Việt Nam vừa đánh dấu cột mốc quan trọng khi mọi rào cản với tần suất bay quốc tế được gỡ bỏ hoàn toàn từ 15/2 sau hơn một năm hoạt động dè chừng vì đại dịch. Học sinh các cấp tại TP.HCM và Hà Nội cũng bắt đầu được đến trường học.
"Trở lại bình thường như trước dịch" là cụm từ được nhiều người dân miêu tả về những ngày sau Tết Nguyên đán.
Khi các biện pháp hành chính nhằm giới hạn hoạt động tụ tập đông người và nguy cơ lây nhiễm cao kết thúc, câu hỏi đặt ra là liệu đã đến lúc chúng ta có thể coi Covid-19 như một bệnh thông thường, hoặc bệnh đặc hữu, thay vì đại dịch?
Ý kiến trái chiều
TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (Đại học Sydney, Australia) và bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng chung quan điểm còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh thông thường.
Bác sĩ Hùng phân tích để dịch bệnh chuyển sang bệnh thông thường hoặc bệnh đặc hữu thì phải có đầy đủ "vũ khí" điều trị, kiểm soát được bệnh, và quan trọng hơn cả là tiên lượng được số lượng ca bệnh theo từng mùa. Ví dụ ngành y tế có thể dự đoán số ca cúm mùa mỗi năm và số bệnh nhân nhập viện. Nếu chưa thể tiên lượng thì chưa thể coi là bệnh thông thường.
Tại Việt Nam hiện nay, số ca mắc Covid-19 vẫn gia tăng rất mạnh, lên tới 36.000 ca/ngày vào 17/2, và chưa thể dự đoán được số ca bệnh như các bệnh đặc hữu khác. Chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh khả năng lây lan rộng và tỷ lệ mắc bệnh còn quá cao vừa ảnh hưởng đến sức lao động của xã hội, vừa tiềm ẩn nguy cơ tạo ra đột biến mới.
“Với 2 tác hại này thì cần cảnh giác sự bùng phát của đợt dịch mới diễn tiến nặng hơn. Sau khi chích ngừa, tỷ lệ tử vong không cao nên người dân có vẻ bỏ quên chuyện cảnh giác, phòng ngừa”, ông nhận định.
Đáng chú ý, bác sĩ Hùng cảnh báo số ca nhiễm hiện tại có thể chưa phải con số thực. Thông qua tư vấn cho nhiều F0, ông cho biết hầu hết các trường hợp này không báo cáo với địa phương mà chỉ tự điều trị tại nhà. Điều này cho thấy bức tranh về dịch Covid-19 có thể chưa được đánh giá sát thực tế.
Chuyên gia cảnh báo người dân đang có tâm lý chủ quan với dịch bệnh. Ảnh: Chí Hùng. |
Có quan điểm tương tự, TS Nguyễn Thu Anh lý giải biến thể mới thường xuất hiện khi có sự nhân lên của virus. Với tốc độ lây nhiễm hiện nay, Covid-19 lây lan liên tục với tốc độ cực nhanh nên khả năng tạo ra biến thể mới là rất cao.
Xu hướng từ biến thể Alpha tới Delta và Omicron là khả năng lây truyền tăng nhưng độc lực giảm. Do đó, bà hy vọng các biến thể sau Omicron sẽ ít “nguy hiểm” hơn, nhưng không thể loại trừ 100% nguy cơ xuất hiện biến thể mới gây bệnh nặng.
“Nhờ có vaccine và thuốc điều trị mà Covid-19 đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 luôn gây ra những thay đổi rất bất ngờ. Loài người liên tục trở tay không kịp nên chúng ta không thể chủ quan”, bà nói.
Nếu “hành vi” của biến thể mới giống như Omicron thì có thể coi đây là một “bệnh truyền nhiễm thông thường”, chứ không phải bệnh thông thường. Còn nếu biến thế mới gây tử vong hoặc bệnh nặng cao, hậu quả tới sức khỏe lớn thì cần thay đổi chiến lược ứng phó.
Tốc độ lây nhiễm càng cao thì càng dẫn đến nguy cơ xuất hiện biến chủng mới. Ảnh: Chí Hùng. |
Chia sẻ góc nhìn khác, PGS.TS Vũ Minh Phúc, nguyên Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng đã đến lúc có thể coi Covid-19 là bệnh thông thường và chuyển dịch bệnh này từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.
Trước băn khoăn về việc tốc độ lây lan nhanh dẫn đến nguy cơ xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn trước, bác sĩ Phúc cho rằng số ca nhiễm hiện nay cao nhưng cần nhìn vào tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong xem có tăng hay không.
“Nếu bệnh viện quá tải mới đáng lo. Còn nếu không, nhiều người nhiễm sẽ giúp đạt miễn dịch cộng đồng”, bà Phúc nói.
Chuyên gia phân tích bản chất của virus là đột biến và theo chiều hướng thích nghi để có lợi cho nó và kháng lại các loại thuốc được sản xuất để “tiêu diệt” nó. Đó là lý do các loại thuốc chích ngừa thay đổi mỗi năm và người dân phải tiêm lại vaccine theo một chu kỳ cụ thể. Ví dụ vaccine cúm phải tiêm nhắc hàng năm; viêm gan phải tiêm lại mỗi 5 năm; viêm não Nhật Bản tiêm lại mỗi 3 năm...
Bà cho rằng con người sẽ luôn phải chạy theo virus nên "lo cũng không làm được gì” mà quan trọng là cần thích nghi. Cụ thể là liên tục phát triển thuốc chủng ngừa mới để phù hợp với sự đột biến của virus.
Không chỉ Việt Nam, cả thế giới cũng lúng túng
Trước những quan điểm chưa thống nhất về việc đã nên coi Covid-19 là bệnh thông thường, TS Nguyễn Thu Anh chia sẻ không chỉ Việt Nam mà cả thế giới cũng lúng túng và đang cân nhắc xem nên gọi Covid-19 là “pandemic” (đại dịch toàn cầu) hay “endemic” (bệnh đặc hữu).
Hiện, định nghĩa “pandemic” vẫn phù hợp với Covid-19 vì có đủ các yếu tố như số ca nhiễm nhiều, xuất hiện ở nhiều quốc gia, lây từ người sang người. Định nghĩa này không nói gì đến mức độ nặng, nhẹ của bệnh và tác động lên sức khỏe cộng đồng.
Khi thế giới chưa có câu trả lời về vấn đề này, TS Thu Anh cho rằng định nghĩa không quan trọng bằng việc hiểu bản chất vấn đề.
Thứ nhất, với những biến thể Covid-19 đang lưu hành và các loại vaccine, thuốc điều trị Covid-19 hiện có thì tác động của Covid-19 đến sức khỏe là không lớn, có thể quản lý được. Điều đó có nghĩa cần phải nới lỏng các biện pháp quản lý, phòng chống dịch. Thứ 2 là Covid-19 đã lây lan rất sâu, việc loại virus ra khỏi cộng đồng là bất khả thi nên cần chấp nhận và chuyển qua quản lý rủi ro thay vì loại trừ Covid-19 ở thời điểm này.
Vaccine vẫn là "vũ khí" hiệu quả để bảo vệ người dân khỏi SARS-CoV-2. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Nếu chấp nhận Covid-19 trong cộng đồng thì phải mở cửa các hoạt động như trường học, kinh doanh, sản xuất, du lịch… và áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động của Covid-19 lên số ca bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, biện pháp ở đây không phải khoanh vùng, dập dịch, phong tỏa, cách ly…
Các biện pháp cần ưu tiên là: Đảm bảo những người có nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong do Covid-19 được bảo vệ bởi vaccine, được tiếp cận thuốc điều trị sớm và hiệu quả, người có bệnh nền được điều trị và quản lý bệnh nền ổn định. Người bị nhiễm vẫn cần tự cách ly trong giai đoạn có triệu chứng hô hấp để hạn chế lây bệnh cho người khác, góp phần giữ số bệnh nhân phải nhập viện trong giới hạn năng lực của hệ thống y tế.
“Phải nhận thức là Covid-19 đã, đang và sẽ hiện diện trong cộng đồng; vẫn sẽ có người bị tử vong hoặc bị ảnh hưởng tới sức khỏe khi mắc Covid-19. Vì thế, chúng ta không được mặc kệ dịch bệnh mà phải quản lý rủi ro, nhưng cách quản lý đã và cần tiếp tục thay đổi”, bà nói và nhấn mạnh cần luôn chuẩn bị cho một tương lai chưa biết chắc sẽ thế nào.
Khi nào có thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu?
Hiện, Việt Nam đang thuộc top 20 quốc gia có tỷ lệ chích ngừa tốt nhất thế giới. Với thành quả này, bác sĩ Lê Quốc Hùng cho rằng Việt Nam nên duy trì các mức độ phòng, chống dịch tối thiểu trong 2-3 tháng nữa và kỳ vọng dịch có thể ổn định hẳn.
Cùng quan điểm, bà Thu Anh khuyến nghị cần thêm thời gian để khẳng định chắc chắn rằng sau đợt bùng phát gây ra do Omicron, số ca bệnh nặng và tử vong duy trì ở mức thấp trong thời gian tương đối dài - 6 tháng hoặc một năm. Sau đó cần tiếp tục theo dõi hàng năm xem các đợt bùng phát dịch có bất thường hoặc theo mùa không.
“Khi không thấy số ca nhập viện, ca tử vong tăng cao đột biến nữa thì mới có thể tự tin là kiểm soát được. Nhưng như thế không có nghĩa là buông. Các nhà khoa học vẫn phải theo dõi, giám sát để xem có những biến thể mới sau đấy hay không, và tác động của các biến thể này tới sức khỏe cộng đồng về lâu dài là thế nào”, bà nói.
Chuyên gia nhấn mạnh thận trọng không đồng nghĩa với việc phản ứng cực đoan, duy trì các biện pháp hành chính quá mức. Điều quan trọng là cần chuẩn bị cho các kịch bản theo các hướng khác nhau trong tương lai ngắn và dài hạn.
Người cao tuổi là nhóm nguy cơ cao cần được bảo vệ khỏi dịch Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đề xuất phương hướng chống dịch thời gian tới, TS Nguyễn Thu Anh chia sẻ quan điểm việc đầu tiên cần làm là tuyên truyền để người dân tiếp tục đeo khẩu trang nơi đông người, đặc biệt là khu vực kín, tiêm vaccine khi chưa đủ liều và xét nghiệm Covid-19 khi có triệu chứng nghi mắc.
Hai là cần đón chờ các loại vaccine mới. Việt Nam không nên “bỏ hết trứng vào một giỏ” mà phải luôn trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận các loại vaccine hiệu quả hơn.
Ba là cần tìm kiếm loại thuốc điều trị Covid-19 hiệu quả hơn, trên một quần thể lớn hơn. Bởi lẽ, khi có nhiều người bệnh, thuốc có hiệu quả trên quần thể lớn sẽ hiệu quả hơn về kinh tế.
Chuyên gia cũng cho rằng Chính phủ cần có các chiến lược dài hạn hơn thay vì “tạm thời”. Một vấn đề quan trọng khác là phải giải bài toán kinh phí dài hạn để xem cần đầu tư vào đâu để vừa hiệu quả, vừa an toàn.
Với “lá chắn” vaccine, Nhà nước cần có chiến lược bền vững. “Chính phủ sẽ không thể mãi mãi trả tiền được và tỷ lệ đồng ý tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều trong tương lai”, bà dự báo.
Việt Nam cũng nên tìm cách tự chủ một phần hoặc toàn bộ quy trình sản xuất thuốc điều trị và vaccine. Bên cạnh đó, để giám sát sự xuất hiện của các biến thể như các nước, Việt Nam vẫn phải giải trình tự gene và quan sát các thay đổi bất thường về đặc điểm dịch tễ.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-qua-som-de-coi-covid-19-la-benh-thong-thuong-a111785.html