý 4, với mức dự báo tăng trưởng xấp xỉ gần 14% trong năm nay.
Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm, tuy nhiên lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại và dự kiến sẽ tăng trở lại trong năm sau trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng, áp lực lạm phát trong năm 2022 và sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.
Triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022 phụ thuộc lớn vào cổ phần hóa và tiến độ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Theo MBS, hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước mở ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn và góp phần mở rộng quy mô và gia tăng thanh khoản thị trường. Chúng ta có thể kỳ vọng một sóng thoái vốn diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2022 giống như giai đoạn 2016-2017.
Do đó, dư địa các doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Việt Nam còn rất lớn; trong đó, một số doanh nghiệp lớn đang được tập trung hoàn thành IPO và thoái vốn trong 2 năm tới đây.
Bên cạnh đó, làn sóng niêm yết mới trong năm 2022 ở một số cổ phiếu lớn như CTCP Tôn Đông Á hay CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cũng là những câu chuyện được nhà đầu tư rất quan tâm…
Trong nỗ lực đạt được vị thế thị trường mới nổi, các sáng kiến của Việt Nam nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán sẽ thu hút nhiều dòng vốn đầu tư ra nước ngoài hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể ở vị trí thuận lợi để được nâng hạng lên trạng thái mới nổi sớm nhất vào năm 2022 hoặc muộn nhất vào năm 2025.
Theo ước tính của MBS, việc Việt Nam đưa vào Chỉ số FTSE EM sẽ thu hút ít nhất 355 triệu USD dòng vốn thụ động nước ngoài, theo tỷ trọng của thị trường sẽ vào khoảng 0,36% –0,41%. Trong khi đó, việc Việt Nam được đưa vào Chỉ số MSCI EM có thể thu hút ít nhất 327 triệu USD dòng vốn thụ động nước ngoài, vì tỷ trọng của thị trường dự kiến vào khoảng 0,69% –0,78%.
Trong kịch bản lạc quan, MBS cho rằng thị trường chứng khoán có thể ghi nhận mức thanh khoản cao nhất đạt 31.814 tỷ đồng trong năm 2022, VN-Index có thể đạt 1.688 điểm.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hang-tram-trieu-usd-tu-quy-etf-se-do-vao-chung-khoan-viet-neu-duoc-nang-hang-ngay-nam-2022-a107483.html