Kinh doanh chỉ nhờ vào nguồn vốn bơm tiền từ ngân hàng mẹ và hệ sinh thái?
Mcredit được thành lập ngày 10/03/2016 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng do một "ông lớn" ngân hàng TMCP sở hữu 100% vốn. Tháng 10/2017, MCredit hoàn tất thủ tục liên doanh với đối tác Nhật Bản Shinsei Bank, đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei. Đến tháng 11/2021, MCredit tăng vốn điều lệ lên mức 1.300 tỷ đồng, trong đó ngân hàng này vẫn giữ tỷ lệ góp vốn 50%, Shinsei Bank sở hữu 49% và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành sở hữu 1%.
Vốn chủ sở hữu của MCredit cũng liên tục tăng qua từng năm, đạt 1.432 tỷ đồng vào cuối năm 2020, gần gấp 3 lần thời điểm mới thành lập. Quy mô tổng tài sản thậm chí còn tăng vọt lê 12.849 tỷ đồng, tăng gần 29% so với cuối năm 2019 và gấp 25,5 lần thời điểm cuối năm 2016.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng nợ phải trả duy trì ở quanh mức 13% trong 2 năm trở lại đây, thấp hơn đáng kể so với FE Credit (26,8%), Home Credit (26,2%) hay HD SAISON (27%) thời điểm cuối năm 2020. Điều này cho thấy công ty phụ thuộc lớn vào nguồn vốn từ hai ngân hàng mẹ.
Cùng quá trình mở rộng quy mô, dư nợ của MCredit cũng đã liên tục tăng từ mức 1.550 tỷ đồng tại cuối năm 2017 lên 10.173 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Tăng trưởng kép tương ứng 87%/năm và xếp thứ 4 trong số các công ty tài chính tiêu dùng.
Theo MCredit, kết quả này có được phần nào nhờ sự hỗ trợ tài chính với chi phí rất thấp từ tiền gửi của ngân hàng mẹ và tiền vay từ Shinsei Bank thông qua gói tín dụng USD tuần hoàn. Bên cạnh đó, hoạt động bán chéo sản phẩm cũng như khai thác cơ sở dữ liệu từ hệ sinh thái của ngân hàng này trong các lĩnh vực Chứng khoán, Quản lý Quỹ, Quản lý nợ và khai thác tài sản, Bảo hiểm, Bất động sản,… Đặc biệt còn có sự đồng hành của Viettel Group cùng hệ sinh thái cũng hỗ trợ cho công ty tài chính tiêu dùng này.
Doanh thu của MCredit cũng tăng trưởng nóng trong giai đoạn 2016-2019 tuy nhiên đã có phần chững lại trong năm 2020. Mặt khác, lợi nhuận thuần lại tăng mạnh gần 80% so với cùng kỳ lên mức 256 tỷ đồng. Tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ nền so sánh thấp năm 2019 và mức lợi nhuận năm 2020 chỉ ở mức tương đương năm 2018 trước đó.
Mức sinh lời trên tổng tài sản (ROAA) năm 2020 chỉ đạt chưa đến 2%, thấp hơn so với mức bình quân 4% các công ty top đầu chủ yếu do chiến lược cho vay giai đoạn trước chưa hiệu quả dẫn đến việc trích lập dự phòng rủi ro cao. Trong hai năm gần nhất 2019 và 2020, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chiếm tới 83,7% và 89,8% lãi thuần tự hoạt động kinh doanh.
Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng
Tăng trưởng tín dụng nóng cũng kéo theo tỷ lệ nợ xấu của MCredit tăng nhanh chóng, từ mức 2,17% cuối năm 2017 lên 6,38% tại cuối năm 2020. Tỷ lệ này tại FE Credit, Home Credit và HD SAISON vào cuối năm 2020 lần lượt là 6,58%, 3,31% và 5,81%.
Tỷ lệ nợ xấu thực tế có thể cao hơn do một phần dư nợ được giữ nguyên nhóm nợ đối với đối tượng khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đặc thù khách hàng thuộc nhóm có thu nhập thấp và địa bàn hoạt động chủ yếu ở khu vực miền Nam (chiếm 60% cả nước) là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, chất lượng tín dụng của MCredit dự kiến sẽ suy giảm trong thời gian tới.
Quy mô quỹ dự phòng và vốn chủ sở hữu/Tổng nợ xấu của MCredit tại cuối năm 2020 cũng chỉ đạt 2,55 lần, thấp hơn nhiều so với FE Credit (3,94), Home Credit (8,19) và HD SAISON (4,6) cho thấy tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Mcredit khá mỏng so với các doanh nghiệp đầu ngành.
Tỷ lệ an toàn vốn CAR của MCredit cuối năm 2020 đạt 10,5% (theo cách tính tại Thông tư 36), cao hơn so với quy định là 9% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong nhóm các công ty tài chính (tỷ lệ này của FE Credit, Home Credit và HD SAISON quanh mức 18-20%). Và mặc dù ngay cả khi vốn điều lệ đã tăng tới 1.300 tỷ đồng thì với dư nợ lớn và tỷ lệ CAR vẫn thấp, MCredit đang gặp áp lực trong việc tăng trưởng tín dụng trong thời gian sắp tới.
Gia Nguyên
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/mcredit-no-xau-tang-cao-kinh-doanh-chi-song-nho-vao-su-chong-lung-cua-ngan-hang-me-va-he-sinh-thai-a121905.html