Nga cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng

Nga công bố danh sách các mặt hàng trong nhiều lĩnh vực bị cấm xuất khẩu nhằm đáp trả lệnh cấm vận từ phương Tây.

Bộ Tài chính Nga hôm nay thông báo cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022.

Biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến tất cả nước khác, nhưng có thể áp dụng ngoại lệ đối với các thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) do Moskva dẫn đầu và các khu vực ly khai Nam Ossetia, Abkhazia của Gruzia. EEU là khối kinh tế gồm Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Bộ Tài chính Nga cho biết một số sản phẩm trong ngành lâm nghiệp và đồ gỗ cũng bị cấm xuất khẩu đến "các quốc gia không thân thiện". Danh sách chịu ảnh hưởng gồm 48 quốc gia, trong đó có các nước EU và Mỹ. Nga là nước sở hữu 1/5 diện tích rừng của thế giới và việc khai thác thêm nguồn tài nguyên này có thể giúp nền kinh tế giảm phụ thuộc vào dầu khí.

Tổng thống Putin họp trực tuyến với Hội đồng An ninh Nga tuần trước. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Putin họp trực tuyến với Hội đồng An ninh Nga tuần trước. Ảnh: Reuters.

"Những biện pháp này là phản ứng phù hợp với các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời nhằm mục tiêu bảo đảm hoạt động không gián đoạn của những lĩnh vực then chốt trong ngành kinh tế", thông cáo của Bộ Tài chính Nga có đoạn.

Hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết Moskva cũng có thể ngừng xuất khẩu ngũ cốc đến một số nước từng thuộc Liên Xô và nằm trong Liên minh Kinh tế Á Âu (EEU) từ ngày 15/3 đến 31/8, cũng như cấm xuất khẩu đường ra ngoài khối EEU.

Trong cuộc họp chính phủ được chiếu trên truyền hình hôm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moskva đang tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt. "Chúng tôi tôn trọng tất cả các nghĩa vụ của mình về nguồn cung năng lượng", ông Putin nói.

Tổng thống Nga cũng nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva đã bắt đầu gây tổn hại cho Mỹ và châu Âu. "Giá nhiên liệu của họ đang tăng, nhưng đó không phải là lỗi của chúng tôi. Đó là kết quả của những tính toán sai lầm của chính họ. Không cần phải đổ lỗi cho chúng tôi", ông Putin nói.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó thừa nhận kinh tế Nga đang chịu cú sốc và có những hậu quả tiêu cực. "Đây là điều chưa từng có tiền lệ, chưa có cuộc chiến kinh tế nào nhằm vào Nga như vậy. Rất khó để dự đoán", ông nói.

Quan chức Nga mô tả tình hình hiện nay rất biến động, nhưng khẳng định Moskva đang áp dụng những biện pháp nhằm bảo đảm ổn định và hạn chế tối đa tác động từ các đòn trừng phạt của phương Tây.

Tổng thống Putin cũng trấn an người dân Nga khi tuyên bố "chắc chắn sẽ giải quyết được tất cả vấn đề này trong khi làm việc một cách bình tĩnh". "Dần dần, mọi người sẽ hiểu rằng đơn giản là không có vấn đề nào mà chúng ta không thể xử lý", ông nói.

Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2, với mục tiêu "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine. Mỹ và châu Âu đã áp nhiều biện pháp cấm vận với Nga như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT và đóng cửa không phận với máy bay Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 8/3 công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga để phản ứng trước chiến dịch quân sự tại Ukraine. Mỹ nhập khẩu trung bình 20,4 triệu thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Nga mỗi tháng trong năm 2021, chiếm 8% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu dạng lỏng vào nước này.

Anh và EU cùng ngày cũng nêu các kế hoạch để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga. Anh nói rằng họ sẽ "giảm dần nhập khẩu dầu và chế phẩm từ dầu mỏ của Nga trước cuối năm nay", còn EU công bố mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay và hướng đến "độc lập hoàn toàn với nguồn khí đốt, dầu và than của Nga trước năm 2030".

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 8/3 ký sắc lệnh hạn chế hoặc cấm nhập khẩu và xuất khẩu một số sản phẩm và nguyên liệu thô do chính phủ quy định nhằm đảm bảo an ninh Nga. Sắc lệnh về "các biện pháp kinh tế đặc biệt" này sẽ có hiệu lực đến ngày 31/12.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nga-cam-xuat-khau-hon-200-mat-hang-a118613.html