Bắc Giang: Nhiều dấu hiệu sai phạm, nguy cơ thất thu thuế từ khai thác tài nguyên ở xã Cao Xá, Huyện Tân Yên

Trước nhu cầu đất phục vụ san lấp mặt bằng các công trình ngày càng tăng, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) nhiều tổ chức, cá nhân bất chấp quy định của pháp luật đánh cắp tài nguyên, trục lợi bất chính làm thất thu ngân sách, chảy máu tài nguyên, phá vỡ cảnh quan môi trường.

Vừa qua, theo thông tin phản ánh của người dân về việc tại xã Cao Xã, huyện Tân Yên (Bắc Giang) tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản đất san lấp khai thác hàng ngày gây tiếng ồn từ máy móc; bụi bặm, rơi vãi từ việc vận chuyển gây ô nhiễm môi trường, những chiếc xe có biểu hiện quá khổ, quá tải đi từ khu khai thác ra đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân.

Chưa dừng lại ở đó, tại các điểm khai thác có dấu hiệu khai thác vượt ra ngoài phạm vi được cấp phép, vượt trữ lượng, không có hệ thống trạm cân, camera giám sát trữ lượng có nguy cơ gây thất thoát ngân sách nhà nước. Đơn cử như điểm mỏ khai thác khoáng sản trong diện tích thuộc dự án “thi công cắt tầng, chống sạt lở đất, đá tại khu vực thôn Trung, xã Cao Xá, huyện Tân Yên”.

nhieu-xe-tai-vao-lay-dat-tai-diem-khai-thac-1647241282.jpeg
Từng đoàn xe ba chân, bốn chân vào "ăn đất" tại điểm khai thác.

“Mục sở thị” tại khu vực trên vào chiều ngày 10/3, phóng viên chứng kiến tại đây có nhiều máy múc đang múc đất liên tục đưa lên một số xe ô tô tải vận chuyển ra bên ngoài mang đi tiêu thụ. Các xe ô tô này đều chở đất vượt quá thành thùng, che bạt không kín gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, trước khi đưa ra khỏi điểm khai thác để đi tiêu thụ, những xe đất này cũng không được cân trọng tải để xác định chính xác khối lượng, trữ lượng trên xe. Và cả quả đồi gần như được "cạp" sạch, chỉ còn lại một "chỏm".

Theo thông tin tìm hiểu được, ngày 12/10/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho phép UBND xã Cao Xá để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ( đất san lấp) bằng phương pháp lộ thiên trong diện tích dự án “thi công cắt tầng, chống sạt lở đất, đá tại khu vực thôn Trung, xã Cao Xá, huyện Tân Yên” (thuộc khu vực sạt trượt lở đất, đá được khảo sát theo đề án “điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 351/QĐ-TTg ngày 27/3/2012) để phục vụ thi công san lấp mặt bằng, đắp nền dự án Khu đô thị Đồng Chủ, Đồng Cầu, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên và các công trình khác trên địa bàn huyện Tân Yên.

Cũng theo giấy phép khai thác khoáng sản mà UBND tỉnh Bắc Giang cấp cho UBND xã Cao Xá, diện tích khu vực khai thác là 2.800m2. Mức sâu khai thác theo hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật đã được UBND xã Cao Xá thẩm định tháng 8/2021, độ sâu tầng kết thúc đến cốt +10,2m. Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là 14.112m3. Thời hạn khai thác 6 tháng.

dien-tich-va-khoi-luong-khoang-san-duoc-phep-khai-thac-trong-giay-phep-it-hon-so-voi-thuc-te-1647241546.png
Theo giấy phép khai thác khoáng sản mà UBND tỉnh Bắc Giang cấp cho UBND xã Cao Xá thì diện tích khu vực khai thác là 2.800m2, trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác là 14.112m3.

Đồng thời, giấy phép khai thác cũng nêu rõ, trong quá trình khai thác phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật, đảm bảo kỹ thuật, an toàn công trình; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông trong khu vực dự án, trên đường vận chuyển và qua khu dân cư. Sử dụng xe ô tô vận chuyển đất có tải trọng phù hợp theo quy định, đúng tuyến đường và thời gian vận chuyển cam kết trong phương án đã lập và được chấp thuận. Không sử dụng phương tiện cơi nới thành thùng, không bốc xúc, vận chuyển quá khổ, quá tải trọng cho phép.

Liên quan đến thực trạng vi phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết, tình trạng khai thác đất san lấp mặt bằng, đất sét trái phép, vi phạm giấy phép từng được phản ánh, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý. Số vụ vi phạm tuy giảm nhưng vẫn có chiều hướng diễn biến khá phức tạp nếu không được ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm.

Lý do là hiện nay nhu cầu đất san lấp mặt bằng các công trình khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, đường giao thông trên địa bàn tỉnh rất lớn, trong khi trữ lượng đất của các mỏ đã cấp phép chỉ 10 triệu m3, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu nên có tổ chức, cá nhân ngang nhiên đánh cắp tài nguyên. Thực tế, tổ chức, cá nhân vi phạm trục lợi bất chính từ 18-20 nghìn đồng/m3 đất san lấp mặt bằng. Cũng vì lợi nhuận cao nên nhiều tổ chức, cá nhân bất chấp quy định của pháp luật, khai thác đất trái phép.

nui-doi-bi-khai-thac-nghiem-trong-1647241650.jpeg
Cả quả đồi gần như bị "cạp" sạch.

Nguyên nhân nữa còn do chính quyền cấp xã, huyện thiếu kiểm tra sâu sát, xử lý nghiêm vi phạm từ khi manh nha. Có nơi chỉ khi người dân báo, chính quyền sở tại mới kiểm tra, khi đó tài nguyên đã bị đánh cắp. Lo ngại hơn, công tác hậu kiểm của cơ quan chức năng không thường xuyên, có tình trạng phạt cho tồn tại, chưa đủ sức răn đe nên vi phạm tái diễn, gây nhờn “luật”.

Trước thực trạng đó, ngày 27/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã có vă bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, tăng cường kiểm tra, xem xét tham mưu tỉnh đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép đối với tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều lần. Đồng thời đề xuất chấn chỉnh, kiểm điểm trách nhiệm, phê bình người đứng đầu địa phương để xảy ra vi phạm mà không ngăn chặn, xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.

Bên cạnh đó, để tránh thất thoát ngân sách, chảy máu tài nguyên, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, tại Điều 42 chỉ rõ: “Việc xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế được thực hiện trên cơ sở các thông tin, số liệu của sổ sách, chứng từ, tài liệu quy định. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan”.

Quy định pháp luật, chủ trương của lãnh đạo UBND tỉnh Băc Giang là vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì mà UBND xã Cao Xá lại không có động thái kiểm tra, xử lý trước những dấu hiệu vi phạm "rõ như ban ngày" trong suốt thời gian dài?

Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền xã Cao Xá, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Yên "làm ngơ" trước sai phạm trên?

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bac-giang-nhieu-dau-hieu-sai-pham-nguy-co-that-thu-thue-tu-khai-thac-tai-nguyen-o-xa-cao-xa-huyen-tan-yen-a119244.html