Từ ngày 22/2 vừa qua, mối quan hệ giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận sự độc lập của 2 vùng ly khai Ukraine là Donetsk và Lugansk.
Sáng 24/2, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ông Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, phía đông Ukraine. Những diễn biến này đã tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu.
Chịu tác động mạnh nhất là thị trường chứng khoán Nga. Từ mức 3.400 điểm cuối tuần trước, MOEX Russia Index đã có lúc giảm xuống dưới 1.700 điểm, tương đương mức giảm trên 50%. Thời điểm hiện tại chỉ số này đã hồi phục trở lại quanh vùng 2.000 điểm, nhưng đây vẫn là mức giảm thảm họa với dân đầu tư cổ phiếu.
Dù không giảm mạnh như thị trường Nga, nhưng các sàn chứng khoán lớn trên thế giới cũng đều lâm vào cảnh sức bán áp đảo so với sức mua. Đêm qua, Nasdaq đã giảm 2,57%. Hang Seng giảm hơn 3%, Kospi và Taiwan cùng giảm trên 2,5%. Chứng khoán Singapore giảm tới hơn 4%.
Chứng khoán Việt Nam cũng giảm tuy nhiên mức giảm thấp hơn so với chứng khoán thế giới. Trong phiên 24/2, VN-Index chỉ giảm 1,15% còn HNX-Index giảm 1,73%.
Các đồng tiền số lớn đồng loạt giảm khoảng 10-15% trong vòng 24 giờ qua, đặc biệt là kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo số liệu trên trang Coinmarketcap, Bitcoin hiện chỉ còn khoảng 35.000 USD mỗi đồng, giảm 9% trong vòng 24%, tổng giá trị vốn hóa chỉ còn 675 tỷ USD. Ethereum, Binance, Ripple, Cardano đều giảm trên 12%.
Tính trong vòng 1 tuần qua, giá trị các đồng tiền số hầu hết đều giảm trên dưới 20%, cho thấy mức giảm tập trung chủ yếu vào những ngày gần đây.
Trái ngược với chứng khoán và tiền số, thì vàng và dầu đang cùng tăng mạnh.
Theo số liệu của Kitco, giá vàng đang tăng mạnh lên khoảng 1.950 USD/ounce. Tại thị trường trong nước, giá vàng cũng đang lên mức cao kỷ lục khoảng 65 triệu đồng/lượng.
Với dầu thô, giá dầu thế giới vượt mức 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, chủ yếu bán dầu thô của mình cho các nhà máy lọc dầu ở châu Âu và là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho châu Âu, cung cấp khoảng 35% nguồn cung của nước này.
Nhật Bản và Australia hôm thứ Năm cho biết họ đã sẵn sàng khai thác nguồn dự trữ dầu của mình, cùng với các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khác, nếu nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng.