Trước khi rời đi, trong cơn mưa chiều ngút ngái, từ những bóng nước tan tành, trong thẳm sâu đôi mắt của cư dân Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM), tôi thấy như dềnh lên câu hỏi liệu rằng khi nào sẽ thoát cảnh mắc kẹt giữa siêu Dự án Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa? Một câu hỏi mà gần 30 năm qua, vẫn chưa thấy được bóng dáng câu trả lời!
______________________
Trong một số cảnh phim, những kẻ bắt cóc sẽ bịt mắt nạn nhân trước khi đưa đến một địa điểm nào đó, để nạn nhân không biết mình được đưa đi đâu. Một ngày, nếu bạn bị làm vậy trước khi được đưa đến bán đảo Thanh Đa, tôi hồ nghi rằng, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn để biết mình đang ở đâu sau khi được tháo khăn bịt mắt.
Đầu tiên, khi còn nhiều hoảng sợ, lại thấy xung quanh toàn cỏ cây, đầm lầy hay nhà cửa xập xệ, có thể trong đầu bạn sẽ hình thành một câu hỏi: “Tôi đang ở một vùng quê nào đây?”. Nhưng khi bạn hít một hơi thật sâu, lấy lại chút bình tĩnh và quan sát, thấy gần gần là những tòa nhà cao tầng, rồi kỹ càng chút nữa, thấy tòa tháp Land Mark 81, thì có thể bạn sẽ ngạc nhiên: “Ủa, tôi đang ở Sài Gòn hay sao?”.
Chắc chắn là vậy! Vì bạn đang đứng trên mãnh đất đang gáng chịu hệ quả của một dự án treo kéo dài gần 30 năm.
Phía bên kia bờ sông, là quận 2 cũ, giờ là một phần của thành phố Thủ Đức, là những tòa nhà cao, xe cộ nhộn nhịp. Còn bên này sông, nơi tôi đang đứng, là một cái ao sình, rộng ra chút nữa, là cây cối um tùm. Gần 30 năm trước, hai bờ sông này là “thôn quê” như nhau. Nên khi nghe tin thành phố quy hoạch làm khu du lịch sinh thái với số vốn trên 30.000 tỷ đồng, cư dân bán đảo Thanh Đa có quyền nghĩ “mai mốt mình sẽ hơn bên kia”. Nhưng sau gần 30 năm, thì ngược lại!
Men theo con đường nhỏ, qua hàng dừa, tôi bắt gặp hai người phụ nữ đang ngồi nói chuyện, cả hai đều là con dâu bán đảo Thanh Đa. Phía bên kia bờ lưới B40, bà Quỳnh Thị Phường (58 tuổi) đưa ra hai dữ kiện: sau 2 năm cưới chồng thì có con; và con trai đầu năm nay 29 tuổi, thì đi đến kết luận: “Là cô làm dâu ở đây được 31 năm rồi”.
Ngày chập chững về làm dâu, bà Phường đã nghe nói chuẩn bị làm dự án, đến năm 1992 thì biết có thông tin quy hoạch làm dự án. Nhưng mãi vẫn không thấy cái dự án này trắng đen, dài ngắn thế nào. Mà chỉ biết, khi con cái của bà lớn lên, lập gia đình, muốn làm lại cái nhà mới thay thế căn nhà cũ kỹ làm vài chục năm trước, nhưng không được, vì vướng quy hoạch.
Bên này, bà Bùi Thị Huệ (48 tuổi) thì hài hước với tôi. Rằng trước khi về làm dâu, bà đã nghe cái dự án này sắp làm. Khi về làm dâu, và suốt hơn 20 năm qua, bà vẫn nghe dự án sắp làm. Đến lượt con gái bà đi làm dâu, mà dự án vẫn còn “treo” lơ lửng. “Có khi nào cháu ngoại tôi đi làm dâu mà dự án vẫn ở tình trạng sắp làm không ta?”, bà Huệ trêu.
Ông Tư Trung, tên đầy đủ là Nguyễn Tấn Trung (61 tuổi) nói rằng đời sống của họ trở nên bất an vì dự án “treo” kéo dài.
Đằng đẵng từ năm 1992, họ đã quá mệt mỏi mỗi khi nghe nói đến, hay nhắc về dự án này. “Có hai vấn đề mà chúng tôi ngóng mãi vẫn chưa thấy chính quyền làm được. Là cần quy hoạch cụ thể, nhanh, gọn, lẹ; còn nếu không có nhà đầu tư nào đủ năng lực, thì xóa quy hoạch”, ông Trung bày tỏ. Riêng cái cụm từ “xóa quy hoạch”, ông Tư Trung nhất mạnh, như kiểu muốn cư dân ở đây được giải thoát khỏi vũng lầy dự án “treo” này.
Năm 1992, bán đảo Thanh Đa được quy hoạch làm Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa với diện tích khoảng 426ha, kỳ vọng trở thành khu đô thị đầy đủ chức năng với dân số khoảng 41.00 người. Trong bản phác thảo ấy, những người làm quy hoạch còn vẽ thêm chiếc cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với trung tâm thành phố.
Nơi mà cây cầu dự định bắc qua, khi ấy cũng đang nhen nhóm là đô thị mới. Sau gần 30 năm, trong khi nơi này trở nên sầm uất, thì bên này cây-cầu-trong-bản-vẽ vẫn còn như một vùng quê hẻo lánh. “Là nói vậy để ít nhiều trôi đi bức xúc, vì ở miền quê, ít ra còn được xây dựng nhà cửa để ở cho đàng hoàng, chứ đâu phải chịu cảnh ương ương như vầy. Mang tiếng dân thành phố gì đâu…”, tôi nhớ lời bà Huệ.
“Vẽ” dự án xong, mãi 12 năm sau, tức đến năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư. Nhưng vì năng lực thiếu, nên công ty này không triển khai được và bị chính quyền thành phố thu hồi quyết định. 6 năm sau, dự án được giao cho một đơn vị khác để thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000. Nhưng phải đợi thêm 5 năm nữa, là cuối năm 2015, dự án này mới được UBND TP.HCM chỉ định nhà đầu tư cho liên danh Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai) với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án trong 50 năm.
Vậy mà vừa bước qua giữa năm 2017, Emaar Properties PJSC thông báo rút lui, để lại Bitexco chơ vơ với dự án, còn cư dân Thanh Đa lại thêm phần chưng hửng giữa tiếng côn trùng réo lên mỗi đêm về. Và, cuối năm 2018, trong lúc họ gần như tặc lưỡi, thì nghe thông tin có một nhà đầu tư sẵn sàng ứng trước 3 tỷ USD để triển khai.
Đó cũng là năm mà ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM (nay là Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương), đứng trước HĐND thành phố đã nói rằng để dự án “treo” là có lỗi của chính quyền thành phố. Lần ấy, ông Phong cũng đưa ra cam kết với đại biểu là sẽ giải quyết dứt điểm dự án ở Thanh Đa. “Nhưng đến giờ có nghe rục rình gì đâu. Ngó qua bên kia sông Sài Gòn, cũng thế thôi!”. Ý ông Tư Trung là Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Rồi nửa như giãi bày, nửa như muốn hỏi: “Làm thì làm nhanh, còn không làm thì thôi, tuyên hủy quy hoạch cho chúng tôi nhờ. Có như vậy mà không sòng phẳng với chúng tôi được hay sao?”.
Bao nhiêu năm đợi câu trả lời cho câu hỏi trên, là bấy nhiêu năm mà khoảng 3.100 hộ dân trên bán đảo Thanh Đa phải sống trong khổ sở, vì vướng quy hoạch, họ gặp muôn vàn khó khăn với chỗ ở của mình. Thử nghĩ đến việc sửa cái nhà vệ sinh, hay xử lý vách nhà bị thấm do triều dâng mà phải trầy trà trầy trật, thì biết sự nhiêu khê họ làm khốn khổ như thế nào.
Ông Tư Trung đưa mắt về phía chuồng bò: “Nhà có mấy đứa con, lớn lên, lập gia đình, muốn cơi nới thêm cho vợ chồng con cái ở, nhưng chịu! Phường có linh động, là bắt viết cam kết sẽ không đòi bồi thường những phần ấy nếu dự án đi vào thực hiện. Cho là cũng được đi, nhưng đâu biết khi nào làm dự án đâu. “Treo” mấy năm nay, bữa trước viết cam kết rồi sửa nhà, đùng phát bữa sau làm dự án, thì coi như toi tiền sửa nhà à? Chúng tôi làm gì có nhiều tiền!”.
“Chúng tôi làm gì có nhiều tiền” là câu mà nhiều người ở đây đem ra nói, khi tôi hỏi chuyện. Vì nếu có nhiều tiền, họ mới dám làm cuộc đánh cược là viết cam kết để làm hay sửa nhà. Nhưng phần lớn cư dân ở đây, là không nhiều tiền, thậm chí là ít tiền. Nhiều tiền sao được, khi họ chuyển từ làm nông sang làm công nhân và đủ thứ nghề đụng khác. Ông bà nói có sai bao giờ đâu, muốn lạc nghiệp thì phải an cư.
Và vì cái “cư” không “an”, nên không nhiều người có nhiều tiền, nên mới có nhiều căn nhà lụp xụp có những thế hệ sống chen chúc trong đấy. Xen kẽ trong hàng mớ căn nhà lụp xụp ấy, là những căn nhà, hay nền nhà bỏ hoang. “Đó là của những người tích cóp được chút tiền và chọn cách rời đi, tìm nơi khác sống”, ông Tư Trung giải thích.
“Nghĩa là họ bỏ những căn nhà, nền đất đó luôn?”, tôi hỏi. “Không, là họ bỏ mặc vậy thôi, vì họ rất cần căn nhà cho đàng hoàng, nhưng dự án treo lại khiến họ không thể, dù có khả năng gắng gượng về tài chính”, ông Tư Trung giải thích. Là có thể hiểu, thay vì ngắc ngoải sống trong dự án “treo”, họ tìm cách thoát khỏi nó như một phương án chẳng đặng.
UBND quận Bình Thạnh cho biết việc cấp phép xây dựng tại khu vực phường 28 được giải quyết theo Luật Xây dựng và Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 20/6/2017 của UBND TP.HCM. Việc chuyển đổi mục đích sẽ được xem xét giải quyết theo Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014. Ngoài ra, đối với các hộ dân có nhu cầu sửa chữa nhà, UBND quận Bình Thạnh và phường 28 sẽ xem xét, giải quyết theo quy định.
Hiện dự án đã được Sở KH&ĐT TP.HCM tham mưu, đề xuất việc tổ chức, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thự hiện dự án. “UBND quận Bình Thạnh mong sớm lựa chọn được nhà đầu tư để xây dựng Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa nhanh được triển khai thực hiện”, UBND quận Bình Thạnh phản hồi với Ngày Nay khi được hỏi về mong muốn của quận đối với dự án.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/khu-do-thi-sinh-thai-binh-quoi-thanh-da-ba-muoi-nam-ngoac-ngoai-cuoc-cho-a111155.html