Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moskva - bao gồm loại nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Trong bối cảnh đó, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là liệu Trung Quốc - đối tác hàng đầu của Nga - có thể hỗ trợ dòng chảy tài chính của nước này vượt qua đòn trừng phạt từ phương Tây hay không. Đặc biệt, liệu hệ thống thanh toán CIPS của Trung Quốc có thể thay thế vai trò của SWIFT không?
Ở thời điểm hiện tại, dường như CIPS vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng kỳ vọng này.
Mỹ và các nước phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moskva. (Ảnh: Bloomberg)
Quy mô CIPS khiêm tốn
Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) được thành lập vào tháng 10/2015 để cung cấp các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ. CIPS kết nối cả thị trường thanh toán trong và ngoài nước, cũng như các ngân hàng tham gia.
Hệ thống này được giám sát bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), được điều hành bởi công ty CIPS có trụ sở tại Thượng Hải. Quyền sở hữu CIPS thuộc về hàng chục cổ đông - bao gồm các tổ chức tài chính nhà nước Trung Quốc, các sàn giao dịch và những ngân hàng phương Tây.
Việc thành lập CIPS là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ trên thế giới - dữ liệu của SWIFT cho thấy đồng tiền Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 3,2% giao dịch toàn cầu trong tháng 1/2022. Đồng thời, hệ thống này cũng được coi như giải pháp giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống tài chính phương Tây.
Thời gian gần đây, CIPS vẫn phát triển ổn định. Tính đến tháng 2, giá trị giao dịch trung bình theo ngày của hệ thống là 388,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 61,3 tỷ USD) - tăng khoảng 50% so với một năm trước.
Tuy nhiên, CIPS và SWIFT không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Trong khi SWIFT là một hệ thống nhắn tin giúp các ngân hàng toàn cầu liên lạc dễ dàng thì CIPS cung cấp dịch vụ thanh toán cho các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, đồng thời được trang bị thêm một số chức năng giao tiếp. Thực tế, hầu hết các ngân hàng sử dụng CIPS vẫn liên lạc qua SWIFT. Viện nghiên cứu tài chính xuyên biên giới tại Thượng Hải chỉ ra rằng tình trạng này là do các ngân hàng đã quá quen với SWIFT, hoặc do họ chưa cài đặt ứng dụng nhắn tin của CIPS.
Xét về quy mô, CIPS vẫn còn rất khiêm tốn so với SWIFT - Hệ thống thanh toán quốc tế có hơn 11.000 thành viên và xử lý khoảng 42 triệu giao dịch mỗi ngày. Trong khi đó, CIPS mới có khoảng 1.300 thành viên (chủ yếu là các cá nhân và tổ chức ở Trung Quốc) và xử lý khoảng 13.000 giao dịch mỗi ngày.
CIPS có thể giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt?
Phân tích của Bloomberg chỉ ra rằng Trung Quốc rất khó hỗ trợ Nga chỉ bằng CIPS.
Trước hết, hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới chỉ có thể hỗ trợ Nga với các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ, với điều kiện Nga và Trung Quốc giải quyết các giao dịch trực tiếp và cả hai bên đều là thành viên của CIPS. Tuy nhiên, các giao dịch thỏa mãn điều kiện trên không nhiều, giao dịch bằng nhân dân tệ giữa Nga-Trung chỉ đạt 6% vào năm 2020.
Ngay cả khi hai quốc gia chuyển các giao dịch thương mại bằng đồng USD sang đồng euro thì nền kinh tế của Nga vẫn bị ảnh hưởng do Mosskva đã cắt đứt với đồng tiền của châu Âu.
Nếu Nga cố sử dụng CIPS thay cho SWIFT, cũng chưa chắc các đối tác bên ngoài Trung Quốc có chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ hay không.
Không chỉ vậy, để thay thế hoàn toàn SWIFT thì Nga sẽ phải gia nhập hệ thống tài chính dựa trên đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, điều này dường như là bất khả thi do Bắc Kinh chủ trương hạn chế dòng tiền vào và ra khỏi đất nước.
Hệ thống thanh toán CIPS của Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng thay thế vai trò của SWIFT. (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc có thể giúp Nga qua những con đường khác
Một số công ty cho vay của Nga đang tìm cách sử dụng hệ thống điều hành thẻ tín dụng UnionPay của Trung Quốc thay cho Visa và Mastercard. Do UnionPay hoạt động ở 180 quốc gia và khu vực, người Nga có thể thực hiện một số giao dịch ở nước ngoài.
Ngoài ra, số liệu tính đến tháng 6/2021 của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy nước này có khoản dự trữ trị giá khoảng 77 tỷ USD nằm ở Trung Quốc. Nga có thể bán bớt số tài sản này để giải quyết các vấn đề trước mắt.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng có một hệ thống giao dịch hoán đổi tiền tệ trị giá hàng tỷ USD với đối tác Nga. Nhờ đó, hai nước có thể cung cấp thanh khoản cho các doanh nghiệp để họ tiếp tục giao dịch.
Đồng thời, Các ngân hàng nhỏ hơn của Trung Quốc không tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế sẽ tiếp tục kinh doanh với Nga do họ ít bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vi-sao-he-thong-thanh-toan-cua-trung-quoc-kho-giup-nga-thay-the-swift-a119911.html