Dù chưa có thống kê chính xác, nhiều khả năng việc biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trong cộng đồng là một phần nguyên nhân khiến số người nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng thời gian qua.
Song song với đó, tỷ lệ tiêm chủng cao cùng chính sách mở cửa, sống chung an toàn với SARS-CoV-2 đang trở thành tiền đề cho việc coi Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm thông thường, xóa nhòa khái niệm F0, F1.
Tuy nhiên, liệu ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã sẵn sàng cho kịch bản đó hay chưa còn là vấn đề mang đến nhiều ý kiến trái chiều.
Cảnh giác cá nhân là yếu tố cốt lõi
Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên cân nhắc bỏ dần khái niệm F0, F1, đặc biệt tại những khu vực biến chủng Omicron lây lan rộng.
“Dần dần, chúng ta nên đưa Covid-19 trở thành một căn bệnh truyền nhiễm thông thường. Các F0, F1 chủ động cảnh giác cá nhân là yếu tố cốt lõi”, vị chuyên gia nói.
Theo bác sĩ Khanh, nếu người nhiễm virus chỉ có triệu chứng nhẹ, họ hoàn toàn có thể đeo khẩu trang, đi làm, học tập bình thường, đồng thời theo dõi kỹ trong vòng 5 ngày. Trong khi đó, trường hợp nhiễm nCoV nhưng không có triệu chứng thậm chí nên bỏ qua khâu xét nghiệm.
Ông cũng cho rằng trong thời gian tới, những trường hợp không may tiếp xúc người nhiễm virus (F1), nếu quá trình giao tiếp không rõ ràng, không xuất hiện triệu chứng của bệnh, cũng nên bỏ qua việc xét nghiệm và có thể đeo khẩu trang đi làm bình thường.
“Điều quan trọng lúc này là chúng ta quay về bảo vệ nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, tử vong cao. Trường hợp có diễn biến nặng, phải nhập viện mới phải làm xét nghiệm, cách ly để điều trị”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo. |
Đồng quan điểm, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam cũng đã xác định chung sống an toàn với SARS-CoV-2, các quy định mở cửa, nối lại đường bay được thực hiện. Do đó, chúng ta cũng cần có cách ứng phó với dịch phù hợp hơn.
“Tương tự các nước trên thế giới, xu hướng dịch ở Việt Nam với biến chủng Omicron cũng sẽ giảm dần trong thời gian tới. Lúc đó, chúng ta cần tiếp đẩy nhanh việc bao phủ vaccine. Dù không khiến số lượng F0 giảm, vaccine cũng có vai trò lớn trong giảm tỷ lệ diễn biến nặng, tử vong”, ông nói.
Theo vị chuyên gia, việc giảm số người nhiễm nCoV sẽ phụ thuộc phần lớn vào ý thức cá nhân cũng như mức độ tuân thủ 5K trên cả nước.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói thêm: “Lúc này, việc cách ly F0, F1 không còn hiệu quả nữa. Vai trò của cá nhân trong cộng đồng là quan trọng hơn cả. Ngoài ra, chúng ta nên tập trung bảo vệ người cao tuổi, nhóm có bệnh nền, dễ tử vong, đồng thời củng cố hệ thống điều trị”.
PGS.TS Vũ Minh Phúc, nguyên Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng nhận định với tỷ lệ tiêm chủng cả nước đạt trên 90%, Việt Nam phần nào đã có được miễn dịch cộng đồng. Đây sẽ là cơ sở để nước ta sớm coi Covid-19 như bệnh cảm cúm thông thường.
PGS Phúc cũng cho rằng với tỷ lệ bao phủ vaccine cao như hiện nay, sau khi hoàn thành mũi tiêm cho trẻ em, Việt Nam có thể cân nhắc mở cửa hoàn toàn như Anh hay các quốc gia Bắc Âu, bỏ khái niệm F0, F1 và coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu.
“Sau khi có miễn dịch cộng đồng, chúng ta chỉ nên cố gắng bảo vệ nhóm nguy cơ cao, chăm sóc tuyệt đối, tối đa, tiêm chủng, điều trị bệnh cho người cao tuổi, mắc bệnh nền, từ đó giảm tỷ lệ tử vong. Người dân thông thường chỉ nên cố gắng tuân thủ chặt chẽ 5K là đủ”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tránh buông lỏng
Có quan điểm trái ngược, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn cần phân định rõ về F0, F1, từ đó kiểm soát được tình hình dịch, tránh chủ quan, buông lỏng khi nguy cơ vẫn còn.
“Chúng ta vẫn phải giữ khái niệm về F1 để người dân biết cách phòng bệnh. Vẫn phải biết ai là F0 để thống kê, qua đó bám sát tình hình dịch trên cả nước. Vấn đề là cách ly bao nhiêu ngày, có cách ly hay không sẽ cần tính toán thêm”, ông nói.
Vị chuyên gia cũng khẳng định thời điểm nào Việt Nam nên coi Covid-19 là bệnh thông thường sẽ cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
Phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) vắng người khi số ca mắc Covid-19 tăng cao. Ảnh: Nhật Sinh. |
PGS Phu nhận định: “Bộ Y tế vẫn rất cẩn trọng, các quốc gia trên thế giới cũng đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch. Trong khi đó, hệ thống y tế của Việt Nam chưa thể so sánh với các nước phát triển”.
Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, số ca mắc Covid-19 sẽ phải tăng rồi mới giảm. Tại Việt Nam, ông Phu cho rằng số người nhiễm nCoV chưa thể giảm được trong vài tuần tới.
"Biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng đa số người nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ. Hiện chúng ta không thể và cũng không cần ngăn cản được triệt để sự lây lan của biến chủng này từ đó làm ảnh hưởng tới kinh tế xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần hạn chế sự lây lan và chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh. Nhiều người nhiễm nCoV có thể dẫn tới quá tải hệ thống y tế, số người chuyển nặng và tử vong cũng sẽ tăng lên", PGS Phu nhấn mạnh.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn chưa thể thả lỏng trước tình hình dịch hiện nay và phải kiểm soát ở mức độ nhất định.
Ngoài ra, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng nhắc tới vấn đề tái nhiễm SARS-CoV-2 đối với các biến chủng mới xuất hiện.
Ông Phu nói: “Hiện chưa có các nghiên cứu cụ thể về việc tái nhiễm SARS-CoV-2. Bởi vậy, nhiều người có suy nghĩ nhiễm nCoV rồi sẽ không dương tính nữa hay Omicron đa số diễn biến nhẹ nên cứ buông lỏng cho nhiễm là điều không nên. Chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về vấn đề tái nhiễm”.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/da-den-luc-nen-bo-khai-niem-f0-f1-a115488.html