EVN: Trách nhiệm đến đâu?
Bộ Công thương vừa có kết luận về rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). Bộ Công thương nêu rõ, 10 tỉnh, thành phố được kiểm tra chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền; Để xảy ra vấn đề như: Số hệ thống ĐMTMN lắp trên mái của công trình, dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng tại thời điểm kiểm tra chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Các dự án điện mặt trời dưới vỏ bọc xin đất làm trang trại, song thực tế không trồng cây gì, nuôi con gì, chưa hoàn thiện đã đấu nối...
Nhiều hệ thống ĐMTMN lắp trên mái của trang trại nông nghiệp (chăn nuôi hoặc trồng trọt…), đã đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định...
Còn đối với EVN, Bộ Công thương nêu rõ, EVN chưa thực hiện đầy đủ quy định của Bộ Công thương, dẫn đến các đơn vị điện lực tại các địa phương thực hiện thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình phát triển ĐMTMN.
Mặt khác, EVN ủy quyền cho các đơn vị thực hiện nhưng kiểm tra, theo dõi chưa kịp thời, dẫn đến nhiều đơn vị điện lực chấp thuận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện của các hệ thống ĐMTMN gây quá tải lưới điện quốc gia.
Theo đoàn kiểm tra, thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống ĐMTMN gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở kết luận này, đoàn kiểm tra yêu cầu các công ty điện lực chịu trách nhiệm cho những vi phạm của mình.
Đồng thời, EVN xử lý các hệ thống ĐMTMN, các tổ chức và cá nhân có liên quan đã vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện phát triển ĐMTMN.
Kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình thực hiện phát triển các dự án, hệ thống ĐMTMN tại các công ty điện lực trên toàn quốc. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm, đề nghị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Công thương có vô can?
Về vấn đề phát triển điện mặt trời, Báo Giao thông cũng đã thực hiện 2 loạt bài điều tra, nhận được sự quan tâm của dư luận.
Dòng bài "Điện mặt trời núp bóng trang trại" chỉ ra loạt bất cập: Địa phương sau khi cấp phép thì gần như buông, không kiểm tra hoặc kiểm tra thấy việc sử dụng đất không đúng mục đích cũng không có biện pháp xử lý. Trong khi đó, phía điện lực khi ký hợp đồng mua bán điện không cần biết trang trại nuôi con gì, trồng cây gì... Tất cả đã khiến cho chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời bị bóp méo, lợi dụng.
Loạt bài “Ký khống mua điện mặt trời giá cao, “rút ruột” Nhà nước” cho thấy, nhiều dự án điện mặt trời đã được điện lực địa phương ký hợp đồng nâng khống công suất gấp hàng chục lần thực tế để chạy đua với thời điểm phải nghiệm thu công suất, ký hợp đồng mua điện trước ngày 31/12/2020 nhằm hưởng giá mua điện cao.
Nếu các hợp đồng mua bán điện này không được xử lý, mỗi năm chính điện lực đã tiếp tay cho nhà đầu tư “rút ruột” Nhà nước nhiều tỷ đồng…
Bộ Công thương cũng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện kết luận kiểm tra.
Như vậy, tại bản kết luận này không thể hiện trách nhiệm của Bộ Công thương trong những sai phạm nghiệm trọng trên, trong khi, có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của việc gây quá tải hệ thống điện một phần còn nằm ở “Quy hoạch mở”.
Một chuyên gia năng lượng thuộc Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho rằng: Trên thế giới, khi đưa ra chính sách giá FIT (chính sách mua giá điện cố định để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo) có hạn định trong một số năm nhất định, thì họ cũng khống chế luôn mục tiêu phát triển trong từng thời kỳ, tức là kiểm soát cả đầu ra quy hoạch.
Còn ở Việt Nam, có giá FIT, có hạn định 20 năm nhưng lại không kiểm soát đầu ra quy hoạch. Đáng lẽ ra, ngoài khống chế con số thì việc phê duyệt quy hoạch không nên theo kiểu “one by one”, tức là hoàn toàn phụ thuộc vào nhà đầu tư, họ đề xuất dự án nào thì duyệt dự án đó.
Thực tế, tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất nguồn điện mặt trời chỉ đặt ra khoảng 850 MW vào năm 2020, khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030.
Nhưng tính hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện là 69.342 MW. Nguồn điện mặt trời đạt gần 17.000 MW, trong đó, nguồn điện mặt trời nối lưới đã đưa vào vận hành lên tới gần 9.000 MW (gấp 11 lần Quy hoạch nếu không tính ĐMTMN) và gần 8.000 MW ĐMTMN.
“Về tình trạng làm điện mặt trời núp bóng trang trại để hưởng giá cao, cho thấy Quy hoạch có sơ hở và người ta đang làm những cái gì không cấm. Lẽ ra cơ quan chức năng khi nhận được phản ánh từ dư luận, cần phản ứng ngay để khống chế”, vị chuyên gia nói.
Một chuyên gia khác nói thêm, giá điện cao, hấp dẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhưng phát triển ồ ạt, gây quá tải hệ thống không phải lỗi của nhà đầu tư mà do Quy hoạch điện không quy định tỉnh nào được làm bao nhiêu, đạt đến mức nào là cảnh báo...
Sự phát triển quá nhanh các dự án điện mặt trời, ĐMTMN đã gây ra những hạn chế trong kiểm soát quy mô và kế hoạch phát triển nguồn và hệ thống. Hệ lụy là có những công trình phát điện rất lớn, nhưng "núp bóng" và lợi dụng danh nghĩa... làm ĐMTMN.
Vị này nhận định, việc phát triển mất kiểm soát này khiến công suất tăng thêm quá lớn, dẫn đến cắt giảm công suất các nhà máy điện đang vận hành gây thất thoát lớn cho các nhà máy điện của nhà nước, cũng như thiệt hại cho các nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư một cách đúng luật và bài bản trước đó.
“Bộ Công thương với vai trò là đơn vị xây dựng và đề xuất cơ chế giá cho điện mặt trời không thể vô can trong việc này.
Bên cạnh đó, việc các nhà máy vận hành trước đó bị cắt giảm công suất, điện lực các địa phương phải đầu tư thêm đường dây và trạm để giải tỏa công suất đã gây thiệt hại lớn về vốn đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, trong khi Bộ Công thương không có hướng dẫn thì đó là trách nhiệm của bộ này", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/loat-sai-pham-nhuc-nhoi-ve-dien-mat-troi-trach-nhiem-bo-cong-thuong-o-dau-a123830.html