Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (11/3), với chỉ số Dow Jones hoàn tất tuần giảm thứ 5 liên tiếp, khi nhà đầu tư tiếp tục thận trọng về cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Giá dầu tăng trong phiên này, nhưng có một tuần mất giá khá mạnh.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 229,88 điểm, tương đương giảm 0,7%, còn 32.944,19 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 1,3%, còn 4.204,31 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 2,2%, còn 12.843,81 điểm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/3 nói rằng đã có “những chuyển biến tích cực nhất định” trong cuộc đàm phán giữa Nga với Ukraine. Tuy nhiên, hai bên chưa đàm phán về ngừng bắn. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy được cho là nói rằng Ukraine đã đạt tới một “bước ngoặt mang tính chiến lược” trong cuộc chiến với Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi chấm dứt địa vị đối tác thương mại ưu tiên của Nga, trong khi Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật ngân sách bao gồm 14 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
“Thị trường chứng khoán có thêm một tuần giảm nữa, vì những hy vọng về ngừng bắn lại chuyển thành thất vọng. Sự bấp bênh càng tăng thêm”, chuyên gia Ryan Detrick của LPL Financial nhận định.
Tuần này, Dow Jones giảm trọn 5 phiên, khi cuộc chiến Nga-Ukraine tiếp tục phủ bóng lên tâm trí nhà đầu tư. Đây là tuần giảm thứ 5 liên tiếp của Dow Jones, trong khi S&P 500 và Nasdaq có tuần giảm thứ hai liên tiếp.
Cả tuần, Dow Jones giảm 2%; S&P 500 mất 2,9%; và Nasdaq trượt 3,5%.
“Ông Putin đã đưa ra một số phát biểu tích cực, nhưng nhà đầu tư vẫn cứ thận trọng vì biết đâu những gì ông ấy nói không trở thành hiện thực”, chiến lược gia trưởng Jim Paulsen của Leuthold Group nhận định.
Tuy nhiên, một báo cáo của ngân hàng Bank of America nói rằng sự sụt giảm của chứng khoán Mỹ liên quan đến xung đột vũ trang Nga-Ukraine có thể đã chạm đáy.
“S&P 500 đã giảm 12% kể từ đỉnh. Điều này cho thấy một sự điều chỉnh về mức hợp lý sau đợt tăng nóng trước đó”, chiến lược gia Savita Subramanian của Bank of America Securities phát biểu. “Diễn biến của giá cổ phiếu gần đây chủ yếu phản ánh cú sốc địa chính trị. Từ mức đỉnh đến mức đáy kể từ khi tình hình Nga-Ukraine nóng lên vào đầu tháng 2, S&P 500 đã mất 9%, tương tự mức giảm điển hình trong các sự kiện vĩ mô/địa chính trị”.
Lạm phát tăng cao cùng với sự leo thang của giá nhiên liệu đang gây tổn hại đối với niềm tin người tiêu dùng ở Mỹ. Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan giảm còn 59,7 điểm trong tháng 3, mức thấp nhất kể tư fthangs 9/2011, từ mức 62,8 điểm trong tháng 2.
“Dữ liệu cho thấy sự sụt giảm của niềm tin người tiêu dùng cho thấy các hộ gia đình đang lo lắng về lạm phát. Điều này làm gia tăng nỗi lo về sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ, thậm chí là một cuộc suy thoái”, ông Paulsen nói.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 3,34 USD/thùng, tương đương tăng 3,1%, chốt ở 112,67 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,31 USD/thùng, tương đương tăng 3,1%, chốt ở 109,33 USD/thùng.
Cuộc đàm phán hạt nhân rơi vào bế tắc giữa Mỹ và Iran đang hỗ trợ cho giá dầu. Tuy nhiên, dầu thô đã có một tuần giảm giá vì các nhà giao dịch cho rằng thị trường có thể đã lo sợ quá mức cần thiết về sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga.
“Việc đàm phán với Iran dừng lại vẫn đang nâng đỡ giá dầu. Nhưng thị trường đang chờ các dữ liệu xuất khẩu từ Nga để xác định xem nguồn cung dầu từ nước này bị gián đoạn như thế nào”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định.
Theo ông Staunovo, trong tuần tới, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) để sáng tỏ thêm về triển vọng nguồn cung dầu toàn cầu trong năm nay.
Cả tuần này, giá dầu Brent giảm 4,8% và giá dầu WTI giảm 5,7%. Tuần trước, giá hai loại dầu đều tăng khoảng 20%. Đầu tuần này, giá dầu Brent có lúc lên gần 140 USD/thùng và giá dầu WTI có lúc vượt 130 USD/thùng, đều là những đỉnh giá kể từ năm 2008.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ca-chung-khoan-my-va-gia-dau-cung-giam-trong-tuan-nay-a118714.html