Trong hướng dẫn mới về cách ly, Bộ Y tế yêu cầu F1 tiêm đủ vaccine cách ly 5 ngày. Áp dụng quy định này, nhiều cơ quan công sở đang than thiếu nhân lực làm việc vì tỷ lệ F0, F1 đang quá nhiều.
Vì vậy, câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Có cần thiết cách ly F1 trong giai đoạn hiện nay?
Nới lỏng chứ không thể thả trôi, buông lỏng
Trao đổi với Zing, PGS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho rằng quy định này hoàn toàn đúng, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
Theo ông Phu, vẫn nên giữ quy định cách ly, song có thể tính toán rút ngắn thời gian cách ly của một số trường hợp F1 như người ít nguy cơ trở thành F0, người làm việc ở vị trí trọng yếu của cơ quan, doanh nghiệp... Đi kèm với đó, cần kiểm soát bằng cách xét nghiệm, phòng bệnh cá nhân, thống nhất giữa y tế địa phương, lãnh đạo đơn vị và phải được Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể.
"Dù không thể kiểm soát việc cách ly triệt để, vẫn cần hạn chế, làm chậm sự lây lan của dịch, kiểm soát dịch trong giới hạn hệ thống y tế có thể chịu được để làm ăn kinh tế", ông Phu nêu quan điểm.
Người dân tại TP.HCM được nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại nhà trong thời gian cách ly. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Vị chuyên gia phân tích dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng nhanh, số ca tử vong cũng bắt đầu tăng, một số nơi có hiện tượng quá tải hệ thống y tế cơ sở, điển hình như Hà Nội. Và việc bùng dịch ngoài lý do có thể biến chủng Omicron lây lan quá nhanh và sau Tết lượng người đi lại, giao lưu lớn, còn có nguyên nhân một bộ phận người dân chấp hành các quy định về cách ly, phòng dịch không nghiêm.
“Chúng ta chuyển sang giai đoạn sống thích ứng, an toàn và kiểm soát dịch, nới lỏng dần các hoạt động chứ không phải buông trôi, thả lỏng hoàn toàn”, ông Trần Đắc Phu nói và nhấn mạnh chính việc không phòng bệnh tốt, không cách ly nghiêm ngặt khiến số ca nhiễm vừa qua tăng nhanh, dịch bùng lên mạnh mẽ.
Chúng ta chuyển sang giai đoạn sống thích ứng, an toàn và kiểm soát dịch, nới lỏng dần các hoạt động chứ không phải buông trôi, thả lỏng hoàn toàn
PGS Trần Đắc Phu
Cho rằng nhiều nước vẫn chủ trương siết lại các quy định sau khi dịch tái bùng phát, ông Phu cho rằng Việt Nam cũng cần theo hướng này. Chỉ khi nào hệ thống y tế tốt, có khả năng chống đỡ mới nên “thả hết”. Còn với điều kiện hiện nay, dịch bùng phát mạnh sẽ khiến hệ thống y tế quá tải, không thể trụ được.
“Tại sao trước đó chúng ta làm được mà bây giờ lại chủ quan, không chịu cách ly? Nếu thả ra, nhiều F0 có thể trở thành nguồn lây cho nhiều người khác, nguy hiểm hơn là lây cho người già, người có bệnh nền và trẻ em, khiến dịch lây lan theo cấp số nhân”, ông Phu đặt vấn đề.
Thay vì không chấp hành việc cách ly, PGS Trần Đắc Phu đề nghị xem xét chỉ nới những hoạt động cần thiết, còn nhiều hoạt động không cần thiết mà có nguy cơ cao như tập trung đông người, hội thảo, hội nghị trực tiếp, liên hoan ăn uống… có thể hạn chế. Bên cạnh đó, mọi người cần được khuyến cáo vẫn đeo khẩu trang ở nơi làm việc, hạn chế tụ tập…
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Giờ nới lỏng hết thì không thể kiểm soát được dịch”, ông Phu nhận định việc mở cửa vẫn nên thực hiện, nhưng phải đi kèm với các điều kiện về phòng dịch, không thể thả cho F0, F1 đi làm. Cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường quản lý, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh.
“Biến chủng mới lây lan quá nhanh, chúng ta xác định sẽ có ca nhiễm trong cộng đồng nhưng không thể để vỡ trận được. Hiện nay nhân viên y tế bắt đầu thiếu do nhiều người bị nhiễm bệnh nên phải cẩn trọng để tránh quá tải y tế”, PGS Trần Đắc Phu cảnh báo.
Chuyên gia dịch tễ này lưu ý nếu muốn không áp dụng các biện pháp cấm đoán, người dân cần chủ động phòng bệnh. Một khi dịch bùng phát mạnh, quá căng thẳng, có thể nhiều hoạt động sẽ lại phải siết chặt, lúc đó khó khăn hơn nhiều.
Sớm để miễn dịch cộng đồng thì dịch sớm kết thúc
Có quan điểm ngược lại, BS Trương Hữu Khanh (nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cho rằng Bộ Y tế nên bỏ quy định cách ly F1 đã tiêm đủ vaccine.
“F1 không triệu chứng thì không cần thiết cách ly, vẫn có thể đeo khẩu trang đi làm”, BS Khanh nói.
BS Trương Hữu Khanh cho rằng giai đoạn hiện nay chỉ nên tập trung chăm sóc cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Lý giải cho quan điểm này, ông Khanh cho rằng cách xác định F1 hiện nay đã khác với những điều kiện chặt chẽ hơn, như có tiếp xúc cơ thể trực tiếp với F0, không đeo khẩu trang tiếp xúc với F0 trong vòng 2 m hoặc có đeo khẩu trang nhưng tiếp xúc với F0 ở không gian hẹp, kín trong vòng 15 phút…
Thay vì ra quy định cứng yêu cầu F1 cách ly, ông Khanh cho rằng nên để các cơ quan, đơn vị tự linh động quyết định việc này. Nếu họ xét thấy nhân viên của họ là F1 cần thiết phải đi làm thì cho đi làm, không cần thiết có thể cho nghỉ hoặc làm việc online.
“Biến chủng mới dù lây lan nhanh, chúng ta cần nhớ điều quan trọng nhất là ta đã tiêm đủ vaccine”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh và cho rằng việc quan trọng trong giai đoạn hiện nay là đánh giá tỷ lệ người dân trong nước nhiễm biến chủng Omicron chiếm bao nhiêu phần trăm để làm căn cứ bãi bỏ dần các quy định.
Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 nêu thực tế ở một số nước tiên tiến đã bỏ các quy định phòng chống dịch và “không làm gì hết” khi đánh giá tỷ lệ lây nhiễm Omicron khoảng 90%. Quan điểm của những nước này là chủng Omicron rất nhẹ, có thể để miễn dịch cộng đồng tự nhiên.
Khi chứng minh nhiễm biến chủng Omicron nhẹ thì hãy để miễn dịch tự nhiên. Miễn dịch càng sớm thì càng mau chấm dứt dịch, chỉ cần bảo vệ nhóm người nguy cơ cao
BS Trương Hữu Khanh
Vì thế, ở Việt Nam cũng cần xác định tỷ lệ này trên cả nước. Và khi chứng minh nhiễm biến chủng Omicron nhẹ thì hãy để miễn dịch tự nhiên.
“Miễn dịch càng sớm thì càng mau chấm dứt dịch, chỉ cần bảo vệ nhóm người nguy cơ và tiêm chủng cho đủ”, ông Khanh nói.
Vị bác sĩ cũng cho rằng Việt Nam đang quá lạm dụng kit xét nghiệm, gây tốn kém, lãng phí không cần thiết, khiến giá mặt hàng này bị đẩy lên cao và xuất hiện nhiều hàng không rõ nguồn gốc.
Ông Khanh một lần nữa nhấn mạnh đã đến lúc xem việc nhiễm biến chủng Omicron như cúm mùa, chỉ nên tập trung vào việc bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao như tiêm chủng đầy đủ và chuẩn bị sẵn thuốc đặc trị Covid-19.
Về việc thống kê số ca nhiễm mỗi ngày, PGS Trần Đắc Phu cho rằng dù không thể thống kê chính xác tuyệt đối, vẫn cần có biện pháp giám sát và dự báo để suy ra số liệu thực tế. Ông Phu cho rằng cần thống kê báo cáo số ca nhiễm trong hệ thống y tế để từ đó đánh giá chiều hướng diễn biến của dịch và đưa ra giải pháp đáp ứng phù hợp.
Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng không cần đếm số ca nhiễm nữa khi thực tế số ca nhiễm liên tục tăng trong 5 tuần gần đây, đặc biệt tăng vọt trong 2 tuần sau Tết Nguyên đán nhưng không có tình trạng quá tải về số bệnh nhân nặng cần điều trị như giai đoạn trước. Theo ông Khanh, chỉ cần thông báo, thống kê số ca nặng và số ca chưa tiêm vaccine.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cach-ly-f1-hay-tha-troi-de-som-mien-dich-cong-dong-a115073.html