Tính từ 16h ngày 13/2 đến 16h ngày 14/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 của Việt Nam đã ghi nhận 29.413 F0 mới. Trong đó, 29.403 trường hợp được ghi nhận trong nước.
Đây là lần đầu tiên từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam ghi nhận số người dương tính với SARS-CoV-2 vượt mức 29.000 trường hợp. Số ca nhiễm nCoV của cả nước tiếp đà tăng nhanh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Đáng chú ý, số ca mắc Covid-19 trong khoảng thời gian này tập trung nhiều tại các địa phương thuộc khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ, tiêu biểu là Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An.
Tuy nhiên, số người tử vong do Covid-19 vẫn đang ở ngưỡng dưới 100 trường hợp. Đây có thể xem là dấu hiệu tích cực cho thấy nguy cơ về dịch không còn quá lớn.
Hà Nội lần đầu vượt mức 3.500 ca mắc mới
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tối 14/2, địa phương này vừa ghi nhận thêm 3.507 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Hà Nội đã có tổng cộng 175.245 ca mắc Covid-19 tính từ ngày 29/4/2021 đến nay.
Trong thời gian qua, địa phương này luôn dẫn đầu cả nước về số người nhiễm nCoV. Hà Nội cũng nằm trong nhóm 5 địa phương có số ca mắc Covid-19 tích lũy cao nhất trong đợt dịch lần này, bên cạnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất ngày 13/2, cho thấy Hà Nội có 508 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.
Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 2.072 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 595 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (giảm 1% so với trung bình 7 ngày trước).
Trong đó, 517 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 20 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 20 người thở máy không xâm lấn, 35 ca thở máy xâm lấn, 2 bệnh nhân được lọc máu và một trường hợp phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến ngày 11/2, thành phố không ghi nhận phường, xã, thị trấn nào có mức độ dịch ở cấp độ 3 và 4 (vùng cam và đỏ) trong vòng một tuần qua. So với trước đó, 9 phường, xã đã kiểm soát dịch từ cấp độ 3 về cấp độ 2 (màu vàng).
Đại diện Sở Y tế Hà Nội vừa qua cũng đã nhận định thành phố có thể ghi nhận số ca mắc tăng trong thời gian này, sau Tết Nguyên đán. Công tác chống dịch của thành phố vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong nằm trong tầm kiểm soát.
Thời gian tới, việc thành phố mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như vận tải, du lịch, giao thương quốc tế,… có thể dẫn đến nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập mạnh. Vì thế, các địa phương cần theo dõi sát, áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để bảo đảm việc phục hồi phát triển kinh tế và an ninh y tế.
TP.HCM cẩn trọng
Ngày 14/2, TP.HCM ghi nhận thêm 285 ca mắc Covid-19 mới. Trong thời gian qua, số người dương tính với SARS-CoV-2 tại địa phương này cũng cho thấy dấu hiệu tăng nhẹ khi từ ngưỡng hơn 20 ca (ngày 5/2) đã về mức gần 300 trường hợp.
Chiều 14/2, tại buổi họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, vẫn cho rằng Covid-19 không giống bệnh lý thông thường.
“Còn quá sớm để có thể coi Covid-19 như cúm mùa và xử lý giống một bệnh lý thông thường”, bà Mai nhận định.
Về nguy cơ của Covid-19 với trẻ em, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết các chuyên gia dịch tễ nhận định dịch Covid-19 còn khá sớm để nói về tác động với trẻ em. Nhưng qua theo dõi tại TP.HCM, trẻ mắc Covid-19 thường không có diễn biến nặng và ít tử vong hơn so với người lớn tuổi.
Tuy nhiên, các trẻ suy dinh dưỡng, có bệnh nền,… cần rất chú ý vì có thể trạng yếu nên có nguy cơ cao hơn khi mắc Covid-19. Để bảo vệ nhóm này, bà Mai khuyến cáo các phụ huynh cần nhắc nhở các con thực hiện 5K và tiêm vaccine ngay khi đến lượt.
Liên quan việc tiêm vaccine cho trẻ em 5-11 tuổi, Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chi tiết về kế hoạch này. Tuy nhiên, Sở Y tế TP đã tham mưu UBND TP.HCM về kế hoạch tiêm ngay khi có thể triển khai.
Theo ông Tâm, trẻ sinh sống tại TP.HCM từ 5 đến 11 tuổi có khoảng 970.000 em. Trong số này, 950.000 trẻ đã đi học, 20.000 trẻ chưa đi học. 30 ngày sau khi tiêm mũi 1, trẻ sẽ được tiêm mũi 2.
Trong thời gian chờ triển khai, HCDC đã tập huấn, hướng dẫn địa phương giám sát công tác tiêm chủng, bảo quản vaccine và xử lý những trường hợp tai biến… Trong trường hợp gia đình không đồng thuận, về nguyên tắc, trẻ vẫn được đi học bình thường. Tuy nhiên, địa phương và ngành y tế cố gắng thuyết phục phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine.
Số ca mắc tăng cao tại miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ
Toàn bộ 10 địa phương có số ca nhiễm nCoV trên 1.000 người và nằm trong nhóm cao nhất cả nước sau 24 giờ qua đều thuộc khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Cụ thể, Hải Dương có ngày thứ 2 liên tiếp xếp sau Hà Nội về số người dương tính với nCoV. Địa phương này cũng ghi nhận tới 1.915 ca mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ qua. Số lượng này cũng liên tiếp tăng trong thời gian qua, đặc biệt sau thời gian Tết Nguyên đán.
Số ca mắc covid-19 tại Hải Dương trong 7 ngày qua | ||||||||
Nguồn: Bộ Y tế | ||||||||
Nhãn | 8/2 | 9/2 | 10/2 | 11/2 | 12/2 | 13/2 | 14/2 | |
Số ca mắc Covid-19 | ca | 1245 | 1120 | 1329 | 1447 | 1681 | 1906 | 1915 |
Hải Phòng trong ngày 14/2 cũng ghi nhận 1.1489 ca mắc Covid-19. Thành phố hiện xếp thứ 5 cả nước về số ca mắc Covid-19 trung bình trong 7 ngày qua với 1.322 trường hợp dương tính mỗi ngày.
Sáng 14/2, cơ sở giáo dục các cấp ở Hải Phòng đồng loạt mở cửa đón học sinh trở lại học trực tiếp sau thời gian dài nghỉ chống dịch Covid-19 và Tết Nguyên đán.
Báo cáo nhanh của Sở GD&ĐT Hải Phòng cho thấy chỉ có 15% trẻ mầm non (16.346) và 28% học sinh tiểu học (53.473) đến trường.
Một số trường mầm non không có học sinh nào tới lớp. Trường Mầm non Hoa Động (huyện Thủy Nguyên) chỉ có 37 trẻ em có mặt.
10 địa phương có số lượng F0 cao nhất trong 7 ngày qua | |||||||||||
Nguồn: Bộ Y tế | |||||||||||
Nhãn | Hà Nội | Nghệ An | Hải Dương | Nam Định | Hải Phòng | Bắc Ninh | Thái Nguyên | Vĩnh Phúc | Đà Nẵng | Thanh Hóa | |
Trung bình số F0 trong 7 ngày | ca | 3011 | 1567 | 1520 | 1343 | 1322 | 1018 | 917 | 905 | 888 | 861 |
Nghệ An đứng thứ 4 cả nước về số ca mắc mới với 1.385 trường hợp dương tính. Trong hơn một tuần qua, số người nhiễm nCoV của địa phương này luôn ở mức trên 1.000 ca.
Mới đây, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh cho rằng bên cạnh các kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong công tác cách ly y tế, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và tiếp nhận, theo dõi F0 tại nhà, nơi lưu trú. Cùng với đó, do tình hình dịch phức tạp nên một số thời điểm, có đơn vị chưa quan tâm đúng mức về công tác phát triển chuyên môn kỹ thuật tại tuyến huyện.
Về công tác tiêm chủng, lãnh đạo sở y tế yêu cầu phải đảm bảo 24/24 tất cả điểm tiêm có cán bộ tiêm, các đơn vị phải chủ động tham mưu Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng Covid-19 cấp huyện để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Bổ sung quy định mở lại karaoke, vũ trường và sẵn sàng cho hoạt động du lịch
Ngày 14/2, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) trả lời Công văn số 353/BVHTTDL-VHCS ngày 28/1 về việc góp ý dự thảo Công văn tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ VHTTDL cân nhắc bổ sung vào nội dung dự thảo một số nội dung. Trước hết, việc hoạt động trở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cần căn cứ trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực có hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Bên cạnh đó, nơi thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường thường là nơi có không gian kín nên dễ xảy ra lây nhiễm Covid-19. Do vậy, khi hoạt động trở lại cần tăng cường các biện pháp vệ sinh, phòng chống lây nhiễm tại khu vực cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường (khử khuẩn, thông khí,…).
"Với người tham dự cần thực hiện nghiêm 5K, tiêm phòng vaccine đủ liều, không cung cấp dịch vụ cho người đang có các triệu chứng mắc Covid-19 (ho, sốt…)", Bộ Y tế lưu ý.
Đồng thời, địa phương, nơi cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường cần có kế dự phòng, đáp ứng với các tình huống dịch bệnh có thể xẩy ra trong khu vực cung cấp dịch vụ để khoanh vùng gọn, không để lây lan rộng ra cộng đồng (nếu ghi nhận ổ dịch).
Khách du lịch nội địa chụp ảnh check-in tại vườn hoa này nằm trong khu farmstay ở Ngọc Lãng, Tuy Hòa, Phú Yên. Ảnh: Anh Tú. |
Mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã trình Thủ tướng phương án mở cửa hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới.
Một trong những cơ sở quan trọng cho việc này là Việt Nam đã trở thành một trong 6 nước có độ bao phủ vaccine lớn nhất thế giới. Vì vậy, cơ quan này đề xuất sớm mở cửa để khôi phục hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’’.
Theo đó, yêu cầu được bộ đặt ra là xác định cụ thể thời gian, đối tượng, yêu cầu mở cửa hoạt động du lịch.
Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình an toàn, phù hợp, không cầu toàn nhưng không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ.
Bộ đề xuất Thủ tướng phương án từ nay đến 14/3 tiếp tục triển khai chương trình thí điểm giai đoạn 2 đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Từ 15/3, mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong bối cảnh bình thường mới bằng đường không, đường bộ, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với thời gian triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/so-ca-covid-19-tai-ha-noi-va-ca-nuoc-cao-nhat-ke-tu-khi-bung-phat-dich-a110797.html