Hai lãnh đạo thân Nga thắng cử ở châu Âu

Tổng thống Vladimir Putin dường như đã có được hai 'chiến thắng ngoại giao nhỏ' vào cuối tuần qua khi các đảng thân Nga giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Hungary và Serbia.

Các đảng công khai ủng hộ Nga vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp ở cả Hungary và Serbia.

Động thái này được xem như một lời nhắc nhở rằng bất chấp những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, Điện Kremlin vẫn có một số sự ủng hộ ở phương Tây, theo CNN.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: AFP.

Chiến thắng của ông Orban sẽ tác động như thế nào?

Chiến thắng quan trọng nhất thuộc về Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Hôm 3/4, đảng Fidesz của ông Orban đã giành chiến thắng với cách biệt lớn.

Theo kết quả kiểm đếm hơn 70% tổng số phiếu bầu, đảng Fidesz của Thủ tướng Orban hiện kiểm soát 135 ghế trong tổng số 199 ghế tại Quốc hội Hungary, trong khi liên minh đối lập chỉ giành được 57.

Hungary là thành viên của cả Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Điều này có nghĩa Tổng thống Putin có thể tuyên bố ông có một “người bạn” ngồi ở vị trí hàng đầu tại hai trong số những thể chế đang căng thẳng với Moscow, theo CNN.

Ngay sau khi giành chiến thắng, Thủ tướng Orban đã nhắc đến EU và Ukraine trong bài phát biểu của mình với giọng điệu không mấy thân thiện.

"Chúng tôi sẽ ghi nhớ chiến thắng này cho đến cuối đời, vì chúng tôi đã phải chiến đấu chống lại một số lượng lớn đối thủ", ông Orban nói.

Nằm trong danh sách này bao gồm "các quan chức" ở Brussels, phương tiện truyền thông quốc tế, "và cả tổng thống Ukraine - chúng tôi chưa bao giờ có nhiều đối thủ cùng một lúc như vậy". Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng trực tiếp chỉ trích ông Orban vì đã không ủng hộ Ukraine nhiệt tình như nhiều người đồng cấp châu Âu trong những tuần qua.

Điện Kremlin đã nhanh chóng chúc mừng chiến thắng của Thủ tướng Viktor Orban, đồng thời thông báo Tổng thống Vladimir Putin hy vọng xây dựng “mối quan hệ đối tác” giữa Nga và Hungary.

Tuy nhiên, một số người cho rằng chiến thắng này chỉ mang tính biểu tượng và không ảnh hưởng nhiều đến quyết sách của EU về vấn đề Ukraine.

Hôm 3/4, đảng Fidesz của ông Orban đã giành chiến thắng với cách biệt lớn. Ảnh: AP.

Trên thực tế, ông Orban được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng ngay từ đầu và EU vẫn hoạt động bình thường nhiều năm kể từ khi ông Orban giữ chức thủ tướng Hungary vào năm 2010.

Trong cuộc xung đột ở Ukraine, mặc dù “chậm chân” so với các quốc gia khác, Thủ tướng Orban vẫn thực hiện lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga và phần lớn có các chính sách phù hợp với phần còn lại của liên minh phương Tây.

Tuy nhiên, ông từ chối tiến xa hơn và tự gọi mình là một nhà hòa bình trước cử tri. Hungary được cho là nước chủ chốt trong các cuộc đàm phán của EU về việc cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Cuối tuần qua, Đức cho biết khối cần thảo luận về lệnh cấm khí đốt của Nga sau các cáo buộc mới nhằm vào Moscow - một động thái mà ông Orban đã nhiều lần bác bỏ.

Trong lịch sử, Hungary từng “hục hặc" với EU khi nước này và Ba Lan phản đối việc gắn ngân sách dài hạn của khối và gói cứu trợ kinh tế sau đại dịch Covid-19 với việc tuân thủ nguyên tắc pháp quyền.

Vào năm 2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu Hungary giải thích các vấn đề liên quan đến mua sắm công, xung đột lợi ích và tham nhũng trong chi tiêu liên quan tới quỹ của EU.

Tuy nhiên, hầu hết nỗ lực trừng phạt đều thất bại vì nguyên tắc yêu cầu tất cả nước thành viên đều phải đồng ý trong một cuộc bỏ phiếu của EU. Hungary và Ba Lan là hai nước đồng minh trong nhiều năm qua và cả hai đều sử dụng quyền phủ quyết của EU để bảo vệ bên kia một cách hiệu quả.

Dù vậy, Ba Lan được xem như nước đi đầu phản đối Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Vì vậy, chưa rõ điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến trục Ba Lan - Hungary trong tương lai.

Bên cạnh đó, kể từ khi Moscow phát động "chiến dịch quân sự", các quan chức EU đã lặng lẽ nói về việc trao “cà rốt” (quyền lợi, phần thưởng) cho Ba Lan để kéo nước này gần hơn với phần còn lại của khối.

Cố gắng giữ thế cân bằng

Tình hình rất khác ở Serbia khi nước này không phải là thành viên của EU hay NATO. Serbia vẫn đang trong quá trình gia nhập EU, với các cuộc đàm phán dự kiến còn kéo dài thêm vài năm.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã bị đặt vào tình thế khó khăn trước cuộc giao tranh Ukraine - Nga. Trong nhiều năm, ông đã cố gắng cân bằng việc duy trì mối quan hệ ngoại giao, kinh tế với Nga, và sự “bao bọc”, hỗ trợ từ phương Tây, đi kèm với mong muốn trở thành thành viên EU.

Tổng thống Aleksandar Vucic của Serbia đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử ngày 3/4. Ảnh: Reuters.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Vucic không đi chệch khỏi chính sách “cân bằng" này. Ông đã khéo léo sử dụng cuộc xung đột ở châu Âu cùng với đại dịch Covid-19 để làm lợi thế cho mình, trong khi hứa hẹn với các cử tri sẽ có sự ổn định liên tục giữa bối cảnh còn nhiều điều không chắc chắn.

"Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với kết quả bầu cử ở Serbia là rất lớn", Tổng thống Vucic nói trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng.

Serbia gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga, trong khi quân đội nước này vẫn duy trì quan hệ với quân đội Nga. Mặc dù Serbia ủng hộ hai nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án việc Nga tấn công Ukraine, nước này từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow, Reuters đưa tin.

Tổng thống Putin ngày 4/4 đã chúc mừng chiến thắng của ông Vucic trong cuộc bầu cử và bày tỏ hy vọng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, Điện Kremlin cho biết.

"Tôi kỳ vọng rằng những hành động của ông với tư cách là nguyên thủ quốc gia sẽ tiếp tục đóng góp vào sự tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước", ông Putin nói trong bức điện gửi tới Tổng thống Vucic, theo tuyên bố của Điện Kremlin.

"Điều này chắc chắn đáp ứng lợi ích các dân tộc anh em của Nga và Serbia", bức điện nêu rõ.

Điện Kremlin ca ngợi chiến thắng" thuyết phục "của nhà lãnh đạo Serbia, đồng thời cho biết thêm rằng ông Putin đề cao các chính sách đối ngoại "độc lập" của Tổng thống Vucic.

CNN nhận định không nghi ngờ rằng kết quả bầu cử cuối tuần qua ở Serbia và Hungary - sẽ khiến ông Putin mỉm cười, trong khi các nhà lãnh đạo ở Brussels “ôm đầu”.

Thủ tướng Viktor Orban có thể mang lại cho ông Putin một số chiến thắng về mặt tuyên truyền, đồng thời kìm hãm các kế hoạch rộng lớn hơn của EU trong tương lai. Điều này làm phức tạp thêm nỗ lực của EU trong việc thể hiện mặt trận thống nhất đối đầu với Nga.

Nhưng EU dường như đã nỗ lực tìm cách để giải quyết vấn đề này trong nhiều năm. Trên tất cả, các nhà lãnh đạo phương Tây hiểu rằng thủ tướng Hungary sẽ cảm thấy vui hơn khi tiếp tục là thành viên của khối thay vì lên kế hoạch rút khỏi.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hai-lanh-dao-than-nga-thang-cu-o-chau-au-a126255.html