Lâm Đồng: Tìm ra trùm phân lô số 1 Việt Nam

Tổ kiểm tra, rà soát các sai phạm phân lô của tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện một số cá nhân được chính quyền cho tách thửa trên diện tích cực lớn, nổi bật là bà Nguyễn Thuỵ Ngọc Linh phân lô hơn 10ha đất tại Bảo Lộc.

Phân lô quả đồi hơn 10ha để bán không cần lập doanh nghiệp, bất chấp quy định của Chính phủ tại Nghị định 76/2015

Ngày 17/3/2022, Tổ kiểm tra, rà soát UBND tỉnh Lâm Đồng đã có kết quả rà soát theo quyết định số 80/QĐ-UBND, kiểm tra toàn bộ các khu vực hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Qua kết quả kiểm tra việc thực hiện tách thửa, chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, Tổ kiểm tra, rà soát nêu rõ sau khi các hộ có đơn xin hiến đất hình thành đường giao thông và hồ sơ đề nghị tách hợp thửa, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Bảo Lộc thực hiện các thủ tục đo vẽ, lập hồ sơ trình Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng thẩm định, trình Sở Tài nguyên và Môi trường ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó đã thể hiện đường giao thông tại khu vực. Việc hiến đất hình thành đường giao thông để tách thửa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc chủ yếu thực hiện từ các năm 2018 đến đầu năm 2021 (trước khi Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh có hiệu lực).

Các cơ quan chức năng căn cứ quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt (tại Quyết định số 904/QĐ-UBND ngày 26/4/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng); quy định về tách thửa theo Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 16/4/2015 của UBND tỉnh ban hành quy định diện tích đất tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng: Quy định lộ giới và các chỉ tiêu chủ yếu về quản lý quy hoạch, xây dựng đối với nhà ở, công trình riêng lẻ trên địa bàn các phường thuộc thành phố Bảo Lộc được ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐÐ-UBND ngày 01/02/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng; đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị xã Bảo Lộc được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3362/QĐ-UBND ngày 15/12/2008 để giải quyết các hồ sơ mở đường, tách thửa với kết quả như sau: Các hộ gia đình, cá nhân thực hiện song song việc thực hiện đăng ký biến động đối với diện tích hiến đất làm đường giao thông và thực hiện tách thửa đất. Qua rà soát cho thấy, tại những khu vực quy hoạch sử dụng đất là đất ở thì các thửa đất được tách sổ riêng với diện tích từ 96,5 m2 trở lên; tại các khu vực quy hoạch sử dụng đất là đất nông nghiệp thì diện tích các thửa được tách lớn hơn 500 m2.

Theo quy hoạch sử dụng đất (điều chỉnh đến năm 2020): Trong tổng diện tích trước khi hiến đất, tách thửa là 132,46 ha; điện tích được quy hoạch đất ở là 5,49ha, quy hoạch đất nông nghiệp là 126,97 ha. Diện tích hiến đất hình thành đường giao thông là 21,18 ha; diện tích còn lại tách thửa là 111,27 ha với số thửa được tách là 2.454 thửa.

Về quy mô diện tích của các trường hợp trước khi tách thửa gồm: Trên 10 ha là 01 trường hợp; từ 05 ha đến 10 ha là 03 trường hợp; từ 02 ha đến 05 ha là 12 trường hợp; từ 0,08 ha đến 02 ha là 99 trường hợp.

Tổ kiểm tra, rà soát các sai phạm phân lô của tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện một số cá nhân được chính quyền cho tách thửa trên diện tích cực lớn, nổi bật là bà Nguyễn Thuỵ Ngọc Linh phân lô hơn 10ha đất tại Bảo Lộc

Về việc chuyển mục đích: UBND thành phố Bảo Lộc thực hiện hồ sơ, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (Phòng Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu). Trong tổng số diện tích 111,27 ha đất tách thửa, có 13,52 ha đất đã được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.

Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Bảo Lộc là cơ quan thực hiện hồ sơ, thủ tục về chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ, gia đình. Các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện chuyển nhượng 648/2.454 thửa đất với diện tích khoảng 15,6 ha.

Theo danh sách sơ đồ hiền đất mở đường tách thửa trên địa bàn thành phố Bảo Lộc  (Đính kèm văn bản số 2968/UBND-TNMT ngày 09/12/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Bảo Lộc) trường hợp có quy mô diện tích trên 10ha trước khi tách thửa thuộc về bà Nguyễn Thuỵ Ngọc Linh với tổng diện tích là 106455 m2. Trong đó diện tích đất ở là 21743 m2, diện tích đất đông nghiệp 84712 m2, diện tích hiến đất làm đường giao thông là 20311 m2.

Trường hợp bà Nguyễn Thuỵ Ngọc Linh có quy mô diện tích trên 10ha đất trước khi tách thửa thuộc

Phân lô hàng trăm quả đồi tỉnh mới nhận ra vấn đề thất thoát ngân sách

Ngày 30/11, Thanh tra Bộ Xây dựng có văn bản hoả tốc gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị báo cáo thông tin mà báo chí phản ánh liên quan đến các điểm nóng phân lô ở địa bàn.

Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ngày 29/11/2021, Thanh tra Bộ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tổng hợp tình hình và báo cáo bằng văn bản về tình trạng phân lô bán nền diễn ra tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Văn bản ghi rõ, qua thông tin báo chí phản ánh, tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) có khoảng 100 dự án đã và đang thi công các hạng mục. Ở huyện Bảo Lâm, số dự án ít hơn nhưng diện tích từng dự án lại lớn hơn, có nhiều dự án áp sát rừng. Do vậy, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tổng hợp tình hình và báo cáo bằng văn bản trước ngày 6/12.

Trước đó, ngày 23/11/2021, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký văn bản số 8502/UBND-XD, cho rằng, thời gian qua, trên địa bàn đã có nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp thu gom đất, hiến đất làm đường để đầu tư hạ tầng, thực hiện phân lô, bán nền, núp bóng danh nghĩa các dự án kinh doanh bất động sản, quảng cáo thông tin bán bất động sản không đúng quy định, làm ảnh hưởng sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản nhà ở, bất động sản của tỉnh và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Do đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu các quy định hiện hành; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các trường hợp phải lập dự án đầu tư kinh doanh bất động sản để khắc phục tình trạng người dân, doanh nghiệp tự đầu tư hạ tầng và phân lô, bán nền, mạo danh dự án bất động sản xảy ra trên địa bàn.

Quy mô diện tích của các trường hợp trước khi tách thửa ở Bảo Lộc gồm: Trên 10 ha là 01 trường hợp; từ 05 ha đến 10 ha là 03 trường hợp; từ 02 ha đến 05 ha là 12 trường hợp; từ 0,08 ha đến 02 ha là 99 trường hợp.

Theo các chuyên gia, dù UBND tỉnh Lâm Đồng không nói cụ thể lý do thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên, điều này có liên quan đến việc địa phương này đã cho phép nhiều cá nhân đầu tư kinh doanh bất động sản quy mô lớn, mà nhiều trường hợp theo quy định phải thành lập doanh nghiệp.

Cụ thể tại Điều 5, Nghị định 76/2015 NĐ-CP, hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản quy định: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản mà không phải do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh và trường hợp hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do đầu tư dự án bất động sản để kinh doanh nhưng dự án có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ đồng (không tính tiền sử dụng đất)…”.

Cần làm rõ “lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ” trong việc bưng bít thông tin ở 3 điểm nóng 

Trước đó, như Reatimes đã thông tin trong bài Lâm Đồng: Lợi ích nhóm lên ngôi, năng lực quản lý xuống dốc?, ngày 7/12, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản hoả tốc số 8910 /UBND-ĐC yêu cầu tổng hợp, báo cáo nội dung liên quan đến hiến đất làm đường giao thông mới, tách thửa trên địa bàn TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

Mặc dù tỉnh yêu cầu báo cáo khá nhiều nội dung, nhưng chưa làm rõ, mục đích xin hiến đất làm đường lúc đầu và thực tế triển khai có đúng không? Các con đường hình thành do hiến đất làm đường có đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của địa phương hay không? Từ thời điểm năm 2018 đến nay các địa phương có bao nhiêu lần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất? Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại các khu đất tách thửa có đúng quy trình không? Vốn đầu tư của chủ sử dụng đất tại các khu đất đã hiến đường và tách thửa là bao nhiêu? Việc chủ sử dụng đất chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp này có đáp ứng điều kiện không phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo Nghị định 76/2015/NĐ-CP hay không?

Không những “bỏ sót” những vấn đề quan trọng trên, địa phương này đang có dấu hiệu bao che sai phạm, lợi ích nhóm ở Bảo Lộc, Bảo Lâm và Lâm Hà, thông qua việc bưng bít, không cung cấp thông tin cho báo chí.

Ngày 2/12/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng vừa ký văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp, cung cấp, minh bạch thông tin cho báo chí, theo đúng quy định.

Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng đã rõ, nhưng câu chuyện thực thi ở chính quyền cấp dưới lại theo kiểu “trên bảo dưới không nghe”. Cụ thể, ngày 1/11/2021, Reatimes đã gửi công văn (lần 2) đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà để tìm hiểu về các khu đất được gắn mác dự án Mê Linh Garden Hill (huyện Lâm Hà), The Tropicana Garden (huyện Bảo Lâm), Farm Hill (huyện Bảo Lâm), La Melodie (thành phố Bảo Lộc), nhưng đến nay các cơ quan này vẫn chưa có phản hồi. Nếu tính thời gian Reatimes gửi công văn lần 1 đến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà, ngày 12/5/2020, thì đến nay đã gần 2 năm trôi qua nhưng thông tin vẫn bị bưng bít.

Lý do gì khiến UBND thành phố Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm và UBND huyện Lâm Hà bưng bít thông tin các dự án ma nói trên? Phải chăng ở đây có vấn đề “khó nói” liên quan đến “lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, và có lợi ích cục bộ”, như Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã thừa nhận?

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lam-dong-tim-ra-trum-phan-lo-so-1-viet-nam-a121948.html