Gelex (GEX): Vay nợ lớn để đầu tư chứng khoán

Tăng vay nợ để đầu tư chứng khoán, tình hình tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (mã GEX) đang có những vấn đề cần lưu ý.

Nợ vay tăng mạnh

Gelex vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với kết quả kinh doanh khá khả quan. Theo đó, năm qua, doanh thu thuần hợp nhất đạt 28.769 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.054 tỷ đồng, tăng lần lượt 59% và 72% so với năm 2020.

Với kết quả này, Công ty hoàn thành kế hoạch doanh thu và vượt 60% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (1.285 tỷ đồng) đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua hồi đầu năm.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc Gelex, lợi nhuận hợp nhất của Công ty đột biến có nguyên nhân chủ yếu từ việc nâng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera lên mức chi phối từ quý II/2021 và được hợp nhất báo cáo tài chính của công ty con này.

Nợ phải trả của Gelex tăng 115% trong năm 2021, từ 18.937 tỷ đồng lên 40.680 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý IV/2021 của Gelex cho thấy, tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Công ty đạt 61.182 tỷ đồng, tăng 125% so với hồi đầu năm.

Đà tăng của tổng tài sản chủ yếu đến từ việc nợ phải trả tăng vọt 115%, từ 18.937 tỷ đồng lên 40.680 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Gelex đã cao gần gấp đôi vốn chủ sở hữu (20.502 tỷ đồng). Riêng năm 2021, công ty này đã đi vay hơn 32.000 tỷ đồng, sau đó trả nợ gốc vay hơn 25.000 tỷ đồng.

Trong số 29.868 tỷ đồng tài sản ngắn hạn tại thời điểm cuối năm 2021, có tới 11.604 tỷ đồng là hàng tồn kho, tăng gần bốn lần so với thời điểm đầu năm. Công ty cũng có khoản phải thu ngắn hạn lên tới hơn 5.000 tỷ đồng và đang phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi tới 536 tỷ đồng.

Đầu tư tài chính hơn 7.000 tỷ đồng

Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của Gelex là giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn dưới dạng chứng khoán kinh doanh (cổ phiếu, trái phiếu) đã tăng đột biến từ 1.617 tỷ đồng hồi đầu năm lên 7.054 tỷ đồng vào cuối năm. Trong đó, khoản đầu tư tài chính nằm chủ yếu ở trái phiếu doanh nghiệp, với giá trị gốc 6.324 tỷ đồng; giá trị đầu tư cổ phiếu là 729 tỷ đồng.

Năm 2021, Công ty ghi nhận 302 tỷ đồng lãi từ đầu tư chứng khoán, tăng 314% so với năm 2020.

Có thể thấy, để có dòng tiền phục vụ hoạt động kinh doanh và đầu tư tài chính, Gelex đã tăng cường vay nợ. Tại ngày 31/12/2021, doanh nghiệp có khoản nợ dài hạn gần 14.000 tỷ đồng (bao gồm gần 8.000 tỷ đồng nợ ngân hàng và 5.866 tỷ đồng dư nợ trái phiếu) và nợ ngắn hạn 8.149 tỷ đồng (trong đó gần 6.700 tỷ đồng nợ ngân hàng và 517 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán).

Chỉ trong tuần cuối tháng 12/2021, Gelex đã liên tục triển khai hai đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động tổng cộng 1.500 tỷ đồng. Bên mua trong cả hai đợt phát hành chỉ được tiết lộ là “một tổ chức tín dụng trong nước”.

Đây đều là lượng trái phiếu có kỳ hạn ba năm, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, lãi suất cố định 8,5%/năm trong năm đầu, sau đó điều chỉnh theo thị trường.

Toàn bộ trái phiếu này được bảo đảm bằng một số lượng cổ phần của các công ty con thuộc quyền sở hữu của Gelex như Viglacera, Công ty cổ phần Hạ tầng Gelex, Công ty cổ phần Thiết bị điện Gelex…

Trước đó, ngay sau khi thâu tóm Viglacera hồi tháng 5/2021, doanh nghiệp này đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Trong cả năm 2020, Gelex đã huy động 2.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, trong đó 2.200 tỷ đồng được dùng cho sản xuất - kinh doanh thông thường, 400 tỷ đồng còn lại dùng để góp vốn vào công ty con.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính lớn để đầu tư chứng khoán, nhưng lại không thuyết minh chi tiết trên báo cáo tài chính khiến cổ đông, nhà đầu tư khó đánh giá được khoản đầu tư.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/gelex-gex-vay-no-lon-de-dau-tu-chung-khoan-a110573.html