Đấu thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn: Tiết kiệm ngân sách vài chục triệu, 'đội' giá cả tỷ đồng?

Nhiều gói thầu thi công xây lắp và mua sắm hàng hóa do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách trong năm 2021 có tỷ lệ tiết kiệm mang tính chất tượng trưng. Điều này khiến dư luận hoài nghi về tính minh bạch trong công tác đấu thầu tại đơn vị này?

Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn

Theo tìm hiểu, trong quý 4 năm 2021, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn phê duyệt 2 gói thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy học thực hành và 1 gói thầu xây dựng. Điểm chung của các gói thầu này là tỷ lệ tiết kiệm thấp, nhiều thiết bị có dấu hiệu đội giá so với giá bán trên thị trường và cao hơn nhiều so với giá mua của một số đơn vị công lập khác.

Ngày 17/9/2021, tại quyết định số 1292/QĐ-SGDĐT do ông Hoàng Quốc Tuấn, giám đốc Sở ký, đã phê duyệt cho Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Quang Long Lạng Sơn trúng gói thầu Thi công xây dựng công trình: Xây dựng phòng ở cho học sinh nội trú Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lộc Bình, giá trúng thầu là 4.322.570.000 đồng. Trong khi đó, giá gói thầu là 4.338.800.000 đồng, tỷ lệ tiết kiệm chưa đến 0,4%.

Cuối tháng 12/2021, ông Hoàng Quốc Tuấn, giám đốc Sở phê duyệt kết quả lựa chọn 2 nhà thầu cung cấp trang thiết bị với tổng mức giá gần 26 tỷ đồng. Một điểm chung, các trang thiết bị giáo dục tại các gói thầu mua sắm, phục vụ trong công tác đào tạo đều bị "đội giá" so với các đơn vị công lập giáo dục khác.

Cụ thể, ngày 28/12/2021, tại Gói thầu Thi công xây dựng công trình Cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc Sở Giáo dục và Đào tạo, Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Quang Long Lạng Sơn được phê duyệt trúng thầu với giá 4.322.570.000 đồng theo quyết định số 1894/QĐ-SGDĐT ngày 27/12/2021 do ông Hoàng Quốc Tuấn, giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn ký. Giá gói thầu 4.338.800.000 đồng, tiết kiệm ngân sách được 16 triệu đồng.

Trước đó, ngày 27/12/2021, tại quyết định số 1885/QĐ-SGDĐT do ông Hoàng Quốc Tuấn, giám đốc Sở ký, đã phê duyệt cho Liên danh nhà thầu Công ty TNHH công nghệ T&C Việt Nam và Công ty cổ phần vật tư và thiết bị văn phòng CDC trúng gói thầu số 3: Mua sắm thiết bị phòng tin học trang bị cho các trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Giá trị trúng thầu là 21.532.228.000 đồng (giảm được 24.614.000 đồng, tức 0,1%).

Quyết định số 1885/QĐ-SGDĐT do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn ban hành

Đáng chú ý, một số thiết bị trong gói thầu này có tình trạng “đội giá” so với giá duyệt mua của các đơn vị công lập khác.

Đơn cử, Bộ sa bàn giáo dục giao thông, xuất xứ Việt Nam được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn duyệt mua với giá 970.200 đồng/cái. Trong khi đó, giá bán sản phẩm này do Công ty CP sách và thiết bị giáo dục Miền Nam niêm yết chỉ 262.000 đồng/cái. Với số lượng 904 bộ sa bàn cần mua, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao lên tới hơn 640.000.000 đồng, chỉ tính riêng ở hạng mục này.

Sản phẩm Thiết bị âm thanh TRAmp-STU được Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm mua "rẻ" hơn rất nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn đã duyệt mua

Thiết bị âm thanh (dàn âm thanh) TRAmp-STU được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn duyệt mua với giá 13.607.000 đồng/cái trong khi cũng sản phẩm này, Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm chỉ mua với giá bằng một nửa, tức 6.050.000 đồng/cái. Với số lượng 143 chiếc, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao lên tới hàng trăm triệu đồng.

Chưa dừng lại, giá vẽ (3 chân hoặc chữ A, ký hiệu MN.GV001), xuất xứ Việt Nam được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn duyệt mua với giá 459.900 đồng/cái. Nhưng cùng một sản phẩm trên, Sở Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm chỉ mua với giá 350.000 đồng/cái. Chưa kể, sản phẩm này trên thị trường thấp hơn khá nhiều, dao động từ 200.000 đến 250.000 đồng.

Cũng theo bảng danh sách, sản phẩm Ổn áp 15KVA nhãn hiệu LIOA SH 15000 II (Nguyên lý điều khiển: Động cơ Servo 1 chiều) được duyệt mua là 15.100.000 đồng/chiếc, hiện đang được chào mua với giá 8.800.000 đồng.

Với số lượng là 62 chiếc Ổn áp 15KVA, giá trị sản phẩm “đội” lên gần 400.000.000 đồng.

Tương tự, Cây nước nóng lạnh HC01-W, xuất xứ Việt Nam do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn duyệt mua với giá 4.455.000 đồng/cái nhưng theo khảo sát giá thị trường thấp hơn rất nhiều, chỉ 2.650.000 đồng/cái.

Với số lượng cần mua 181 Cây nước nóng lạnh HC01-W, số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn lên tới hơn 320.000.000 đồng.

Với hàng loạt thiết bị có dấu hiệu “đội giá” trong các gói thầu mua sắm Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư kể trên, dư luận đặt câu hỏi về tính hiệu quả, tiết kiệm trong đầu tư công của cơ quan này.

Việc nhiều gói thầu trúng thầu sát giá, tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp tại một chủ đầu tư là một trong những dấu hiệu cho thấy có sự bất thường trong hoạt động đấu thầu, cho thấy sự không hiệu quả trong chi ngân sách và khi hiện tượng này diễn ra phổ biến, thường xuyên thì cơ quan cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm thanh kiểm tra, làm rõ.

Thời gian vừa qua, lãnh đạo một số bệnh viện, giám đốc CDC một số tỉnh và một số công ty, doanh nghiệp đã bị khởi tố do liên quan đến việc mua sắm và nâng khống giá thiết bị y tế. Đây có lẽ sẽ là bài học cho các đơn vị để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong công tác đấu thầu, tránh để xảy ra sai phạm.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin./.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dau-thau-tai-so-giao-duc-va-dao-tao-lang-son-tiet-kiem-ngan-sach-vai-chuc-trieu-doi-gia-ca-ty-dong-a120649.html