Năm 2016, Yasser Elabd nhận thấy giao dịch 40.000 USD từ Microsoft cho một khách hàng tại châu Phi có dấu hiệu bất thường. Khoản tiền đến từ quỹ đầu tư của Microsoft, về cơ bản dùng để "củng cố các giao dịch dài hạn" ở Trung Đông và châu Phi. Ông nghi ngờ đó là khoản hối lộ chứ không phải giao dịch bình thường. Sau khi Elabd bày tỏ ý kiến, giao dịch đã bị hủy bỏ.
Trong 2 năm tiếp theo, Elabd tiếp tục tìm hiểu và chặn đứng các khoản hối lộ âm thầm. Hành động này khiến Elabd trở thành cái gai trong mắt đồng nghiệp. Ông vừa bị sa thải do hiệu quả làm việc kém, nhưng cho rằng đó là động thái trả thù.
Khi nhìn lại quá khứ, Elabd nói rằng Microsoft đã không quyết liệt, thậm chí cố tình phớt lờ để các khoản hối lộ diễn ra êm đẹp.
Những đợt hối lộ hàng triệu USD
Trong bài đăng ngày 25/3 trên nền tảng tố giác Lioness, Elabd cáo buộc tình trạng hối lộ khá phổ biến, khi nhân viên Microsoft làm việc với đối tác tại một số nước để bán sản phẩm. Ông ước tính hãng công nghệ Mỹ chi 200 triệu USD mỗi năm để hối lộ và ăn chia hoa hồng, người nhận tiền gồm các quan chức chính phủ tại Ghana, Nigeria, Zimbabwe, Qatar và Saudi Arabia.
Là giám đốc phụ trách các thị trường mới nổi tại Trung Đông và châu Phi từ năm 1998-2018, Elabd chứng kiến nhiều giao dịch bất thường. Ông khẳng định một đối tác thuộc Bộ Nội vụ Saudi Arabia nhận khoản chiết khấu 13,6 triệu USD để mua phần mềm của Microsoft, nhưng khoản tiền chưa bao giờ đến tay khách hàng cuối.
Một trường hợp khác, Bộ Giáo dục Qatar đã chi 9,5 triệu USD/năm để mua bản quyền Office và Windows nhưng không sử dụng. Năm 2015, một quan chức tại Nigeria phàn nàn chính phủ đã trả 5,5 triệu USD bản quyền cho các phần cứng mà họ không sở hữu.
Microsoft từng chi 25 triệu USD để giải quyết các vụ điều tra liên quan đến hối lộ. Ảnh: WSJ.
Về khoản giao dịch 46.000 USD đến châu Phi năm 2016, Elabd phát hiện người nhận thực chất là một cựu nhân viên Microsoft, bị chấm dứt hợp đồng do hiệu quả công việc kém. "Chính sách công ty cấm nhân viên cũ làm việc với tư cách đối tác trong 6 tháng từ khi nghỉ việc nếu không có sự chấp thuận đặc biệt", Elabd cho biết.
Tại chi nhánh từng làm việc, Elabd cáo buộc hơn một nửa nhân viên bán hàng và quản lý tham gia các vụ hối lộ. Bằng nhiều cách khác nhau, số tiền lọt khỏi quy trình ký hợp đồng, trở thành khoản ăn chia giữa chính phủ, đối tác và nhân viên của Microsoft.
"Những người có thẩm quyền bên phía khách hàng gửi email yêu cầu Microsoft chiết khấu. Lời đề nghị được chấp nhận, nhưng khách hàng cuối vẫn phải trả toàn bộ chi phí. Khoản tiền chiết khấu sẽ được nhiều bên chia chác, bao gồm nhân viên Microsoft tham gia thỏa thuận, đối tác và người có thẩm quyền, thường là quan chức chính phủ", Elabd viết.
Theo The Verge, đây là hình thức hối lộ khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại các nước có chính phủ là khách hàng lớn. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính hơn 1.000 tỷ USD bị thất thoát mỗi năm do hối lộ trên toàn cầu.
Không dễ kết luận chính xác số tiền hối lộ, khi các công ty quốc tế trả tiền cho giới chức địa phương để đảm bảo hoạt động kinh doanh, hoặc tạo dựng giao dịch giả để lấy tiền ngân sách. Trong nhiều trường hợp, một phần khoản tiền được trả lại công ty để tránh sự dòm ngó.
Bị xem là "người cản đường"
Hối lộ là thách thức với nhiều công ty đa quốc gia. Elabd cho rằng Microsoft không muốn ngăn chặn hành động này. "Nó diễn ra ở mọi cấp bậc. Các lãnh đạo đều nhận thấy nhưng lại thăng chức cho người xấu xa. Nếu bạn làm đúng, họ sẽ không để bạn lên vị trí cao", Elabd chia sẻ.
Về phía Microsoft, công ty nhấn mạnh cam kết đạo đức và "tiêu chuẩn kinh doanh" mà mọi nhân viên phải tuân theo, kể cả quy trình báo cáo hối lộ như trường hợp của Elabd.
Những vụ hối lộ của Microsoft chủ yếu liên quan đến đối tác, chính phủ các nước châu Phi. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi cam kết kinh doanh có trách nhiệm, luôn khuyến khích mọi người báo cáo những hành động có thể vi phạm luật pháp, chính sách hoặc tiêu chuẩn đạo đức của chúng tôi. Microsoft điều tra những cáo buộc này từ nhiều năm trước và đã giải quyết. Chúng tôi cũng hợp tác với các cơ quan chính phủ để xoa dịu lo lắng", Becky Lenaburg, Phó chủ tịch kiêm Phó tổng cố vấn về tuân thủ đạo đức tại Microsoft cho biết.
Microsoft đã trải qua nhiều bê bối hối lộ trong quá khứ. Theo điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ, một lãnh đạo công ty tại Hungary bị phát hiện kê khống lợi nhuận biên từ năm 2013-2015. Cuộc điều tra khác của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) kết luận hơn 440.000 USD trong quỹ marketing được dùng làm quà tặng cho nhân viên chính phủ Saudi Arabia. Microsoft đã giải quyết 2 vụ việc vào năm 2019, nộp tổng cộng 25 triệu USD cho các cơ quan điều tra.
Microsoft chưa có hành động pháp lý nào chống lại những nhân viên (hối lộ), dù biết họ ăn cắp tiền của công ty và các chính phủ
Yasser Elabd, cựu Giám đốc khu vực Ai Cập, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Dubai của Microsoft
Trong thông báo gửi đến nhân viên sau vụ dàn xếp, Chủ tịch Microsoft Brad Smith khẳng định những hành động đó là "không thể chấp nhận", nhấn mạnh cần giám sát nội bộ chặt chẽ.
Tuy nhiên, bài viết của Elabd cho thấy một góc nhìn khác. Người này nói rằng đã ngăn chặn vụ hối lộ ban đầu tại Nigeria, nhưng một số vụ việc lớn hơn chưa được giải quyết. Ngay sau đó, một quản lý đã nói chuyện riêng với Elabd.
"Tôi không muốn ông là người cản đường", người quản lý nói với Elabd, yêu cầu nếu phát hiện mọi dấu hiệu đáng ngờ, vị giám đốc phải "quay đầu và để nguyên mọi thứ".
Trong những tháng tiếp theo, Elabd cảm thấy bị chèn ép khi đề xuất nghỉ phép để du lịch bị từ chối dù đã thông qua trước đó. Sau khi bác bỏ kế hoạch nâng cao hiệu quả làm việc, Elabd bị sa thải vào tháng 8/2018.
Nỗ lực ít ỏi của Microsoft
Trong những năm tiếp theo, Elabd theo dõi các vụ hối lộ được báo cáo tại Qatar, Cameroon và Nam Phi, tất cả liên quan đến Microsoft và đối tác. Những báo báo được Elabd gửi lên SEC để điều tra, nhưng các quan chức SEC cho biết cuộc điều tra không thể tiếp diễn do đại dịch bùng phát.
Elabd cho rằng SEC đã không hành động quyết liệt để xử lý hành vi hối lộ của Microsoft. Ảnh: USA Today.
Dựa trên đạo luật chống tham nhũng tại nước ngoài của Mỹ, đó là loại hối lộ bất hợp pháp, song các vụ truy tố thường được xử dựa trên một vụ việc. Leah Moushey, luật sư của các vụ hối lộ cho biết những vụ truy tố thường tập trung vào nỗ lực chống tham nhũng của công ty.
"Họ sẽ xem xét mức hiệu quả trong chương trình chống tham nhũng của công ty và bằng chứng về sự hiệu quả", Moushey cho biết. Trong khi quy trình tốt có thể bào chữa một số trường hợp xấu, một bằng chứng cho thấy quy trình chống tham nhũng kém hiệu quả sẽ dẫn đến các hình phạt nghiêm khắc.
"Bạn có thể bị quy trách nhiệm nếu cố tình phớt lờ những dấu hiệu nguy hiểm trong tổ chức", Moushey cho biết. Với trường hợp của Microsoft, không dễ kết luận bởi công ty đã ngăn chặn một số giao dịch, thậm chí sa thải vài nhân viên liên quan đến hối lộ. Trong khi đó, nhiều vụ việc không được giải quyết do thiếu bằng chứng. Elabd kiên quyết khẳng định văn hóa tham nhũng tại Microsoft rất lớn.
"Microsoft chưa có hành động pháp lý nào chống lại những nhân viên (hối lộ), ngay cả khi biết họ ăn cắp tiền của công ty và các chính phủ. Thông điệp cho các nhân viên là 'hãy làm mọi thứ bạn muốn, tạo ra nhiều tiền nhất có thể, trường hợp xấu nhất là bị sa thải'", Elabd nói.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/microsoft-bi-to-hoi-lo-hang-tram-trieu-usd-a123703.html