Hàng chục ao hồ dần “biến mất”
Liên quan đến việc gần 100 hộ dân tổ 11, 12 (phường Ngọc Thụy) phản đối, xin giữ lại hai hồ tự nhiên Xuân Quế và Sơn Thủy đã hình thành từ nhiều năm trên địa bàn, sắp bị san lấp lấy mặt bằng để phân lô bán nền, thông tin với Lao Động – bà Trần Thị Kim Dung (SN 1954, tổ 11, phường Ngọc Thụy) khẳng định: Sau khi đã làm đơn kiến nghị tới chính quyền địa phương và TP.Hà Nội nhưng không mang lại kết quả, chúng tôi đang tiếp tục gửi đơn kêu cứu lên các cấp cao hơn”.
Theo bà Dung, 2 hồ tự nhiên này đã tồn tại gần 4 thập kỷ. Năm 1990, chính quyền xã Ngọc Thụy (nay đổi tên là phường Ngọc Thụy) đã giao thầu cho một số hộ gia đình cải tạo nuôi trồng thủy sản, sau đó các hộ được thuê hồ mở dịch vụ hồ câu, hàng năm đóng thuế theo quy định.
“Ngoài mục đích trên, hồ còn là cảnh quan thiên nhiên, môi trường xanh và hạn chế úng ngập. Về địa lý, phường Ngọc Thụy là điểm trũng, thấp nhất so với các phường khác trên địa bàn quận Long Biên. Nếu san lấp hai hồ này, các hộ sinh sống sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn. Sau nhiều lần làm đơn, cho đến nay, người dân vẫn chưa có được buổi làm việc nào và cũng không nhận được thông tin chính thức nào từ chính quyền địa phương”, bà Dung nói.
Còn bà Nguyễn Thị Lan (tổ 11, phường Ngọc Thụy) cho biết, nhiều năm trước, Ngọc Thụy có hệ thống ao hồ phong phú như Hồ Đầm Nấm, hồ Đầm Sen, hồ Bà Đồ… cùng hàng chục ao hồ tự nhiên không có tên, nhưng đã dần bị san lấp để chuyển đổi thành đất ở.
Cũng theo các hộ dân tại đây, trong bối cảnh quỹ đất công, không gian xanh ngày càng thu hẹp vì đô thị hóa, hồ tự nhiên càng trở nên quý giá, giúp cân bằng sinh thái cho các khu dân cư. Việc đánh đổi hồ nước, công viên, cây xanh để lấy mặt bằng làm khu đô thị, dự án thương mại đang khiến người dân bức xúc.
Có thể tiến hành cưỡng chế
Liên quan đến việc thu hồi 2 hồ nước trên, trước đó, đại diện UBND quận Long Biên cho biết, khu đất hồ câu Xuân Quế và Sơn Thủy do ông Phạm Xuân Quế thuê thầu có tổng diện tích 8.000 m2, trong đó diện tích hồ câu khoảng 3.000 m2. Gọi là hồ câu, nhưng thời gian trước khi cho thuê thầu đây chỉ là 2 ao tù nhỏ, sau đó được chủ thuê cho múc sâu làm hồ cá.
Hiện nay, số diện tích này thuộc vùng quy hoạch xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật các ô đất quy hoạch A4, A8 và các tuyến đường phụ cận phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, theo quyết định số 6115/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội năm 2014.
Đây là diện tích đất quận Long Biên cho thuê thầu và đã đến lúc phải thu hồi để đẩy nhanh dự án, đảm bảo tiến độ. Không vì một số diện tích nhỏ xen kẹt mà thực hiện điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch chung đã được thành phố phê duyệt. Vì vậy, quận Long Biên có thể tiến hành cưỡng chế để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của UBND TP.Hà Nội.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Phát triển Tài nguyên và Môi trường cho hay: Quan điểm chung là các ao hồ tự nhiên ở Hà Nội cần được bảo vệ, tôn tạo để gia tăng giá trị phục vụ cộng đồng, khi phát triển đô thị. Thậm chí cần phải tạo thêm các hồ nhân tạo, tăng diện tích mặt nước.
Trường hợp bắt buộc phải san lấp hồ ao cụ thể nào đó thì cơ quan quản lý cần công khai thông tin, quy hoạch, chứng minh được lợi ích tổng thể sau khi san lấp ao hồ đối với cộng đồng so với hiện trạng tự nhiên. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng, thực tế cho thấy quy định pháp luật trong nhiều trường hợp chưa được thực hiện nghiêm túc. UBND quận Long Biên rất nên xem xét lại tính hợp lý, tính khoa học của dự án và công khai thông tin. Nếu san lấp chỉ để phân lô bán nền thì càng phải xem xét lại.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vu-lap-ho-ban-dat-o-long-bien-chung-toi-se-gui-don-len-cap-cao-hon-a116156.html