Cuối tuần sàn đỏ 'máu', mới mở cửa cổ phiếu đồng loạt giảm

Toàn bộ các cổ phiếu trụ cột nhóm VN30 đều giảm điểm trong phiên giao dịch sáng 18/2 sau 2 phiên hồi phục. 'Bóng ma' chiến tranh tại Ukraine đã khiến các thị trường chứng khoán thế giới chao đảo.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 18/2, toàn bộ 30 mã cổ phiếu trụ cột trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đều giảm điểm. Chỉ có cổ phiếu Bất động sản Phát Đạt (DPR) thỉnh thoảng xanh trở lại.

Sự sụt giảm đồng loạt của các mã trụ cột ngay lập tức kéo VN-Index có lúc giảm hơn 15 điểm xuống dưới ngưỡng 1.500 điểm.

Tuy nhiên, mức độ giảm của đa số các mã VN-30 đều không lớn. Bên cạnh đó, sức cầu bắt đáy của các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài ở một số mã ngân hàng như MBBank hay VietJet (VJC) cũng làm thị trường bớt giảm sâu.

Thị trường dần ổn định trở lại sau khoảng 30 phút giao dịch và VN-Index chỉ còn mất trên dưới 9 điểm. Một số mã cổ phiếu xanh trở lại như VietinBank (CTG), VietJet (VJC), Bảo Việt (BVH), Hòa Phát (HPG), Phú Nhuận (PNJ), TPBank (TPB)…

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa trong nỗi lo lắng khá lớn của các nhà đầu tư trong nước khi mà bóng ma chiến tranh Ukraine quay trở lại và chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ trải qua phiên tồi tệ nhất kể từ đầu năm, mất hơn 600 điểm.

Căng thẳng ở biên giới Ukraine lên cao khi mà Ukraine cáo buộc phe ly khai thân Nga tấn công một ngôi làng biên giới. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết xung đột đã đạt tới "điểm quan trọng".

Mặc dù vậy, sức cầu bắt đáy khi cổ phiếu Việt Nam giảm điểm cũng khá lớn. Nhiều người tin tưởng vào triển vọng của kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam, cũng như một số thị trường châu Á.

Dòng vốn ngoại gần đây đổ mạnh vào nhiều cổ phiếu Việt và mua ròng khá trên thị trường trong vài phiên qua.

Các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có nhiều nhà đầu tư tổ chức đang đổ nhiều tiền hơn vào chứng khoán châu Á với niềm tin về một cuộc chơi an toàn trong năm nay. Trung Quốc ghi nhận vòng vốn gần 17 tỷ USD trong tháng Giêng.

Cổ phiếu đồng loạt giảm, triển vọng còn tươi sáng

Nhiều báo cáo phân tích cho rằng, nhiều nền kinh tế châu Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam sẽ đạt được tăng trưởng cao trong năm 2022. Nhiều nền kinh tế châu Á đang bước vào giai đoạn kích thích, với những chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn, ngược lại với xu hướng thắt chặt của Mỹ và khu vực châu Âu.

Triển vọng trong dài hạn

Chứng khoán BSC cho rằng, Việt Nam đang ở giai đoạn đẹp nhất trong chu kỳ kinh tế và chỉ số chứng khoán VN-Index có thể lên gần 1.800 điểm trong năm 2022.

Trong giai đoạn năm 2020-2021, những yếu tố bất ổn vĩ mô do dịch Covid-19 gây nên như: Đứt gãy chuỗi sản xuất; Hoạt động thương mại đình trệ; Làn sóng giải thể từ các doanh nghiệp SM&E và thất nghiệp tăng cao; GDP toàn cầu dự kiến tăng trưởng âm làm tác động đáng kể đến việc xác định chu kỳ kinh tế.

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong QII và QIII/2021, tuy nhiên tăng trưởng sản xuất đã dần hồi trong bối cảnh lạm phát hiện tại đang được kiềm chế tốt.

Do đó BSC nhận định rằng mức suy thoái trên đã được giới hạn ở mức thấp, và Chính phủ đang tập trung vào chiến lược phục hồi kinh tế thông qua các gói kích thích kinh tế. Các chỉ tiêu kinh tế hiện tại của Việt Nam cho thấy Việt Nam đang ở trong giai đoạn phục hồi ban đầu, điển hình bởi đa số các dấu hiệu như giá cổ phiếu bắt đầu tăng, lãi suất huy động có xu hướng dài hạn có vẻ chạm đáy và lãi suất ngắn hạn hiện tại đang ở mức nền thấp, chính phủ bắt đầu thực hiện các gói chính sách tài khóa kích thích kinh tế.

Triển vọng kinh tế Việt Nam khá tươi sáng.

Dù vậy, BSC cũng nhận định chu kỳ "tiền rẻ" có vẻ đã kết thúc, môi trường lãi suất có thể duy trì ở mức thấp và sau đó sẽ nhích dần lên dưới áp lực của 3 lần tăng lãi suất dự kiến của Fed.

Trong báo cáo cập nhật vĩ mô Việt Nam tháng 1/2022, Chứng k hoán VnDirect kỳ vọng, GDP của Việt Nam sẽ tăng 5,5% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2022 nhờ vào một số tín hiệu vĩ mô tích cực như: chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) tăng 2,4% so với cùng kỳ; chỉ số Quản Lý Mua hàng (PMI) tăng lên 53,7 điểm từ 52,5 điểm vào T12/21, đánh dấu mức cao nhất kể từ ngày 21/4/2021… Chỉ số PMI tăng cao cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục được mở rộng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 1.

Cũng theo VnDirect, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tốt. Nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cao. FDI và đầu tư công của Việt Nam cũng được đánh giá vô cùng tích cực. Cụ thể, đầu FDI khởi đầu năm mới khá tích cực, với vốn đăng ký của các dự án trong tháng 1/2022 đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ.

Về đầu tư công, vốn nhà nước thực hiện trong tháng 1/2022 tăng 8,6% so với cùng kỳ, ở mức 25,3 tỷ đồng. Vốn thực hiện đầu tư công năm 2022 được kỳ vọng có thể tăng 20-30% so với số thực tế năm 2021.

Về yếu tố lạm phát, các chuyên gia phân tích của VnDirect đánh giá, lạm phát có xu hướng tăng nhẹ trong bối cảnh giá xăng dầu tăng.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cuoi-tuan-san-do-mau-moi-mo-cua-co-phieu-dong-loat-giam-a111790.html