Loạt doanh nghiệp thép giảm sâu lợi nhuận trong quý I

Loạt doanh nghiệp thép thuộc VNSteel ghi nhận lợi nhuận quý I giảm sâu.

Loạt doanh nghiệp thép giảm lợi nhuận quý I

Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel, UPCoM: TVN) báo cáo lợi nhuận của nhiều đơn vị thành viên ghi nhận giảm sâu trong quý I, đặc biệt là mảng thép xây dựng và tôn mạ trong khi thép cán nguội tăng trưởng

Cụ thể, ở mảng thép xây dựng, Thép miền Nam ước lợi nhuận trước thuế quý I đạt khoảng 5 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ năm trước. Vicasa – Vnsteel (HoSE: VCA) giảm lãi 27% xuống 10,3 tỷ đồng, Thép Thủ Đức – Vnsteel (UPCoM: TDS) giảm 47%, Vinakyoei giảm đến 63% xuống 86 tỷ đồng…

Các đơn vị thành viên của Vnsteel ở mảng tôn mạ như TVT giảm mạnh lợi nhuận từ 27,6 tỷ đồng về 73 triệu đồng quý I năm nay, SCCS giảm 23% xuống 30,1 tỷ đồng.

Riêng 2 đơn vị thanh viên ở mảng thép cán nguội ghi nhận tăng trưởng. PFS tăng 16% ghi nhận lợi nhuận 18,2 tỷ đồng, TNFS tăng 83% từ gần 2 tỷ lệ 3,6 tỷ đồng.

thep-quyi-7081-1649922834.png

Nguồn: Vnsteel

Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) chưa công bố kết quả kinh doanh tháng 3 nhưng số liệu 2 tháng đầu năm không khả quan. Doanh thu lũy kế 2 tháng đạt 716 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 26 tỷ đồng, lần lượt tăng 42,8% và giảm 62% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 18,8% về 7% là yếu tố khiến lợi nhuận giảm mạnh dù doanh thu tăng trưởng.

Báo cáo của Vnsteel cho biết thị trường thép quý I biến động rất lớn, giá các mặt hàng thép tăng mạnh, nhiều mặt hàng lên mức đỉnh trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân chính do biến động kinh tế chính trị thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng từ cuộc xung đột chính trị giữa Nga - Ukraine đã đẩy giá cả nhiều mặt hàng leo thang, kèm theo chi phí dầu, khí đốt, phí vận chuyển đều gia tăng.

Trong nước, giá các mặt hàng nguyên liệu thép liên tục tăng cao, trong đó phôi thép và thép phế tuy chưa đạt được mức đỉnh như trong năm 2008 nhưng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Xu hướng tăng giá tiếp tục được duy trì sang đến thời điểm đầu tháng 4. Điều này tác động rất lớn ngành thép trong nước, các doanh nghiệp đang phải đối mặt chi phí đầu vào tăng cao trong giá bán thép thành phẩm không tăng tương ứng do áp lực cạnh tranh, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh, chưa kể rủi ro tiềm ẩn do giá các mặt hàng đã tăng mạnh liên tục trong thời gian dài.

“Cài số lùi” cho lợi nhuận 2022

Năm 2021 là năm đặc biệt thăng hoa của ngành thép nhờ hưởng lợi giá tăng. Song, sau khi đạt đỉnh lợi nhuận trong quý II thì nhiều doanh nghiệp ghi nhận dấu hiệu suy giảm, thậm chí thua lỗ trong 2 quý cuối năm. Với năm nay, hầu hết công ty thép đều đặt mục tiêu lợi nhuận giảm mạnh so với năm trước do hết hưởng lợi từ nguồn hàng tồn kho giá thấp.

thep-2022-3779-1649922952.png

Nhiều doanh nghiệp thép lớn lên kế hoạch lợi nhuận 2022 giảm mạnh.

Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) đưa ra 3 phương án kinh doanh cho niên độ 2021-2022. Trong đó, kế hoạch về sản lượng được đề ra là 2 triệu tấn và doanh thu 46.399 tỷ đồng cho cả 3 phương án. Riêng với chỉ tiêu lợi nhuận sẽ thay đổi từ 1.500 tỷ đến 2.000 tỷ và 2.500 tỷ đồng phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào. Các chỉ tiêu kinh doanh năm nay ghi nhận giảm 11,1% về sản lượng, gần 5% về doanh thu và giảm từ 42% đến 65% về lợi nhuận sau thuế so với thực hiện niên độ 2020-2021.

Tương tự, Tôn Nam Kim (HoSE: NKG) lên kế hoạch tổng doanh thu 28.000 tỷ đồng, tương đương thực hiện năm trước và lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, giảm 28%.

Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 20.000 tỷ đồng, giảm 6,2%; lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, giảm 66,8% so với thực hiện trong năm 2021. Trong đó, tổng sản lượng tiêu thụ là 1,25 triệu tấn, giảm 2,9% so với năm ngoái. 

VNSteel công bố kế hoạch doanh thu năm nay đạt 38.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 500 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,4% và 51,6% so với thực hiện 2021.

SSI Research cho rằng tổng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm toàn ngành sẽ tăng từ 4%-6% vào năm 2022 do tăng trưởng kênh nội địa từ 8%-10%. Nhu cầu nội địa năm nay tăng do sự kìm hãm vì dịch Covid-19 trong năm 2021 có thể bùng phát và động lực từ đầu tư công.

Xuất khẩu có thể được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng nhu cầu ở các thị trường phát triển, tiêu thụ thép tại đây được kỳ vọng tăng 4,3% nhờ nền kinh tế phục hồi và đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều này đặc biệt đúng ở Mỹ với dự luật cơ sở hạ tầng được đề xuất là 1.200 tỷ USD, ước tính làm tăng tiêu thụ thép hàng năm từ 3% -5%.

Tuy nhiên, theo SSI Research, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có thể giảm từ mức cao đã đạt được năm trước, đặc biệt trong nửa cuối năm 2022. Nguyên nhân từ việc nới lỏng kiểm soát công suất của Trung Quốc vào năm 2022; các biện pháp bảo hộ có thể có tại các thị trường xuất khẩu, bao gồm ASEAN, EU và Bắc Mỹ đối với thép Việt Nam và sự phục hồi của sản xuất thế giới. Trên thực tế, sản xuất ở Mỹ, EU, Ấn Độ và Nhật Bản đã tăng từ 17% -19% trong 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ 2020. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép (trừ Trung Quốc) dự kiến ​tăng 5% trong năm nay.

VNSteel nhận định trong thời gian tới, giá nguyên liệu thế giới còn tiếp tục tăng cao khi nguồn cung bị thắt chặt, chi phí tăng cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc mua nguyên liệu của các đơn vị, hiệu quả kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng. Về lợi thế xuất khẩu, mặc dù do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga- Ukraina khiến nhu cầu thép tại các thị trường châu Âu và Mỹ gia tăng, thu hút các quốc gia xuất khẩu, nhưng đối với các doanh nghiệp thép tại Việt Nam bên cạnh việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng sẽ phải đối diện với cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác, khó để có thể mang lại hiệu quả cao từ hoạt động xuất khẩu như trong năm 2021.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/loat-doanh-nghiep-thep-giam-sau-loi-nhuan-trong-quy-i-a129503.html