Dừng tổ chức lễ hội đầu năm, người dân vẫn tấp nập đi du xuân

Dù các lễ hội đầu năm dừng tổ chức, người dân vẫn đổ về các điểm tham quan, di tích để dâng hương, đi lễ.

Đền Trần không tổ chức khai ấn nhưng vẫn mở cửa đón khách

Lễ hội Khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) thường thu hút hàng vạn người từ khắp cả nước tham dự, đặc biệt là trong đêm 14 tháng giêng âm lịch, thời điểm diễn ra nghi lễ khai ấn. Năm nay, tuy không tổ chức Lễ Khai ấn như thông lệ nhưng từ đầu năm, đền Trần vẫn mở cửa cho du khách thập phương đến thăm viếng. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều du khách từ các tỉnh, thành đổ về Đền Trần (Nam Định) dâng hương và xin lộc đầu năm.

Đền Trần không tổ chức khai ấn nhưng vẫn mở cửa đón khách.

Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp chia sẻ: “Từ năm ngoái, đền Trần đã không tổ chức lễ khai ấn vào đêm 14 tháng Giêng như thường lệ vì lý do dịch bệnh nhưng vẫn mở cửa để người dân, du khách vào tham quan, thắp hương. So với mọi năm, lượng khách đi lễ Đền Trần đầu năm nay đã giảm đi đáng kể”.

Theo ông Nguyễn Đức Bình, năm nay, chỉ có các cụ từ làm lễ ở trong nội cung chứ không tổ chức khai ấn. Những nghi thức tín ngưỡng phần lễ vẫn được duy trì.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp cho biết đã tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong khu di tích, yêu cầu người dân khi đi lễ đầu xuân tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, chỉ cá nhân dâng hương chứ không có tập thể. Cũng theo ông Bình, người dân đến hành lễ đều đeo khẩu trang. Công tác phòng dịch ở đây được thực hiện nghiêm túc. Trước khi vào dâng hương, mọi người phải sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, được nhắc nhở giữ khoảng cách...

Ban quản lý khu di tích đã bố trí lực lượng hướng dẫn người dân tại tất cả các khu vực của nhà đền. 50 người được chia làm 2 ca làm việc liên tục. Toàn bộ nhân viên được tiêm 3 mũi vaccine và được xét nghiệm COVID-19 hai ngày một lần.

Ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp cũng cho biết, vì không tổ chức phát ấn như mọi năm, nhà đền có kế hoạch gửi ấn cho khách đã đăng ký, đảm bảo nguyên tắc tránh tập trung đông người.

Yên Tử tấp nập du khách

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thủy ký văn bản số 58 hôm 7/1/2022 gửi các sở quản lý văn hóa, khuyến nghị các địa phương chủ động tạm dừng bắn pháo hoa, dừng tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Mở hội hay đóng cửa phụ thuộc vào quyết định của địa phương. Lãnh đạo Bộ khuyến cáo, các địa phương tùy diễn biến dịch bệnh, điều phối hoạt động, không lơ là phòng, chống dịch đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, du lịch. Nhiều lễ hội đầu xuân như Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Hương, Hội Gióng…(Hà Nội) cũng chỉ tổ chức phần lễ. Tuy nhiên, người dân, du khách vẫn đổ về các điểm tham quan, di tích để dâng hương, đi lễ.

Đỉnh chùa Đồng vẫn khá đông du khách chiêm bái bởi địa thế nhỏ hẹp.

Dịp Tết hàng năm, lượng khách thường đổ về Yên Tử khá đông. Lễ hội Xuân Yên Tử là một trong những lễ hội xuân lớn và kéo dài nhất cả nước (khoảng 3 tháng), bắt đầu vào 10 Tết âm lịch. Năm nay, thực hiện các Công điện, Chỉ thị từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử không tổ chức khai hội Yên Tử vào mùng 10 tháng Giêng như thông lệ. Không mời đại biểu tới dự, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh thực hành nghi lễ tâm linh vào mùng 10 tháng Giêng trên non thiêng.

Dù lễ hội tạm dừng tổ chức, nhưng dịp Tết Nguyên Đán, lượng khách đến Yên Tử tăng nhiều so với hai năm qua. Theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, ước tính khoảng hơn 4 vạn lượt khách đổ về Yên Tử dịp đầu năm.

"Ngày đầu năm chỉ khoảng 1.500 khách tới Yên Tử, nhưng số khách các ngày sau tăng gấp đôi ngày trước, trong đó riêng mùng 5 đón 21.000 lượt. Mùng 6 tháng Giêng trời mưa rét làm ảnh hưởng tới lượng khách về du xuân hành hương giảm, chỉ còn khoảng 4-5.000 lượt khách", ông Dũng nói.

Đón khách trong bối cảnh phòng dịch, Ban Quản lý soạn nội dung tuyên truyền phòng, chống dịch với nguyên tắc 5K, quét mã QR phát trên loa ngay từ bến xe cho tới các điểm ở chùa Hoa Yên và các điểm ga cáp treo, cắt cử người thường trực tại các điểm thường xuyên nhắc nhở bà con tuân thủ đeo khẩu trang, khử khuẩn.

Mặc dù vậy, đỉnh chùa Đồng vẫn khá đông du khách chiêm bái bởi địa thế nhỏ hẹp. Nhiều người muốn tận tay chạm vào ngôi chùa linh thiêng bằng đồng nguyên khối trên độ cao 1068m. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định không có chuyện ách tắc ở chùa Đồng, bởi lượng khách hiện tại thua xa với thời cao điểm 5-7 vạn khách/ngày trước đó. Ban quản lý cũng lên phương án để cáp treo chạy chậm lại kéo dài thời gian trong trường hợp khách đông, kết hợp với phân luồng khách, đề nghị khách lần lượt vào lễ theo thứ tự./.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dung-to-chuc-le-hoi-dau-nam-nguoi-dan-van-tap-nap-di-du-xuan-a108797.html