|
Wall Street Journal nhận định với việc đưa quân thọc sâu vào lãnh thổ của một quốc gia hòa bình, có chủ quyền được cộng đồng quốc tế thừa nhận, Tổng thống Putin phá vỡ cấu trúc an ninh đã giúp duy trì hòa bình ở châu Âu từ sau Chiến tranh Lạnh. Không ai có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Thủ đô Kyiv tan hoang vì bom đạn của Nga. Ảnh: AP. |
Hệ lụy từ cuộc chiến
Ba đời tổng thống Mỹ liên tiếp cam kết sẽ dần loại bỏ những va chạm quốc tế để có thể tập trung vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Cam kết này giờ vấp phải trở ngại to lớn. Mỹ và phương Tây gần như chắc chắn sẽ phải tăng chi tiêu cho quốc phòng.
Tiến trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới, bởi cuộc tấn công của Nga, sẽ trượt lùi một bước dài.
Tại Mỹ, những chia rẽ giữa những người theo chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa biệt lập sẽ càng trở nên sâu sắc hơn, đặc biệt trong nội bộ đảng Cộng hòa.
Giống như vụ khủng bố 11/9/2001, cuộc chiến ở Ukraine có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh khác, thậm chí là cuộc chiến lớn nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II.
Cuộc chiến Ukraine cũng sẽ tạo ra những hiệu ứng mà thời gian và hậu quả hiện không thể lường trước.
Thứ nhất, Tổng thống Putin từ lâu đã quyết tâm giành lại ảnh hưởng hay thậm chí lãnh thổ tại những nơi từng thuộc về Liên Xô cũ, hoặc nằm dưới sự chi phối của Liên Xô.
Mục tiêu trên của ông Putin, giờ được hiện thực hóa bằng cuộc chiến tại Ukraine, khiến hàng loạt quốc gia châu Âu phải "lạnh sống lưng". Ba Lan, Lithuania, Latvia, Estonia sẽ phải lo lắng liệu họ có là mục tiêu kế tiếp trong danh sách bành trướng của Moscow.
Nga tấn công đồng thời các mục tiêu quân sự và dân sự của Ukraine. Ảnh: AFP. |
Thứ hai, liên minh phương Tây, mà cụ thể là NATO, chưa bao giờ cảm thấy mối đe dọa rõ ràng và nghiêm trọng như hiện nay từ sau Chiến tranh Lạnh, và vì thế một lần nữa đoàn kết trở lại.
Khối đoàn kết của NATO sẽ bị thử thách trong những tuần, những tháng sắp tới. Nếu đủ lì lợm trong thời gian cần thiết, các quan chức Mỹ tin quyết tâm của phương Tây có thể khiến cuộc phiêu lưu quân sự ở Ukraine trở thành sai lầm khủng khiếp dành cho ông Putin.
Quyết tâm của NATO sẽ bị thử thách đáng kể nhất ở Đức, quốc gia đã nhiều lần tỏ thái độ ngần ngại khi phải đối đầu với Moscow, bởi Berlin phụ thuộc vào nguồn cung khí tự nhiên của Nga để sưởi ấm mỗi mùa đông.
Dù vậy, những tuần gần đây, khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ xuất khẩu sang châu Âu đã bắt đầu thay thế khí đốt giảm dần từ Nga. Điều này cho thấy dấu hiệu về mối quan hệ năng lượng mới đang thành hình giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Một câu hỏi quan trọng được đặt ra lúc này là liệu các nỗ lực trừng phạt kinh tế nhằm cô lập Moscow có đẩy Nga sâu hơn vào quỹ đạo của Trung Quốc hay không.
Trung Quốc và Nga có chung lợi ích khi chống lại sức ép kinh tế của Mỹ. Hỗ trợ tức thời mà Trung Quốc dành cho Nga lúc này đơn giản là giải tỏa các biện pháp cấm vận, cô lập nhắm vào Moscow.
Rộng hơn, Trung Quốc và Nga có chung động lực phối hợp xây dựng một hệ thống tài chính quốc tế mới, song song tồn tại cùng hệ thống đang vận hành hiện nay. Trong hệ thống mới, Trung Quốc sẽ là bên chi phối thay vì Mỹ.
Mong muốn là một chuyện, còn có đạt được mục tiêu trên hay không lại là điều hoàn toàn khác. Nhưng ít nhất, tham vọng của Trung Quốc và Nga giờ càng có thêm động lực.
Dẫu vậy, Trung Quốc có những lợi ích khác trong quan hệ với Mỹ. Bắc Kinh không có ý định gây tổn hại nghiêm trọng cho quan hệ song phương. Điều này khiến hợp tác giữa Nga - Trung sẽ chỉ có giới hạn.
Chính những lợi ích xung đột này khiến Bắc Kinh có cách phản ứng khá dè dặt từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng phát. Trung Quốc không ủng hộ hành động của Nga, nhưng cũng từ chối gọi cuộc chiến là "xâm lược".
Tiền lệ nguy hiểm
Cuộc chiến Ukraine sẽ không kéo dài mãi mãi mà phải có điểm kết thúc. Khi tiếng bom đạn đã ngừng rền vang tại Ukraine, câu hỏi được đặt ra là liệu tham vọng khôi phục đế chế Nga của ông Putin có vươn sang một quốc gia châu Âu khác.
Có một danh sách dài các nước thành viên của NATO hiện nay từng thuộc về Liên Xô, hoặc là thành viên khối Đông Âu do Moscow chi phối như Estonia, Litva, Lithuania, Ba Lan, Romania, Hungary, Cộng hòa Czech. Sau Ukraine, những nước Đông Âu sẽ khó có thể ngủ yên.
Tàu chiến Nga hoạt động ở Biển Đen. Ảnh: AFP. |
Rộng hơn, với việc phát động chiến tranh chống Ukraine, Nga đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Ukraine quyết tâm rời xa ảnh hưởng của Nga để gia nhập EU và NATO nhằm phát triển kinh tế và tìm kiếm bảo đảm an ninh. Điện Kremlin nói mục tiêu này của Ukraine đe dọa an ninh quốc gia Nga, dù rằng việc lựa chọn con đường phát triển là chủ quyền của mọi quốc gia.
Nếu lý do gây chiến của Nga được chấp nhận, các quốc gia nhỏ, yếu sẽ luôn phải nơm nớp lo sợ khi ở bên cạnh những nước láng giềng giàu tham vọng và hung hăng.
Cuộc chiến tại Ukraine cũng sẽ ảnh hưởng tới những vấn đề nóng hổi tưởng chừng không liên quan khác, như nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden đạt thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran.
Nếu một số công ty cung cấp năng lượng Nga bị trừng phạt, thỏa thuận hạt nhân đạt được sẽ cho phép dầu của Iran trở thành nguồn cung thay thế. Các nhà đàm phán của cả hai bên đang lạc quan hơn bao giờ hết về tương lai của thỏa thuận này.
Một số quan chức Mỹ cũng lo ngại Triều Tiên có thể lợi dụng thời cơ tình hình Ukraine để tăng cường các vụ thử tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Tại Mỹ, cuộc khủng hoảng Ukraine một lần nữa làm dấy lên tranh cãi giữa hai luồng quan điểm, một kêu gọi Mỹ đóng vai trò chủ động hơn trên sân khấu quốc tế, một lại muốn nước Mỹ rũ dần các trách nhiệm quốc tế để tập trung vào những vấn đề nội trị.
Đây là chủ đề gây tranh cãi kinh điển trong nền chính trị Mỹ, đặc biệt dưới thời kỳ Tổng thống Donald Trump.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chiec-hop-pandora-mo-ra-khi-nga-tan-cong-ukraine-a114097.html