Khi thị trường còn tiềm tàng bất ổn, các chuyên gia cho rằng, việc duy trì tỷ lệ sức mua nhất định sẽ giúp nhà đầu tư có vị thế tốt hơn trong những nhịp sụt giảm giá cổ phiếu.
Những pha thay đổi nhanh như chớp
Sau phiên lao dốc 25 điểm hôm 8/3, chỉ sau một đêm, TTCK Việt Nam đã có đà phục hồi nhất định. Kết thúc phiên giao dịch 9/3, VN-Index tăng 0,03 điểm lên 1.473,74 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng giá trị khớp lệnh đạt 34.843 tỷ đồng, giảm 9,7% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 10,2% xuống còn 28.932 tỷ đồng.
Nhà đầu tư tham khảo thị trường chứng khoán. Ảnh: Hải Linh
Đáng chú ý, sau phiên mất phong độ của nhóm cổ phiếu đang được hưởng lợi từ những bất ổn của tình hình Nga - Ukraine, các mã dầu khí, phân bón… lại đồng loạt tăng. DCM có thời điểm tăng trần lên 45.150 đồng/CP, DPM tăng 6,8% lên 66.200 đồng/CP, PVB, PVC và PVG đều được kéo lên mức giá trần; PVS tăng 6,1%, PGS tăng 5,9%.
Có thể thấy, TTCK thời gian qua thay đổi chóng mặt, đang vui bỗng buồn, đang nắng bỗng mưa. Trước đó, phiên 8/3, sắc đỏ bao phủ hầu hết các nhóm ngành. Hàng loạt cổ phiếu trụ đổ đèo với tốc độ cao, cộng thêm hàng loạt cổ phiếu hàng hóa cơ bản bị chốt lời mạnh đã khiến VN-Index bốc hơi hơn 25 điểm. Sau phiên bung sức khi đồng loạt tăng mạnh, nhóm cổ phiếu "hot" liên quan đến hàng hóa cơ bản như dầu khí, thép, phân bón, than đã bị chốt lời mạnh. Hàng loạt cổ phiếu rơi rụng trong phiên chiều khiến sắc đỏ lên ngôi, dù vẫn le lói một vài mã xanh tím. Tuy nhiên, pha lội dòng ngoạn mục của một số cổ phiếu này được cho là nhờ yếu tố dòng tiền đầu cơ cá biệt chứ không phải nhờ yếu tố hưởng lợi chung của nhóm ngành.
Thận trọng trước những bất ổn
Theo các chuyên gia, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine bất ngờ khởi phát trong những tuần cuối tháng 2 đưa thị trường đảo chiều sang trạng thái tiêu cực. Về mặt kinh tế, cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp lên nền kinh tế Việt Nam, do giá trị thương mại giao thương với hai quốc gia trên là không đáng kể. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tâm lý phòng thủ trước những bất ổn kinh tế có thể phát sinh từ sự đáp trả qua lại giữa các bên trong cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ tạo nên những phiên biến động mạnh.
Khi thị trường còn tiềm tàng bất ổn, việc duy trì tỷ lệ sức mua nhất định sẽ giúp nhà đầu tư có vị thế tốt hơn trong những nhịp sụt giảm giá cổ phiếu.
Trong tháng 3, báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, quyết định lãi suất của FED dự kiến sẽ công bố giữa tháng 3 là yếu tố đang được quan tâm. Việc Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 đã là yếu tố được dự đoán từ trước khi lạm phát tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục. Trong đó, mức kỳ vọng về đợt tăng lãi suất của Fed có thể đạt 0,5 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó là 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, trong kịch bản tốt hơn dự kiến là mức tăng chỉ khoảng 0,25 điểm phần trăm trong bối cảnh xung đột chính trị leo thang tại Nga và Ukraine thì điều này có thể tác động tích cực trong ngắn hạn về mặt tâm lý chung trên thị trường.
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng, chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.450 - 1.540 trong tháng 3. Về khuyến nghị đầu tư, các cổ phiếu thuộc nhóm thủy sản, cảng biển sẽ diễn biến tích cực theo xu hướng thuận lợi của giá cả hàng hóa. Cổ phiếu nhóm công nghệ cũng được kỳ vọng tốt với động lực từ chuyển đổi số giúp hỗ trợ cho câu chuyện lợi nhuận trong năm nay. Ngoài ra, dòng tiền dài hạn có thể trú ẩn vào cổ phiếu ngân hàng khi nhìn xa hơn vào câu chuyện tăng trưởng nửa sau 2022 và ảnh hưởng căng thẳng địa chính trị dần qua đi. Các nhóm cổ phiếu lớn như dầu khí và thép (nếu có) sẽ hỗ trợ nhẹ cho chỉ số khi dư địa không còn nhiều, khi giá đã phản ánh tác động của việc căng thẳng chính trị leo thang.
Tương tự, báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, với diễn biến bất ngờ từ căng thẳng Nga -Ukraina, TTCK Việt Nam đã không tránh khỏi khoảng thời gian biến động. Mặc dù tác động trực tiếp của tình hình xung đột Nga - Ukraine hiện không phải quá lớn với tỷ trọng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước đều chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, rủi ro ngắn hạn đối với Việt Nam khi xung đột kéo dài là áp lực lạm phát có thể tăng mạnh và sớm hơn so với dự kiến.
Mặt khác, liên quan đến kế hoạch tăng lãi suất của FED, áp lực đối với đồng VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế cũng như cán cân thương mại nhập siêu (2 tháng đầu năm ước tính 0,9 tỷ USD) và giai đoạn cao điểm nguồn kiều hối đã qua. Tuy nhiên, cán cân thương mại sẽ nhanh chóng được cải thiện khi xuất khẩu hồi phục và sẽ giúp đồng VND duy trì được sức mạnh.
Diễn biến của TTCK trong giai đoạn vừa qua lại cho thấy sức chống chịu với rủi ro khá tốt và các chỉ số trên TTCK Việt Nam và chỉ số S&P 500 trên TTCK Mỹ cho thấy mức độ tương quan khá thấp. Một mặt, các chuyên gia SSI cho rằng, tác động từ việc FED nâng lãi suất trong tháng 3 có thể đã được phản ánh phần lớn. Mặt khác, quyết tâm mở cửa nền kinh tế sớm hơn dự kiến kể từ 15/3 là một yếu tố tạo ra kỳ vọng tích cực đối với hoạt động kinh doanh của DN. Với diễn biến tăng mạnh của giá hàng hóa, vẫn có thể kỳ vọng vào các biện pháp kiểm soát giá của Chính phủ sẽ tiếp tục đem lại hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng của lạm phát tới quá trình phục hồi kinh tế.
"Đối với nhóm cổ phiếu theo giá hàng hóa, dòng tiền vẫn có thể xoay vòng khiến nhóm này bật tăng sau nhịp điều chỉnh, bởi giá hàng hóa vẫn có thể neo ở mức cao do căng thẳng địa chính trị leo thang. Tuy nhiên, khi chiến sự được dàn xếp, hòa bình lập lại thì "sóng" của nhóm cổ phiếu này sẽ nhanh chóng thoái trào. Do đó, nhà đầu tư cũng cần phải lưu ý không nên mua đuổi nhóm này khi sự hưởng lợi này chỉ tác động tới giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Đà "ăn theo" có thể chững lại và quay đầu khiến những người đến sau ôm thua lỗ. Thay vào đó, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2022 và chia thưởng cổ tức cao trong mùa đại hội cổ đông sắp tới sẽ có thể lưu giữ được dòng tiền bền vững." - Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Đỗ Bảo Ngọc
"Trong ngắn hạn, biến số về mâu thuẫn Nga - Ukraine mặc dù không tác động lớn đến TTCK Việt Nam nhưng vẫn là rủi ro cần nhà đầu theo dõi và thận trọng. Các yếu tố tích cực có thể tác động đến thị trường trong tháng 3 bao gồm kết quả kinh doanh sơ bộ quý I/2022 và kế hoạch định hướng năm 2022 trong mùa đại hội cổ đông đang đến gần." - Báo cáo chiến lược tháng 3 của Công ty Chứng khoán SSI
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-hoi-nao-cho-nha-dau-tu-thang-3-a118936.html