Nguồn cung xăng dầu được bảo đảm

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí nhanh chóng khắc phục sự cố của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và cam kết có kế hoạch cung ứng xăng dầu ổn định

Theo kế hoạch, hôm nay (16-3), tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ trả lời chất vấn một số nội dung thuộc lĩnh vực công thương, trong đó có vấn đề xăng dầu. Trước phiên chất vấn, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ tình hình sản xuất, cung ứng, nhập khẩu xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua. Trong đó, nhấn mạnh các khó khăn đang gặp phải khi Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất do gặp khó khăn về tài chính.

Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước. Ảnh: TẤN THẠNH

Từ báo cáo của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bộ Công Thương cho biết từ đầu tháng 1-2022, nhà máy đã giảm công suất từ mức 100% xuống 80%, sau đó chỉ ở mức 55%-60% công suất. Do cắt giảm công suất sản xuất nên việc giao hàng thực tế cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước bị giảm. Sang tháng 3, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với những tháng thông thường do lượng cung ứng giảm (Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn tiếp tục giảm công suất). Tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2 chuyển sang cùng với việc các thương nhân đầu mối tiếp tục nhập khẩu xăng dầu theo kế hoạch đã được Bộ Công Thương giao từ đầu năm 2022 và nhập khẩu bổ sung để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước nên tháng 3, nguồn cung cho xăng dầu trong nước cơ bản đáp ứng đủ.

Theo Bộ Công Thương, hiện Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất của nhà máy. Do đó, bộ đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II/2022 cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Để ứng phó, Bộ Công Thương đã giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước nhằm bảo đảm đủ xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa trong quý II/2022.

Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN nhanh chóng khắc phục sự cố của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và cam kết có kế hoạch cung ứng xăng dầu ổn định từ nguồn sản xuất trong nước cho thị trường để phục vụ công tác điều hành của Chính phủ và Bộ Công Thương. Đồng thời, PVN cần làm việc cụ thể với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn về kế hoạch sản xuất để công bố rõ kế hoạch cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước theo từng tháng, hỗ trợ các thương nhân đầu mối có kế hoạch đặt mua hàng từ nguồn nhập khẩu sớm, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường trong nước thời gian tới.

Trước đó, trong cuộc họp với một số bộ ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu vào chiều 14-3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, đã nhấn mạnh: "Xăng dầu là mặt hàng thực hiện bình ổn giá. Chúng ta có quỹ bình ổn giá nhưng thời gian qua đã chi ra khá nhiều để kìm tốc độ tăng giá xăng dầu nên dư địa để điều chỉnh không còn. Trên cơ sở đề xuất của liên bộ Tài chính - Công Thương, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu. Nếu được thông qua, chúng ta sẽ điều hành xăng dầu theo giá cơ sở mới từ ngày 1-4".

Giá xăng dầu hạ nhiệt

Tính đến chiều 15-3, giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục giảm còn 96-100 USD/thùng, sau khi đạt đỉnh hơn 130 USD/thùng vào tuần trước. Đáng chú ý là đà giảm này đã kéo dài liên tục 1 tuần trở lại đây. Điều này làm cho giá xăng dầu thành phẩm hạ nhiệt đáng kể.

Theo tính toán của một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang cao hơn mức giá cơ sở là 1.000 đồng đối với xăng và 2.600 đồng/lít với dầu diesel. Lý giải vì sao có mức giá chênh lệch trên, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu cho rằng theo quy định giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh trong chu kỳ điều hành 10 ngày dựa trên cơ sở bình quân tại thị trường Singapore. Nghĩa là doanh nghiệp đầu mối đã ký kết hợp đồng nhập khẩu với giá 10 ngày trước đó ở mức cao nên phải bán giá cao. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục ổn định ở mức như hiện nay thì đợt điều chỉnh sắp tới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng sẽ giảm tương ứng.

Tuy nhiên, theo những đơn vị nhập khẩu xăng dầu, tình hình thế giới vẫn phức tạp, nguồn cung cấp xăng dầu còn khó khăn, để mua được hàng, doanh nghiệp phải chi thêm phụ phí từ 4-5 USD/thùng, trong khi mức chi được cơ quan chức năng cho phép chỉ từ 1,5-2USD/thùng.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nguon-cung-xang-dau-duoc-bao-dam-a119853.html