Dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen: Hàng loạt công trình không phép, ảnh hưởng đến môi trường ra sao?

Sau hàng loạt vấn đề môi trường tại dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen mà Tạp chí Kinh tế Môi trường phản ánh trong năm 2021, mới đây cơ quan chức năng còn phát hiện trong dự án này có nhiều công trình xây dựng không phép.

Tại văn bản số 175/UBND-KT do Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) - Lưu Tiến Chính vừa ký thể hiện nội dung 3 công trình thuộc dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen nằm trên thửa đất của bà Nguyễn Thị Tương (thị trấn Đạ M’ri) có 3 công trình không phép. Việc xây dựng các công trình này của chủ đầu tư dự án là không đúng. Hiện cơ quan chức năng huyện Đạ Huoai đã tạm đình chỉ thi công 3 công trình này.

Bên cạnh đó, dự án khu du lịch Đại Tùng Lâm Hoa Sen mới được Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp phép xây dựng 1 công trình với 6 hạng mục nhưng bên trong dự án đã mọc lên hàng loạt công trình và đường giao thông kiên cố ngang dọc.

Bên trong dự án này, đất đai vẫn tiếp tục bị san gạt, xây dựng rầm rộ mặc dù đây đều là những công trình nằm ngoài giấy phép do Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp, cũng như quy hoạch không gian kiến trúc do UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.

Dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen: Hàng loạt công trình không phép, ảnh hưởng đến môi trường ra sao? - Ảnh 1
Một phần dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng).

Trước đó, hồi tháng 1/2021, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng từng trả hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xây dựng công trình trong khuôn viên Đại Tùng Lâm Hoa Sen của chủ đầu tư dự án - Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (thành viên của Tập đoàn Hoa Sen) vì chưa thể hiện nội dung theo quy định (bao gồm: số lượng, quy mô về diện tích, số tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất... của các hạng mục công trình xin phép); Thiếu quyết định phê duyệt thiết kế của đơn vị chủ đầu tư; hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra và các các nhân chủ trì; Chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt hồ sơ thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Được biết, dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen có tổng vốn đầu tư gần 590 tỉ đồng, tổng diện tích mặt đất và mặt nước hơn 567 ha. Trong đó, diện tích khu vực 1 gần 428 ha (đất có rừng hơn 361 ha và đất nông nghiệp hơn 66 ha).

Nói về dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm, trả lời trên báo chí, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen từng chia sẻ, đây là dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh. Đơn vị mang công sức, tiền của ra đầu tư với mong muốn làm thay đổi và mang lại diện mạo cho một vùng đất mới.

Dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen: Hàng loạt công trình không phép, ảnh hưởng đến môi trường ra sao? - Ảnh 2
Nhiều công trình bên trong dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen.

Thời điểm đầu tháng 6/2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường có loạt bài phản ánh về dự án này có dấu hiệu tác động xấu tới môi trường khi trong quá trình thi công, chủ đầu tư dự án đã đặt cống qua 2 con suối (nguồn nước sinh hoạt của người dân) làm lối đi tạm vào dự án khiến sinh hoạt và hoạt động canh tác của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong quá trình thi công chủ đầu tư dự án đã tự ý khai thác vượt quá khối lượng đất ở một quả đồi nằm cạnh QL20 (đối diện dự án) để san lấp mặt bằng. Quả đồi này thuộc quản lý của chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, khi chưa được sự đồng ý của cấp thẩm quyền liên quan, chủ đầu tư đã ngang nhiên đưa máy xúc, máy ủi lấy đi một khối lượng lớn đất tại quả đồi này.

Theo ghi nhận của Phóng viên, hồi giữa tháng 5/2021, quả đồi mặt tiếp giáp với QL20 đã bị khoét hẳn một vùng sâu hoắm. Tại khu vực có 3 chiếc máy xúc, máy ủi đang hoạt động mặc dù lúc này đã gần 19h. Một số công nhân làm việc bên trong khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm xác nhận, khối lượng đất lấy tại quả đồi được đổ vào bên trong dự án để san lấp mặt bằng.

Liên quan đến dự án này, một người dân tên Nguyễn Thị Tương - người sở hữu hơn 20.000 m2 đất liên quan đến dự án đã gửi đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan các cấp với nội dung cho rằng, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen có biểu hiện tự ý xâm chiếm một phần đất của mình để san ủi, hủy hoại đất và tài sản trên đất để xây dựng dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm.

Bà Tương yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen chấm dứt hành vi trên và đang nhờ luật sư chuẩn bị các hồ sơ pháp lý, có thể tiến hành khởi kiện ra tòa về những hành vi sai phạm của doanh nghiệp trong quá trình làm dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm.

Dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen: Hàng loạt công trình không phép, ảnh hưởng đến môi trường ra sao? - Ảnh 3
Dự án Đại Tùng Lâm Hoa Sen: Hàng loạt công trình không phép, ảnh hưởng đến môi trường ra sao? - Ảnh 4
Bên trong dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen là đại công trường thi công rầm rộ cả ngày lẫn đêm (Ảnh chụp tháng 5/2021).

Mới đây, bà Tương lại tiếp tục lên tiếng tố cáo, có nhiều đối tượng  dùng loa công suất lớn khủng bố tinh thần cả ngày lẫn đêm đối với 57 công dân đang tạm trú tại cơ sở bà Nguyễn Thị Tương khiến nhiều người bức xúc. Nhiều người nghi vấn nhóm đối tượng này có liên quan đến chủ đầu tư dự án khu lịch tâm linh Đại Tùng Tâm Hoa Sen.

Chính quyền ở đâu?

PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho hay: Bất kỳ một dự án nào trong quá trình xây dựng mà có tiến hành bạt núi, khai thác đất đều tác động tới môi trường, có thể dẫn tới nguy cơ khói bụi, sạt lở, rửa trôi... Vì vậy, theo nguyên tắc, trước khi triển khai dự án thì phải tiến hành khảo sát, có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trình cơ quan chức năng phê duyệt.

"Còn đối với trường hợp khai thác đất ở một khu vực khác với mục đích dùng để san lấp mặt bằng khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm thì chủ đầu tư phải thực hiện một báo cáo ĐTM khác với ĐTM của dự án. Sau đó trình cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt. Khi đó doanh nghiệp mới được khai thác đất đồi. Bởi phạm vi khai thác đất này nằm ngoài dự án.  Ngoài ra, chủ đầu tư còn phải trả phí cho việc khai thác đất (khoáng sản)...", PGS.TS Phùng Chí Sỹ thông tin.

Đối với thông tin chủ đầu tư khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm khai thác một lượng lớn đất ở quả đồi bên cạnh để san lấp mặt bằng dự án mà chưa được cơ quan chức năng cấp phép, PGS.TS Phùng Chí Sỹ cho rằng, với trách nhiệm của cơ quan quản lý trên địa bàn thì UBND huyện Đạ Huoai, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Lâm Đồng phải thành lập đoàn chuyên môn để kiểm tra.

"Nếu kết quả kiểm tra nhận thấy chủ đầu tư có những sai phạm thì cần phải tiến hành xử phạt, đình chỉ thi công dự án. Sai phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như sạt lở, gây tác hại kinh tế, tính mạng con người thì thậm chí còn phải chuyển cơ quan công an khởi tố vụ án đề điều tra, xác định những cá nhân sai phạm để xem xét khởi tố hình sự", PGS.TS Phùng Chí Sỹ đề nghị.

Ngoài ra, ông Sỹ cũng đề nghị thêm, nếu thấy có sai phạm lớn gây tác động tới môi trường tại dự án khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm thì cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan chức năng khi để xảy ra tình trạng khai thác đất, tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn. Cụ thể, là cơ quan chức năng tại thị trấn Đạ M'ri, rồi đến UBND huyện Đạ Huoai, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng hoặc những đơn vị liên quan khác.

"Hành vi sai phạm nằm cạnh QL20, gần trung tâm thị trấn Đạ M'ri và trụ sở UBND huyện Đạ Huoai thì không thể nói đơn vị quản lý trên địa bàn không biết sự việc này. Khối lượng đất bị khai thác theo phản ánh lên tới cả triệu m3 chứ không chỉ vài ba bao tải. Chính vì thế, người dân hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ về năng lực của cơ quan quản lý địa bàn", vị chuyên gia này bày tỏ.

Dưới góc nhìn của Phật giáo, Thượng tọa Thích Thanh Huân, Ủy viên Thư ký Hội đồng trị sự Trung ương, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, điều quan trọng nhất vẫn là thiên nhiên và con người. Nếu như một dự án gây ảnh hưởng, tác động xấu tới thiên nhiên và ảnh hưởng tới con người thì cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh thành khác nói chung cần phải xem xét lại, yêu cầu cá nhân, tổ chức xây dựng phải thực hiện cho đúng.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/du-an-dai-tung-lam-hoa-sen-hang-loat-cong-trinh-khong-phep-anh-huong-den-moi-truong-ra-sao-a119198.html