Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký quyết định phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025".
Trong đó, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối doanh nghiệp Nhà nước. Đảm bảo nguồn thu từ cơ cấu lại doanh nghiệp nộp ngân sách trong giai đoạn 2021-2025 ít nhất 248.000 tỷ đồng.
Đề án cũng nêu rõ cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước.
Những khoản đầu tư thua lỗ
Đề án này cũng yêu cầu các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành thông qua việc thoái vốn. Đồng thời, thí điểm lựa chọn một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý để đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.
Đáng chú ý, không lâu trước khi đề án được đưa ra, sự kiện Tổng công ty Sông Hồng (SHG) có nguy cơ mất trắng hơn trăm tỷ đồng vốn góp tại Công ty CP Thép Sông Hồng - khi nhà sản xuất thép này tiến hành thủ tục giải thể - cũng được xem là điển hình cho việc cần phải cơ cấu lại hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Thực tế, Tổng công ty Sông Hồng cũng là doanh nghiệp lao dốc về mọi mặt sau quá trình cổ phần hóa nhiều năm. Từ doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, tổng công ty này hiện trở thành doanh nghiệp đa ngành với hàng loạt khoản đầu tư thua lỗ và các dự án bất động sản dở dang.
Tổng công ty Sông Hồng mất quyền chi phối khu đất hơn 10 ha tại thành phố Việt Trì sau khi giảm tỷ lệ sở hữu tại Thép Sông Hồng từ 85% xuống 32,9%. Ảnh: T.L.
Ngay như tại Thép Sông Hồng, trước khi tái cơ cấu vốn năm 2015, nhà sản xuất thép này thuộc sự chi phối của Tổng công ty Sông Hồng với tỷ lệ 85%. Trong đó, ngoài hoạt động sản xuất thép, công ty còn sở hữu tài sản giá trị là hơn 10 ha đất tại phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, cũng là nơi đặt nhà máy thép.
Tuy nhiên, sau khi giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 85% xuống 32,9%, Tổng công ty Sông Hồng cũng chính thức mất quyền kiểm soát công ty thép này cùng 10 ha đất nhà xưởng kể trên.
Không riêng khoản đầu tư này, Tổng công ty Sông Hồng cũng đang phải trích lập dự phòng 82/84 tỷ đồng đã đầu tư vào 7 công ty con khác trong nhiều lĩnh vực, tương đương gần 98% giá trị đầu tư.
Với các khoản đầu tư vào công ty liên kết, trong tổng số 192 tỷ đồng đã rót vốn vào các công ty này, Sông Hồng cũng đang phải trích lập dự phòng gần 134 tỷ.
Hàng loạt dự án dở dang khi cổ phần hóa
Không chỉ kém hiệu quả trong hoạt động đầu tư góp vốn, Sông Hồng còn gặp khó trong việc triển khai các dự án bất động sản hợp tác đầu tư hoặc do chính mình làm chủ.
Cụ thể, tổng công ty này chính là chủ đầu tư dự án Sông Hồng Tower trên lô đất 1,38 ha tại Khu đô thị mới Hà Nội (phường Xuân Tảo và Cổ Nhuế 1). Tổng mức đầu tư ban đầu cho dự án là 1.192 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2010-2013. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn đang trong quá trình trình UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500.
Tại dự án Khách sạn Royal Sông Hồng (thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai), Sông Hồng cũng là chủ đầu tư với vốn dự kiến 47,6 tỷ đồng, khởi công từ quý IV/2009 nhưng đến năm 2015 thì dừng thi công. Đến nay, dự án mới hoàn thành được 90% công việc và phương án lập công ty cổ phần để thực hiện tiếp dự án vẫn chưa được thực hiện.
Hay như tại dự án xây dựng khu nhà ở cán bộ Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trên khu đất rộng 2,06 ha tại Xuân Đỉnh, Nam Từ Liêm, có tổng vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng, do Sông Hồng hợp tác với Tập đoàn dược phẩm Vimedimex triển khai. Trong đó, tổng công ty góp 10% vốn nhưng do không đủ tiền góp theo đúng hạn, dẫn tới Vimedimex phải chi toàn bộ 100% vốn đầu tư.
Ngoài ra, Tổng công ty Sông Hồng còn đang gặp khó tại hàng loạt dự án khác cũng với lý do tương tự về điều chỉnh quy hoạch, thiếu vốn, như dự án Lập quy hoạch chi tiết khu đất kinh tế địa phương tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai; dự án Lập quy hoạch chi tiết 1/500 tại khu đất 70-72 An Dương; dự án nhà ở tái định cư quận Hoàng Mai tại Khu đô thị Đền Lừ III…
Đi cùng sự khó khăn tại các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết và các dự án bất động sản, trong gần một thập niên trở lại đây, cả doanh thu và lợi nhuận của tổng công ty này đã liên tục lao dốc.
Từ doanh nghiệp có quy mô tài sản trên 3.000 tỷ, doanh thu gần 3.300 tỷ đồng trước năm 2011, tổng tài sản của Sông Hồng đã giảm mạnh về mức trên 1.000 tỷ hiện tại và doanh thu chỉ còn vài chục tỷ đồng trong những năm gần đây.
Tổng công ty này cũng đã thua lỗ liên tục từ năm 2015 đến nay với số lỗ lũy kế đến tháng 6/2021 lên tới 1.056 tỷ, cao gấp 4 lần vốn điều lệ.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tong-cong-ty-song-hong-va-loat-du-an-dang-do-khi-co-phan-hoa-a121199.html