Vì đâu nợ có khả năng mất vốn của Nam A Bank tăng mạnh?
Vào tháng 3/2018, Tổng Giám đốc Nam A Bank là bà Lương Thị Cẩm Tú có đơn xin từ nhiệm chức vụ và được HĐQT Nam A Bank chấp thuận. Vị trí này sau đó được trao cho ông Trần Ngọc Tâm. Tổng Giám đốc Nam A Bank Trần Ngọc Tâm kỳ vọng đưa Nam A Bank trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại. Trên thực tế, tình hình kinh doanh năm 2021 của nhà băng này có sự tăng trưởng mạnh nhờ vào việc đẩy mạnh cho vay, nhưng chất lượng dư nợ kém lại là vấn đề đặt ra cho “vị thuyền trưởng” của Nam A Bank.
Trên cương vị “thuyền trưởng” lèo lái con thuyền Nam A Bank, ông Trần Ngọc Tâm luôn trăn trở làm sao để năm 2018 là năm bản lề của giai đoạn tái cấu trúc 2018 – 2020, đồng thời là cột mốc mở ra chặng đường mới – ¼ thế kỷ đột phá và thăng hoa. Theo đó, Nam A Bank đặt ra kỳ vọng rất lớn với mục tiêu tăng trưởng vượt bậc. Đó là đẩy mạnh triển khai chiến lược bán lẻ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại.
Đến năm 2021, tình hình chung của hệ thống ngân hàng được ghi nhận là khá thành công với việc các nhà băng tiếp tục báo lãi tăng trưởng mạnh. Nam A Bank cũng không ngoại lệ, thậm chí còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ mức nền thấp của năm 2020.
Tuy nhiên, khi quy luật chung của ngành là tăng trưởng dồn vào hai quý cuối năm, thì với Nam A Bank, càng về cuối năm hoạt động kinh doanh của nhà băng này càng đuối, nợ xấu càng tăng cao. Kết quả tăng trưởng, thực tế, lại phụ thuộc vào hai quý đầu năm, những quý vớt vát kết quả từ năm trước.
Theo Báo cáo tài chính quý IV/2021, tổng thu nhập hoạt động của Nam A Bank quý IV đạt 1.553 tỷ, tăng 22,5%. Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước và sau thuế giảm hơn 39% so với cùng kỳ 2020, xuống còn 376 tỷ đồng và 298 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Nam A Bank đi lùi là do chi phí dự phòng rủi ro cao gấp 2,5 lần cùng kỳ, chi phí hoạt động tăng tới 52,7% khiến lợi nhuận thuần chỉ nhích nhẹ 5,9% lên gần 865 tỷ đồng.
Đi sâu vào từng mảng kinh doanh, thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong 3 tháng cuối năm tăng hơn 51% lên gần 1.295 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư cùng khởi sắc.
Điều này được Nam A Bank giải thích là do Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng thực hiện chính sách giảm lãi suất huy động xuyên suốt từ năm 2020 đến nay góp phần làm chi phí lãi và các chi phí tương tự tăng thấp hơn so với mức tăng của thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự.
Xét chung cả năm 2021, lợi nhuận của ngân hàng tăng cao nhờ thu nhập hoạt động năm 2021 tăng gần 51% với hầu hết mảng kinh doanh chính đều diễn biến tích cực. Dù vậy, ở chiều ngược lại, cả chi phí hoạt động và và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Nam A Bank cũng đều tăng nhanh.
Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản ngân hàng tăng 14,1% so với đầu năm lên 153.238 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,1% đạt gần 102.653 tỷ đồng. Đáng chú ý, xét về chất lượng dư nợ cho vay, nợ xấu của Nam Á cũng tăng đột biến trong năm 2021. Chất lượng nợ vay tại thời điểm 31/12/2021 kém tích cực khi tổng nợ xấu gấp 2,2 lần đầu năm, chiếm 1.613 tỷ đồng trong tổng dư nợ.
Nợ có khả năng mất vốn của Nam A Bank tăng mạnh
Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này đang tăng mạng từ 467 tỷ đồng quý IV năm ngoái lên đến mức hơn 1.098 tỷ quý IV năm nay. Kết quả này kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ 0,83% lên 1,57%.
Kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ của Nam A Bank thu hẹp đà tăng mạnh từ đầu năm của nhà băng này. Thực tế, nếu nhìn chung cả bốn quý của năm 2021, đà tăng của lợi nhuận chủ yếu do hai quý đầu năm, trong khi càng về cuối năm, kết quả kinh doanh của Nam A Bank càng không hiệu quả.
Có thể nói, với tình hình kết quả kinh doanh trên thì sau gần 3 năm được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc, ông Trần Ngọc Tâm vẫn chưa có thể đạt được như kỳ vọng để tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển Nam A Bank trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vi-dau-no-co-kha-nang-mat-von-cua-nam-a-bank-tang-manh-a116490.html