CPI tăng không đáng kể
Khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo cập nhật đầu tiên của năm 2022 về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đi cùng một số dự báo cơ bản. Theo HSBC, sau một năm 2021 đầy vất vả, kinh tế Việt Nam “xông đất” năm 2022 bằng những bước đi vững chắc, có thể thấy rõ trong số liệu thống kê tháng 1. Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 mới vẫn gia tăng, Việt Nam đã không áp dụng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như trước.
HSBC dự báo mức lạm phát bình quân của năm 2022 lên 3% so với mức dự báo trước đây là 2,7%. Mức này cũng không cho thấy một rủi ro đáng kể cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vì vẫn còn thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% của Chính phủ.
Trước đó, tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2021 và dự báo 2022 do Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức đầu tháng 1/2022, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính Nguyễn Bá Minh cho biết, qua nghiên cứu, dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức từ 2% đến 3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra, là hoàn toàn khả thi.
Ông Nguyễn Bá Minh phân tích: Lý do khách quan là tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp; chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc, làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường quốc tế khó tăng, do đó, áp lực lạm phát năm 2022 sẽ không quá cao.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng việc kiểm soát lạm phát năm 2022 vẫn gặp nhiều khó khăn và không dễ dàng, CPI có thể tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm do kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng. Khi kinh tế phục hồi trong năm 2022, dưới tác động của các gói hỗ trợ và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả.
Do Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn. Phân tích về giải pháp kiểm soát, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng. Ngoài ra, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Song song với đó là theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu, đặc biệt là thời điểm cuối năm, cận Tết Nguyên đán để có các biện pháp điều tiết cung cầu phù hợp, tránh tình trạng giá có biến động đột biến khi nguồn cung gián đoạn từ việc tái đàn; kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là trong thời điểm Tết...
Đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, ông Ngô Trí Long cho rằng cần tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh được một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép.
Ảnh minh họa.
Nên đầu tư vào đâu?
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, trong năm 2022, lạm phát vẫn là yếu tố cần lưu tâm và quan sát. Trong thời gian tới, công ty chứng khoán này cũng lo ngại nguy cơ nhập khẩu lạm phát khi Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Tỷ trọng giá nguyên liệu nhập khẩu trên tổng chi phí nguyên liệu của toàn nền kinh tế là 37%, theo Bộ KH&ĐT.
VDSC cũng kỳ vọng nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ hỗ trợ phần nào cho VN-Index trước diễn biến thuận lợi của giá dầu. Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, các ngân hàng tư nhân cũng có cơ hội khi chúng tôi nhận định triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sẽ rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2022 khi các doanh nghiệp trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới cùng với các gói hỗ trợ tích cực của Chính phủ.
Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu như thép, bán lẻ, kho vận và xuất khẩu cũng được kì vọng sẽ thu hút dòng tiền và phần nào hỗ trợ nhịp tăng của thị trường.
Còn SSI Research lại cho rằng, phân bổ dòng vốn toàn cầu trong thời gian tới vẫn tập trung vào thị trường cổ phiếu. Khảo sát từ Bank of American Merill Lynch cho thấy 55% nhà quản lý quỹ tăng tỷ trọng vào cổ phiếu trong khi đó 77% giảm tỷ trọng trái phiếu.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lam-phat-2022-khong-dang-lo-ngai-voi-viet-nam-a110369.html