Hơn 4 năm không trả sổ đỏ cho khách hàng: 'Chủ đầu tư Cocobay đang vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật'

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, việc chủ đầu tư dự án Cocobay sau nhiều năm vẫn chậm trễ tách sổ đỏ cho khách hàng, đồng thời tự ý chấm dứt khoản thu nhập cam kết trong hợp đồng là đang vi phạm nghiêm trọng nhiều quy định của pháp luật.

Như đã thông tin, Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức (sau đây gọi tắt là Công ty Nhịp cầu Việt Đức) đã gửi nhiều đơn kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng, báo chí phản ánh về việc chủ đầu tư Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Công ty Thành Đô) vi phạm hợp đồng mua bán nhà ở, không bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất cho khách hàng.

Bỏ ra 600 tỷ đồng để mua bất động sản tại dự án Cocobay do Công ty Thành Đô làm chủ đầu tư nhưng từ năm 2017 đến nay, công ty Nhịp cầu Việt Đức vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất.

Điều khiến Công ty Nhịp cầu Việt Đức phải “ôm” đơn đi kêu cứu nhiều nơi do sau khi hoàn thành thanh toán gần 600 tỷ đồng để mua bất động sản tại dự án Cocobay do Công ty Thành Đô làm chủ đầu tư nhưng từ năm 2017 đến nay, Công ty Nhịp cầu Việt Đức vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất như trong hợp đồng. Tài sản hiện tại để không, xuống cấp nghiêm trọng, hư hại toàn bộ và không thể giao dịch, sử dụng.

Không dừng lại ở đó, đến tháng 11/2019, Công ty Thành Đô lại tiếp tục phát hành thông báo đơn phương chấm dứt chi trả thu nhập cam kết từ việc công ty này thuê lại 42 bất động sản của Công ty Nhịp cầu Việt Đức để kinh doanh theo hợp đồng hợp tác cho thuê nhà ở, mặc dù việc chi trả thu nhập này được nêu rõ trong hợp đồng và không hủy ngang.

Doanh nghiệp ôm đơn đi khắp nơi kêu cứu sau khi rót 600 tỷ vào dự án Cocobay Đà Nẵng

Ông Mai Huy Tân, Chủ tịch HĐTV Công ty Nhịp cầu Việt Đức cho biết, trong biên bản họp 3 bên vào tháng 12/2020, công ty Thành Đô đã hứa sẽ hoàn thành việc tách sổ đỏ chậm nhất ngày 15/3/2021, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

“Thực tế, từ thời điểm tháng 12/2020, Công ty Nhịp cầu Việt Đức đã liên tục phát đi nhiều văn bản yêu cầu Công ty Thành Đô giải trình và cung cấp thông tin về tình trạng thực hiện thủ tục tách sổ đỏ. Cụ thể dù khẳng định đã tiến hành thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sẽ bàn giao sổ đỏ chậm nhất vào ngày 15/3/2021. Tuy nhiên sau đó, Công ty Thành Đô tiếp tục thất hứa. Công ty Thành Đô không đưa bất kỳ tài liệu, hồ sơ hay biên bản làm việc liên quan nào để chứng minh tính xác thực, tin cậy cho tuyên bố.

Ông Mai Huy Tân, Chủ tịch HĐTV Công ty Nhịp cầu Việt Đức. Ảnh: KT

Sau hơn 2 năm chậm trễ, trước yêu cầu giải trình từ Công ty Nhịp cầu Việt Đức, Công ty Thành Đô lại tiếp tục đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm cho phía chính quyền thành phố Đà Nẵng không xử lý hồ sơ.

Mặc dù Công ty Nhịp cầu Việt Đức đã nhiều lần gửi đơn từ, công văn yêu cầu cung cấp thông tin, trả lời về sự chậm trễ này, đại diện các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng đều từ chối phản hồi, đùn đẩy thẩm quyền giải quyết cho các đơn vị khác.

Chính sự đùn đẩy trách nhiệm từ chủ đầu tư và phía cơ quan chức năng khiến công ty Nhịp cầu Việt Đức vô cùng bức xúc, bất bình, đồng thời điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín và các hoạt động kinh doanh liên quan của Công ty Nhịp cầu Việt Đức”, ông Mai Huy Tân bức xúc cho biết.

Chủ tịch HĐTV Công ty Nhịp cầu Việt Đức cho rằng, việc Công ty Thành Đô vi phạm các điều khoản hợp đồng đang ảnh hưởng trực tiếp tới thời gian, tiền của, sức lực và uy tín làm việc của Công ty Thành Đô cũng như của khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin đầu tư của khách hàng vào các dự án bất động sản, đặc biệt là uy tín đầu tư vào bất động sản tại thành phố Đà Nẵng.

Trong khi phía công ty Nhịp cầu Việt Đức đã thực hiện đầy đủ tất cả các nghĩa vụ hợp đồng, thậm chí tin tưởng chuyển toàn bộ 100% giá trị hợp đồng cho công ty Thành Đô cũng như tạo điều kiện tối đa để Công ty Thành Đô hoàn thành trách nhiệm, nhưng lại không được nhận những quyền lợi chính đáng đã được cam kết trong hợp đồng như sổ đỏ - giấy tờ pháp lý cơ bản nhất của tài sản. Điều này khiến Công ty Nhịp cầu Việt Đức phải gánh chịu khoản nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng tại ngân hàng bảo lãnh – SHB và sự ảnh hưởng uy tín nặng nề trong hoạt động kinh doanh khác.

Về phía ngân hàng SHB, ông Mai Huy Tân cho biết, Công ty Nhịp cầu Việt Đức đã gửi rất nhiều văn bản đề nghị Ngân hàng SHB hỗ trợ, cùng phối hợp để công ty Thành Đô thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, với vai trò là đơn vị quản lý khách hàng và là bên thứ ba ký cam kết ba bên, ngân hàng SHB đùn đẩy trách nhiệm cho công ty Nhịp cầu Việt Đức, không có bất cứ biện pháp xử lý nào trong việc đôn đốc Thành Đô hoàn thành việc thanh toán thu nhập cam kết như nội dung đã thống nhất tại cam kết ba bên nhưng vẫn đều đặn gửi thư yêu cầu trả nợ và lãi chậm trả đến khách hàng,ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng đang thế chấp quyền tài sản tại Ngân hàng SHB.

Điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm của ngân hàng SHB trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, bỏ mặc khách hàng bị sa lầy tại Dự án Cocobay, khách hàng không có nguồn tài chính để trả nợ nhưng vẫn liên tục phải nhận được thông báo của Ngân hàng SHB về việc quá hạn thanh toán.

“Chúng tôi đã nhiều lần kêu cứu, làm đơn kiến nghị lên chính quyền TP Đà Nẵng nhưng vẫn không được giải quyết và trả lời thỏa đáng. Phía công ty Thành Đô tiếp tục im hơi lặng tiếng bỏ mặc khách hàng. Trong trường hợp Công ty Thành Đô vẫn chây ỳ tiếp để tình trạng “treo sổ” kéo dài, không đưa ra phương án xử lý nợ tài chính phù hợp, và vẫn duy trì thái độ bất hợp tác, quanh co, đổ thừa trách nhiệm như hiện tại, Công ty Nhịp cầu Việt Đức buộc phải tiến hành các thủ tục pháp lý để đưa vụ việc ra xử lý trước pháp luật”, ông Mai Huy Tân nói.

Có thể cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

Nói về việc chủ đầu tư dự án Cocobay chậm trễ tách sổ đỏ cho khách hàng, đơn phương hủy ngang chấm dứt chi trả thu nhập cam kết cho khách hàng dù những nội dung này đã được quy định rõ ràng trong hợp đồng, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật Kết nối cho biết, Theo Điều 26 Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 4 Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua, chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua, trừ trường hợp người mua tự thực hiện. Điều này đã được quy định trong hợp đồng mua bán, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục và bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi khách hàng đã thanh toán 100% giá trị hợp đồng.

Theo Điều 22 Luật kinh doanh bất động sản 2014, bên bán có nghĩa vụ giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên mua. Tuy nhiên với trường hợp của Công ty Nhịp cầu Việt Đức, sau hơn 4 năm kể từ thời điểm ký kết và thanh toán đầy đủ giá trị hợp đồng, Công ty Thành Đô vẫn không bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều lần hứa hẹn, cung cấp thông tin sai sự thật về việc bàn giao, vị phạm quy định về cung cấp thông tin cho khách hàng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010.

“Hành vi này của Công ty Thành Đô với khách hàng và hoàn toàn có đủ căn cứ để cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015. Đồng thời có thể bị bị xử phạt lên tới 1.000.000.000 đồng và hiện các biện pháp khắc phục hậu quả liên quan (Điều 31 Nghị định số 91/2019/ND-CP)”, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nói.

Về việc đơn phương hủy ngang chấm dứt chi trả cam kết cho khách hàng, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng, căn cứ cam kết ba bên không hủy ngang giữa Ngân hàng SHB, Công ty Thành Đô và Công ty Nhịp cầu Việt Đức, Công ty Thành Đô có trách nhiệm chi trả khoản thu nhập cam kết từ việc thuê lại tài sản để kinh doanh (12% trong vòng 08 năm cho Công ty Nhịp cầu Việt Đức, khoản tiền sẽ được sử dụng làm nguồn tài chính để trả nợ cho Ngân hàng SHB. Đồng thời, Ngân hàng này cũng có nghĩa vụ phối hợp, đôn đốc và yêu cầu chủ đầu tư chi trả đúng hạn và đầy đủ thu nhập cam kết cho chủ sở hữu.

Như vậy, việc Công ty Thành Đô đơn phương tuyên bố không chi trả thu nhập cam kết từ việc thuê lại tài sản kinh doanh đã cho thấy sự vi phạm nghiêm trọng hợp đồng cũng như cam kết ba bên đã ký kết (cam kết không thể hủy ngang trong bất kỳ trường hợp nào).

Theo luật sư Hùng, hiện nay hình thức condotel đã chính thức được công nhận tại Việt Nam về mặt pháp lý. Nếu nhận thức đúng và quản lý tốt đối với loại hình tài sản này, đây sẽ là lĩnh vực đầu tư bất động sản đem tới nhiều tiềm năng và lợi nhuận cho các nhà đầu tư thông thái.

Tuy nhiên, nhìn vào vết xe đổ từ vụ việc “vỡ trận Cocobay” của Công ty Thành Đô khiến một loạt chủ sở hữu lao đao trong thời gian dài (bao gồm cả Công ty Nhịp cầu Việt Đức, các nhà đầu tư cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định đầu tư vào các Dự án có mức lợi nhuận “siêu khủng”, lên tới 12-14%/năm, đặc biệt là các vấn đề pháp lý như giấy phép xây dựng, quy hoạch, thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tài sản condotel, chuyển nhượng tài sản condotel…/.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hon-4-nam-khong-tra-so-do-cho-khach-hang-chu-dau-tu-cocobay-dang-vi-pham-nghiem-trong-quy-dinh-cua-phap-luat-a123139.html