Công ty Alibaba lừa đảo hơn 4.300 người như thế nào?

Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 2.264 tỷ đồng của trên 4.300 bị hại.

Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và 22 bị can trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba.

Cụ thể, Luyện (36 tuổi), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị can khác bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Bị can Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm), Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa ốc Xanh, em ruột Luyện) bị đề nghị truy tố về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền. Còn Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị đề nghị truy tố tội Rửa tiền.

Cáo trạng thể hiện, Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng số 22 pháp nhân được thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 “dự án ma". Sau đó, bị can thông qua Công ty Alibaba quảng cáo bán đất nền ở 3 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho 4.316 bị hại, chiếm đoạt 2.264 tỷ đồng.

Cảnh sát đọc lệnh bắt Nguyễn Thái Luyện hồi tháng 10/2019. Ảnh: CTV.

5 bước lừa đảo hơn 4.300 bị hại

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã làm rõ 5 bước mà Luyện chủ mưu, chỉ đạo các đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Bước 1: Nguyễn Thái Luyện dùng phần nhỏ tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.

Bước 2: Những cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất như nêu trên lập Hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện thành lập để các công ty này tự vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định theo chỉ đạo của Luyện.

Bước 3: Sau khi nhận ủy quyền, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư các dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa từ 100 m2 đến dưới 400 m2 rồi dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm.

Bước 4: Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án “tự vẽ” với Công ty Alibaba để Công ty Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án; đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng đồng ý mua vì tin tưởng các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh bất động sản.

Bước 5: Sau khi khách hàng đồng ý mua, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.

Ngoài ra, để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Nguyễn Thái Luyện sử dụng các thủ đoạn như cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng...

Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Thực tế, toàn bộ các dự án đều do Công ty Alibaba tự vẽ trái phép trên một diện tích đặc biệt lớn đất nông nghiệp, chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như Công ty Alibaba quảng cáo và thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc đưa ra quyền chọn hoặc các phụ lục hợp đồng kèm theo chỉ nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư vào các dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Nguyễn Thái Luyện không thừa nhận hành vi phạm tội.

Cảnh sát đưa hồ sơ, vật chứng thu được tại Tập đoàn địa ốc Alibaba về cơ quan điều tra. Ảnh: Trần Anh.

"Rửa tiền" hàng chục tỷ đồng

Đối với hành vi rửa tiền của Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực và Huỳnh Thị Kim Thắng, VKSND TP.HCM xác định Nguyễn Thái Lực có 4 tài khoản cá nhân tại 4 ngân hàng, trong đó có 2 tài khoản không sử dụng, 2 tài khoản thì một để nhận lương hàng tháng, một để nhận tiền từ Võ Thị Thanh Mai chuyển và đi rút tiền mặt giao lại cho Mai.

Ngày 21/11/2018, Mai chỉ đạo Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) nộp 50 tỷ đồng vào tài khoản của Lực, sau đó chỉ đạo Lực rút, mở sổ tiết kiệm với số tiền 50 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng tại Ngân hàng ACB. Nguồn gốc 50 tỷ đồng đều là tiền khách hàng thanh toán tiền mua nền đất tại Công ty Alibaba.

Sau đó, theo chỉ đạo của Mai, Lực rút 31 tỷ đồng, mở sổ tiết kiệm cho Huỳnh Thị Kim Thắng đứng tên tại Ngân hàng ACB. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Mai, Thắng rút số tiền 18 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm, mua hai căn nhà tại địa chỉ 96A, 96B, khu phố 6, phường Tân Tiến (TP Biên Hòa, Đồng Nai), Còn lại 13 tỷ đồng vẫn giữ trong sổ tiết kiệm.

Sau khi CQĐT khởi tố vụ án, thi hành lệnh bắt và khám xét ngày 18/09/2019 thì ngày 19/9/2019, Mai chỉ đạo Thắng chuyển toàn bộ số tiền gồm gốc và lãi hơn 13,9 tỷ đồng vào tài khoản do Mai đứng tên Ngân hàng ACB. Cùng ngày 19/9/2019, Mai chuyển 13 tỷ đồng vào tài khoản số của Lực, rồi chỉ đạo Lực rút ra và giao lại cho Mai.

Quá trình điều tra, Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực và Huỳnh Thị Kim Thắng đều thừa nhận biết rõ số tiền 13,9 tỷ đồng nêu trên là tiền do Luyện lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà có nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Mai nhằm che giấu nguồn gốc số tiền. Mai khai, đã sử dụng hết số tiền 13 tỷ đồng vào việc cá nhân, trả tiền vay bên ngoài.

Công an khám xét và thu giữ các tài liệu, tang vật tại trụ sở Công ty Alibaba. Ảnh: Công an cung cấp.

CQĐT kê biên lượng tài sản hàng nghìn tỷ đồng

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tạm giữ hơn 9,2 tỷ đồng tiền mặt; 257 miếng kim loại màu vàng có trị giá theo giám định là hơn 645 triệu đồng; 15 miếng kim loại màu vàng khác có trị giá theo giám định là hơn 359 triệu đồng và 20 thỏi kim loại màu vàng nhưng không phải là vàng.

Cơ quan điều tra đã tạm giữ tiền trong tài khoản của 49 cá nhân là nhân viên và pháp nhân thuộc Công ty Alibaba, với số tiền tổng cộng là hơn 45 tỷ đồng; 23 ôtô, xe máy những người này sử dụng, có trị giá theo giám định hơn 16 tỷ đồng.

Ngoài ra, cơ quan chức năng đã kê biên 652 thửa đất (khoảng 4 triệu m2) tổng giá trị theo kết quả định giá nhà và đất trên là hơn 1.536 tỷ đồng. Như vậy, toàn bộ tài sản bị kê biên, phong tỏa trong vụ án ước tính 2.264 tỷ đồng.

Ngoài số tài sản trên, quá trình thi hành lệnh bắt và khám xét, Cơ quan điều tra còn thu giữ 113 CPU, 171 máy tính xách tay, một máy tính bảng và 16 điện thoại di động do các bị can, nhân viên Công ty Alibaba sử dụng.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cong-ty-alibaba-lua-dao-hon-4300-nguoi-nhu-the-nao-a123536.html