Chiều 14-2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Người dân xét nghiệm COVID-19 tại BV Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Có thể xem dịch COVID-19 là bệnh thông thường?
Tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi về quan điểm của ngành y tế TP.HCM đến thời điểm này đã có thể xem dịch COVID-19 là bệnh thông thường hay chưa?
Trả lời câu hỏi này, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết dịch COVID-19 không giống như sốt xuất huyết hay bệnh lý thông thường. “Còn sớm lắm để có thể coi nó như cúm mùa và xử lý như một bệnh lý thông thường” - bà Mai nói và cho rằng chúng ta cũng chưa hiểu nhiều về dịch COVID-19 và đây là dịch bệnh chưa có tiền lệ.
Chính vì thế, trong thời gian tới, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo cần duy trì tốt các biện pháp phòng chống dịch như thời gian qua. Cùng với đó, cần tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân tại TP.HCM để tạo được miễn dịch cộng đồng tốt nhất; sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi khi Bộ Y tế có hướng dẫn và mở rộng bảo vệ các đối tượng nguy cơ cao.
Về phía người dân, để giảm được nguy cơ mắc bệnh và hỗ trợ tốt nhất phòng chống dịch, bà Mai khuyến cáo cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp 5K; đặc biệt các phụ huynh cần động viên, hướng dẫn cho trẻ khi cơ quan y tế địa phương mời đi tiêm ngừa. “Khi người dân nghi nhiễm bệnh nên đến cơ sở y tế tư vấn hoặc xét nghiệm để xác định có nhiễm bệnh hay không và có phương pháp điều trị kịp thời. Khi tự test nhanh tại nhà có kết quả dương tính phải báo cho trạm y tế để được hướng dẫn và cấp phát thuốc” - bà Mai đề nghị.
Trả lời câu hỏi về nguy cơ của dịch COVID-19 đối với trẻ em, bà Mai cho biết các chuyên gia dịch tễ nhận định dịch này còn rất mới và rất sớm để nói về tác động với trẻ em. Nhưng qua theo dõi tại TP.HCM, trẻ mắc COVID-19 thường không có diễn biến nặng và ít tử vong hơn so với người lớn tuổi.
Tuy nhiên, bà Mai cho rằng cần có cảnh giác đối với trẻ suy dinh dưỡng, có bệnh nền… vì có thể trạng yếu nên có nguy cơ cao hơn khi mắc COVID-19. Để bảo vệ nhóm này, bà Mai khuyến cáo các phụ huynh cần nhắc nhở các con thực hiện các biện pháp 5K và tiêm vaccine ngay khi triển khai như bà nêu ở trên.
Trong bảy ngày qua, số ca tử vong do COVID-19 tại TP.HCM rất thấp. Cụ thể, ngày 8-2 có ba ca tử vong, trong đó có hai ca từ các tỉnh chuyển về. Ngày 9-2 có ba ca tử vong, đều từ các tỉnh chuyển về. Ngày 10-2 có bốn ca thì trong đó có ba ca từ các tỉnh chuyển về... Đáng chú ý, ngày 14-2 có một ca tử vong từ tỉnh khác chuyển về.
Dự kiến tiêm vaccine cho khoảng 970.000 trẻ 5-11 tuổi
Trả lời về kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chi tiết về kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi.
Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM đã tham mưu cho UBND TP về kế hoạch tiêm ngay khi có thể triển khai. “Hiện nay, trẻ sinh sống tại TP.HCM 5-11 tuổi có khoảng 970.000 em. Trong số này, 950.000 trẻ đã đi học, 20.000 trẻ chưa đi học. Dự kiến 30 ngày sau khi tiêm mũi 1, trẻ sẽ được tiêm mũi 2” - ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, trong thời gian chờ triển khai, trung tâm đã tập huấn, hướng dẫn các địa phương giám sát công tác tiêm chủng, bảo quản vaccine và xử lý những trường hợp tai biến để có thể chuẩn bị tốt nhất khi triển khai tiêm cho trẻ. Trong trường hợp gia đình trẻ không đồng thuận, về nguyên tắc, trẻ vẫn được đi học bình thường chứ chúng ta không có quyền không cho trẻ đi học. Tuy nhiên, địa phương, nhà trường và ngành y tế sẽ cố gắng thuyết phục phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine.
Trả lời câu hỏi đánh giá sau một tuần trở lại làm việc sau tết Nguyên đán, ông Tâm cho biết trước tết, số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn giảm rất mạnh, có lúc xuống 24 ca/ngày. Tuy nhiên, sau tết, do hoạt động đi lại, giao lưu được tăng cường nên số ca có tăng trở lại, mức cao nhất khoảng 300 ca/ngày. “Trong dịp tết có sự nhích lên, tuy nhiên khoảng hai tuần nay, số ca tử vong gần như giảm rất thấp. Đây là tín hiệu rất lạc quan” - ông Tâm nói.
Tuy nhiên, theo ông Tâm, sắp tới với việc trẻ đi học lại sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Do đó, ngành giáo dục và y tế TP.HCM phải luôn cảnh giác và chuẩn bị tốt nhất về quy trình xử lý, giám sát khi có F0, F1 để cố gắng không để xảy ra lây lan dịch trong nhà trường.•
Hơn 924.000 người ở ba quận, huyện chưa nhậngói hỗ trợ COVID-19 đợt 3
Trả lời câu hỏi liên quan đến gói hỗ trợ người ảnh hưởng dịch COVID-19 đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết đến nay, TP.HCM còn 924.098 người ở ba quận, huyện là quận Bình Tân, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh chưa nhận được gói hỗ trợ.
Lý giải nguyên nhân chưa chi trả tiền hỗ trợ, ông Lâm cho biết do ba địa phương này đa số là dân nhập cư đông, biến động cư dân nhiều nên phải chờ rà soát, thống kê để tiếp tục chi trả. Hiện nay, ba địa phương này tiếp tục rà soát, thống kê số lao động trên địa bàn để tiếp tục chi hỗ trợ. Kinh phí tương đương với số người chưa nhận này hơn 924 tỉ đồng (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người).
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tphcm-chua-coi-dich-covid-19-la-benh-thong-thuong-a110792.html