Tờ FT đã tiến hành khảo sát ý kiến của gần 100 nhà kinh tế dự báo về quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch năm 2022 của nước Anh. Phần lớn ý kiến cho rằng nước này sẽ bị kìm hãm bởi sự bất ổn chính trị và hậu quả kéo dài của Brexit.
Những thách thức lớn nhất mà nền kinh tế Anh phải đối mặt là vấn đề toàn cầu: giá năng lượng cao và áp lực lạm phát liên quan đến đại dịch; tình trạng thiếu lao động kéo dài và gián đoạn chuỗi cung ứng; tiếp tục các đợt lây nhiễm virus corona và những rủi ro gia tăng của biến đổi khí hậu.
Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Vương quốc Anh sẽ khó đối phó với những cú sốc này hơn so với các nước khác, bởi vì hỗ trợ tài chính đang giảm dần, Brexit đang gây tổn hại cho thương mại và làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn nguồn cung. Và sự bất ổn chính trị ngày càng gia tăng nguy cơ ngăn cản đầu tư.
Jagjit Chadha, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh, cho biết: "Sự đứt gãy vì Brexit và sự không chắc chắn về mặt chính trị sẽ tiếp tục cản trở những động lực của một đà phục hồi mạnh mẽ".
Nguy cơ từ Brexit
"Sự phục hồi được thúc đẩy bởi sự lạc quan về tương lai. . . Nhưng Brexit sẽ tiếp tục gia tăng sự bi quan kéo dài về tương lai của nền kinh tế Anh", ông Paul de Grauwe, giáo sư tại Trường Kinh tế London, cho biết.
Tiến trình thực hiện Brexit đang khiến nhiều người bi quan về đà phục hồi của nước Anh trong năm nay. Ảnh: Investment Property Forum.
Khi các biện pháp kiểm soát hải quan có hiệu lực đầy đủ ở Anh vào năm 2022, nhiều ý kiến cho rằng Brexit sẽ làm trầm trọng thêm xung đột thương mại thời hậu đại dịch Covid-19, gia tăng tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động cũng như khiến áp lực lạm phát ngày càng rõ rệt.
John Llewellyn, một nhà tư vấn độc lập và Sushil Wadhwani, một nhà quản lý tài sản kiêm cựu chuyên gia định giá của Ngân hàng Trung ương Anh, cho biết tình trạng này sẽ buộc Ngân hàng trung ương nước Anh phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn các ngân hàng trung ương khác, kéo theo đó làm chậm sự phục hồi của Vương quốc Anh so với các quốc gia khác theo thời gian.
Trong khi một số người ủng hộ chính phủ vì cách xử lý đại dịch trong năm qua - đặc biệt là tốc độ triển khai vaccine - thì có rất ít niềm tin rằng các bộ trưởng Anh sẽ tiếp tục ủng hộ chiến lược phục hồi này.
Wadhwani chỉ ra sự "miễn cưỡng" của chính phủ trong việc giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi biến thể Omicron, trong khi Barret Kupelian, nhà kinh tế cấp cao tại công ty tham vấn PwC, đề cập đến nguy cơ tăng thuế và Morten Ravn, giáo sư tại Đại học College London, cho biết vì mức nợ công cao nên sẽ "khó có thể đưa ra biện pháp kích thích kinh tế hay một cải cách thuế quan trọng".
Đối với những người khác, chính phủ là một phần trung tâm của vấn đề. Một loạt các vụ bê bối đã làm ảnh hưởng đến xếp hạng niềm tin đối với Thủ tướng Boris Johnson và làm dấy lên nguy cơ về bất ổn chính trị. Các chuyên gia trả lời khảo sát cũng cho rằng "chính trị không ổn định" và việc không có một kế hoạch đáng tin cậy sẽ khó thúc đẩy năng suất dài hạn.
Panicos Demetriades, một giáo sư tại trường đại học Leicester và là cựu thống đốc ngân hàng trung ương của Síp, dự đoán rằng những nguy cơ về vai trò lãnh đạo của ông Johnson có thể "khiến các công ty rơi vào trạng thái "chờ và xem "cũng như trì hoãn các quyết định đầu tư cho đến khi triển vọng chính sách kinh tế trở nên rõ ràng hơn".
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng khác cũng góp phần quyết định triển vọng về mức sống hộ gia đình trong năm tới: lạm phát. Tỷ lệ này đạt 5,1% vào tháng 11/2021, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ và dự kiến sẽ còn tăng cao trong quý đầu tiên của năm nay.
Tỷ lệ lạm phát đáng lo
John Philpott, một nhà tư vấn độc lập cho biết: "Dù diễn biến của đại dịch trong năm 2022 là thì hầu hết chúng ta đều có thể phải đối mặt với sự lo nghĩ lớn về tài chính". Alpesh Paleja, nhà kinh tế hàng đầu tại CBI, cho biết: "Chúng tôi đang dự kiến về một đợt giảm lương mới trong năm tới, điều này sẽ ảnh hưởng đến các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn".
David Bell, giáo sư tại trường đại học Stirling, cho biết một cuộc khủng hoảng về mức sống sẽ là "rất nghiêm trọng" đối với các hộ gia đình nghèo hơn, những người đã dành tỷ lệ thu nhập cao hơn cho sử dụng nhiên liệu. Và Dave Innes, người đứng đầu bộ phận kinh tế của Quỹ Joseph Rowntree, cho biết phần tài chính hỗ trợ cho hàng triệu người không thể làm việc do bệnh tật hoặc tàn tật sẽ ở mức thấp nhất kể từ năm 1990.
Bất chấp sự bi quan về tăng trưởng, lạm phát và mức sống, một số người được hỏi vẫn lạc quan chỉ ra rằng năm nay không phải đều là "sự suy sụp và u ám".
Họ nhìn thấy đà phục hồi được mong đợi từ lâu trong đầu tư kinh doanh, được thúc đẩy bởi sự khan hiếm lao động, nhu cầu phát triển kỹ thuật số hóa do đại dịch và nhu cầu áp dụng công nghệ xanh. Theo Nina Skero, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Cebr, những điều này có thể "thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện các loại đầu tư cần thiết để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các công việc năng suất thấp hơn".
Diane Coyle, giáo sư về chính sách công tại đại học Cambridge, cho biết: "Cuối cùng, chúng ta hãy hy vọng vào sự bùng nổ sau đại dịch. Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra khi kết thúc năm 2022 với một tinh thần lạc quan".
Nhà kinh tế Kitty Ussher cũng dự báo về những thời điểm tốt hơn còn nằm ở phía trước. Bà nói: "Nền kinh tế của chúng ta là một nền kinh tế muốn phát triển. Miễn là mọi người tin rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch đang ở phía sau chúng ta, nhu cầu phát triển mạnh mẽ sẽ giữ cho các nguyên tắc cơ bản đi đúng hướng."
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bat-on-chinh-tri-va-brexit-de-doa-da-phuc-hoi-cua-anh-trong-nam-2022-a108340.html