Chưa bao giờ hệ thống giáo dục lại gây chấn động dư luận với nhiều vụ việc lớn về tiêu cực trong đấu thầu, chỉ định thầu như thời điểm hiện tại. Những nghi vấn, bức xúc về công tác đấu thầu thiết bị giáo dục vẫn chưa dừng lại. Thời gian gần đây, dấu hỏi lớn về việc Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì đấu thầu mua sắm trang thiết bị phục vụ giáo dục (bằng ngân sách Nhà nước) với giá trúng thầu cao bất thường vẫn là mối quan tâm của dư luận. Có chăng việc chủ đầu tư, bên mời thầu, đơn vị tham gia định giá đã có sự “bắt tay” để nâng giá gói thầu?
Dấu hiệu “đội giá” nhiều sản phẩm
Cụ thể, theo Quyết định số 487/TB-PGD&ĐT ngày 30/07/2021, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì bà Nguyễn Thị Tuyết Lê ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu số 2: Mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trên địa bàn huyện Thanh Trì năm 2021.
Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Khánh An ( địa chỉ LK03 - No03 Hoàng Như Tiếp - Bồ Đề - Long Biên - Hà Nội) - Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Toàn Phát Hà Nội (địa chỉ Số 842 Ba La, Phường Phú La, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội). Giá trúng thầu là 4.950.000.000 đồng (Bốn tỷ, chín trăm năm mươi triệu đồng), giá dự toán là 5.271.640.000 đồng).
Phóng viên đã tiến hành khảo sát các sản phẩm này (cùng thông số kỹ thuật, cùng xuất xứ, cùng nhãn hiệu) tại các cửa hàng, đại lý chính hãng ngoài thị trường thì “ngã ngửa” khi thấy giá của các đại lý này với giá trúng thầu của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì khác nhau “một trời một vực”?
Đơn cử, sản phẩm đàn Yamaha PSR SX-600 có giá tại gói thầu là 24.850.000 đồng nhưng theo khảo sát của phóng viên, trên thị trường có nhiều nơi bán với giá một chiếc giao động từ 17.000.000 đồng - 19.000.000 đồng (đã bao gồm VAT). Với số lượng mua sắm 3 chiếc đàn, tiền chênh lệch là khoảng 17.550.000 đồng đến 23.550.000 đồng.
Đặc biệt, sản phẩm Tivi 50 inch Samsung UA50TU 8100 có giá trúng thầu là 17.490.000 đồng/ chiếc trong khi trên thị trường giá sản phẩm giao động từ 6.000.000 đồng/ chiếc đến chưa tới 12.000.000 đồng/chiếc (đã bao gồm VAT).
Như vậy, với số lượng 20 chiếc tivi cùng loại trong gói thầu này, số tiền chênh lệch có thể lên tới 229.800.000 đồng. Chỉ tính riêng một loại hàng hóa này, đã có thể khiến số tiền chênh lệch với thị trường lên tới cả vài trăm triệu đồng? Tại sao, cùng một mẫu sản phẩm, xuất xứ, nhãn hiệu lại có sự chênh lệch lớn đến thế? Dư luận rất mong chờ câu trả lời từ phía Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cũng như Liên danh Công ty TNHH Khánh An - Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Toàn Phát Hà Nội.
Tiếp đến, sản phẩm tủ đựng thực phẩm trong kho Sunhouse SHR F2412W2 giá trúng thầu là 16.950.000 đồng/ chiếc thực tế sản phẩm cùng nhãn hiệu, xuất xứ có giá trên thị trường là 10.000.000 đồng/ chiếc, tức chênh gần 7.000.000 đồng/ một sản phẩm.
Tương tự, máy thái rau củ quả NewSun VC65 có giá thị trường là 15.500.000 đồng/ chiếc nhưng giá trúng thầu lại là 19.000.000 đồng/ chiếc (mua 3 chiếc). Còn sản phẩm tủ lạnh LG GN - D315BL có giá trúng thầu là 13.990.000 đồng/ chiếc, giá thị trường của sản phẩm này là chưa tới 9.000.000 đồng/ chiếc
Không những thế, hàng loạt các sản phẩm được phóng viên khảo sát đã bao gồm VAT và bảo hành chính hãng đã thấy số tiền chênh lệch cao hơn nhiều lần so với giá thị trường. Dư luận hoài nghi về gói thầu hơn 4 tỷ đồng nhưng với việc phê duyệt kết quả đấu thầu nêu trên của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, ước tính Nhà nước thất thoát tới vài trăm triệu đồng (?!)
Không chỉ riêng gói thầu này, trước đó tại gói thầu số 01: Mua sắm các trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường tiểu học công lập trên địa bàn huyện Thanh Trì năm 2021, do liên danh Công ty TNHH Thương mại Sản xuất và Đầu tư Khánh Phương trúng thầu với giá 6.211.515.000 đồng, dấu hiệu đội giá thiết bị cũng diễn ra. Theo đó tivi Samsung UA50TU8500, xuất xứ Việt Nam được Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì duyệt mua với giá 19.300.000 đồng/cái (mua số lượng 14 cái). Trong khi đó theo khảo sát, sản phẩm có cùng xuất xứ, thông số kỹ thuật có giá bán trên thị trường thấp hơn đến vài triệu đồng/cái, cụ thể là giá giao động từ 10 triệu tới 15 triệu đồng/cái (đã bao gồm VAT, phí vận chuyển, lắp đặt).
“Điệp khúc” tiết kiệm ngân sách hạn hẹp
Ngoài việc nhiều thiết bị giáo dục có giá trúng thầu cao hơn rõ rệt so với giá thị trường, tình trạng tiết kiệm ngân sách Nhà nước hạn hẹp cũng thường xuyên diễn ra tại các gói thầu do Phòng giáo dục và đào tạo huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư.
Cụ thể, theo Quyết định số 422/QĐ-PGD&ĐT, ngày 24/6/2021 bà Nguyễn Thị Tuyết Lê - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã ký phê duyệt trúng thầu gói thầu số 01: Mua sắm các trang thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường tiểu học công lập trên địa bàn huyện Thanh Trì năm 2021 với giá 6.211.515.000 đồng. (Giá gói thầu là 6.279.183.600 đồng) cho liên danh Công ty TNHH Thương mại Sản xuất và Đầu tư Khánh Phương - Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại nội thất, thiết bị giáo dục Trọng Tín - Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Thiên An trúng thầu. Như vậy, tại gói thầu có giá trị hơn 6,2 tỷ đồng nhưng tiết kiệm ngân sách tượng trưng khoảng 68 triệu đồng.
Vẫn điệp khúc tiết kiệm ngân sách eo hẹp, tháng 1/2021 tại gói thầu số 01: Mua sắm đầu tư phòng học thông minh cho các trường tiểu học công lập trên địa bàn huyện Thanh Trì năm 2020, Công ty CP mạng trực tuyến Việt Sin được phê duyệt trúng thầu với giá 4.069.290.000 đồng theo Quyết định số 58/QĐ-PGD&ĐT ngày 25/01/2021 do bà Nguyễn Thị Tuyết Lê - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì ký. Tại gói thầu hơn 4 tỷ đồng nhưng chỉ tiết kiệm ngân sách vỏn vẹn 9 triệu đồng ( giá gói thầu :4.078.350.000 đồng).
Trước đó nữa, tháng 12/2020 tại gói thầu số 02: Mua sắm đầu tư phòng học thông minh cho các trường trung học cơ sở công lập trên địa bàn huyện Thanh Trì năm 2020, theo Quyết định số 59/QĐ-PGD&ĐT ngày 21/01/2021, bà Nguyễn Thị Tuyết Lê - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã ký phê duyệt trúng thầu với giá 5.439.969.000 đồng cho Công ty Cổ phần Công nghệ Bình Minh. Giá gói thầu là 5.489.157.000 đồng. Như vậy, tại gói thầu có giá trị hơn 5,4 tỷ đồng, con số tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước cũng ở mức thấp (khoảng 50 triệu đồng)
Với nhiều sản phẩm có dấu hiệu bị “thổi giá” đã thể hiện có sự bất cập đằng sau gói thầu. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm xem xét rà soát lại quy trình thực hiện lập dự toán, giá gói thầu thiết bị giáo dục tại phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì. Trong trường hợp cần thiết, cần xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).
Nhằm tìm hiểu thông tin từ phía chủ đầu tư, PV đã liên hệ với đại diện lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì và Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Thanh Trì. Câu trả lời từ phía UBND huyện Thanh Trì ra sao sẽ được Thương hiệu và Pháp luật tiếp tục thông tin ở bài tiếp theo./.
MAI ANH
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/phong-gddt-huyen-thanh-tri-dau-hieu-doi-gia-thiet-bi-trong-cong-tac-dau-thau-a123214.html