Chỉ số chứng khoán KOSPI của Hàn Quốc. Ảnh tư liệu: YONHAP/TTXVN
Ngân hàng trung ương tại một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Canada và Anh đã bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế đà tăng của giá cả, song Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 14/4 vẫn quyết định duy trì kế hoạch kích thích kinh tế và không điều chỉnh lãi suất. Điều này đã khiến tỷ giá đồng euro tụt xuống gần mức thấp nhất trong hai năm, song chứng khoán tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn tăng điểm, trong khi phố Wall lại chìm vào sắc đỏ trước thềm kỳ nghỉ lễ Phục sinh.
Xu hướng trên đã phần nào ảnh hưởng đến thị trường châu Á. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 15/4, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm 0,3% xuống 27.093,19 điểm. Trong phiên giao dịch buổi chiều, chỉ số chứng khoán tại thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,7% còn 3.204,5 điểm.
Xung đột tại Ukraine đã làm gia tăng rủi ro đối với đà phục hồi kinh tế trên toàn cầu sau đại dịch COVID-19. Lãnh đạo một số ngân hàng lớn tại Mỹ đều nhận định nền kinh tế số một thế giới sẽ phát triển ổn định, song cũng cảnh báo về tác động của cuộc xung đột tại Ukraine và những biện pháp các ngân hàng trung ương sẽ áp dụng để kiểm soát lạm phát.
Nga là nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt chính trên toàn cầu, trong khi Ukraine cũng đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất ngũ cốc. Căng thẳng leo thang đã tác động tiêu cực đến những mặt hàng này, với tác động có thể được cảm nhận rõ từ Trung Đông đến Nam Mỹ. Tại Yemen, mối lo ngại thiếu lương thực ngày càng trở nên nghiêm trọng khi quốc gia này đang trên bờ vực của nạn đói. Tại Argentina, giá nhiên liệu tăng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã dẫn đến việc tài xế vận chuyển ngũ cốc đình công và yêu cầu tăng cước phí vận tải, kéo theo tình trạng tê liệt xuất khẩu nông sản.
Căng thẳng Nga-Ukraine cũng khiến giá dầu tăng vọt, với ngày càng nhiều thông tin về nguy cơ gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào năng lượng của Nga. Chuyên gia Stephen Innes của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management nhận định giá dầu sẽ tiếp tục tăng khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu vượt quá những quan ngại về xu hướng nhu cầu bị chững lại tại Trung Quốc. Trong những ngày qua, giá dầu Brent Biển Bắc và WTI giao kỳ hạn đều dao động quanh mức 100 USD/thùng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-chau-a-giam-diem-do-quan-ngai-ve-lam-phat-tang-cao-a129579.html